(Baonghean) - Bất chấp các dự báo là sau ngày 30/6, ngày cuối cùng các ngân hàng phải tất toán vàng thì giá sẽ giảm nhưng thực tế là hiện tại vàng trong nước không hề giảm giá và vẫn giữ ở mức cao hơn thế giới 6 triệu đồng.  Cho dù, từ ngày 1/7 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức thêm 4 phiên đấu thầu với khối lượng chào bán lên tới 160.000 lượng vàng (tương đương trên 6,1 tấn) và thị trường vẫn vét sạch gần hết số vàng đó, chỉ dư bán đúng 100 lượng. Tính đến nay, đã có 41 phiên đấu thầu và đã có khoảng 43 tấn vàng đã được bán ra. Vậy mà “cơn khát” vàng trên thị trường vẫn chưa hề có dấu hiệu suy giảm. Và một câu hỏi lớn đặt ra là: vàng đang đi đâu?

Câu hỏi đó thật không dễ trả lời. Nhưng có thể đoán chắc rằng lượng vàng nếu quy đổi theo giá thế giới có giá trị xấp xỉ 2,5 tỉ USD đó vẫn cứ loanh quanh, trôi nổi trên thị trường hoặc chui vào nằm im trong các két sắt gia đình hoặc các ngân hàng, công ty kinh doanh vàng bạc. Nghĩa là lượng tiền khổng lồ đó không được vốn hóa để đi vào sản xuất, kinh doanh để tạo ra việc làm cùng giá trị thặng dư thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Trong khi đó, từ người nông dân sản xuất nhỏ lẻ cho đến các công ty,  xí nghiệp, tập đoàn lớn nhỏ đều đang rất khan hiếm nguồn vốn với lãi suất phù hợp để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Hàng chục nghìn doanh nghiệp đã phá sản hoặc đang hoạt động cầm chừng vì không có tiền tái đầu tư hoạt động. Chưa kể thị trường bất động sản cũng đang rất cần một nguồn vốn lớn để tháo gỡ đầu ra.

Một điều đáng chú ý là khi giá vàng hơi giảm một chút là ở các thành phố lớn, người dân chen chúc nhau mua vàng. Điều đó cho thấy nguồn tiền mặt trong dân rất dồi dào. Và người ta chưa thể tìm ra được một “cửa” nào đáng tin cậy để đầu tư nên đành “ẩn nấp” vào vàng cho an toàn. Điều đó cho thấy nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng chưa tạo được cho người dân sự yên tâm, tin tưởng để “dốc hầu bao” ra đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Việc tái cơ cấu nền kinh tế nói nhiều, nói mãi rồi nhưng hình như vẫn đang ở giai đoạn khởi động nên chưa thấy được những chuyển biến nào đáng  kỳ vọng. Ngược lại, sức mua trên thị trường vẫn tụt giảm. Bằng chứng là nhiều trung tâm thương mại lớn ở hai đầu đất nước là TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội phải đóng cửa vì ế ẩm. Sức mua giảm đồng nghĩa với niềm tin vào sự hồi phục của nền kinh tế cũng suy giảm.

Vì thế, vấn đề đặt ra là không nên truy tìm vàng đang đi đâu mà nên nghĩ đến giải pháp khôi phục niềm tin vào nền kinh tế để từ đó huy động được số lượng vàng trị giá nhiều nghìn tỷ đồng đang nằm chết dí một chỗ vào lưu thông trong sản xuất, kinh doanh. Và việc tạo dựng niềm tin trong dân chúng đối với nền kinh tế  không gì có sức thuyết phục bằng hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng như hiệu quả của những chủ trương, chính sách và biện pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.

Đó chính là giải pháp vàng.


Duy Hương