(Baonghean) - Từ những bất cập nảy sinh trong công tác quản lý cư trú, mới đây, Đảng ủy, chính quyền phường Hà Huy Tập (TP. Vinh) đã thực hiện thử nghiệm việc lập sổ theo dõi nghĩa vụ của từng hộ là giải pháp mới trong công tác quản lý cư trú.
Những bất cập
Một bất cập nảy sinh từ công tác quản lý cư trú được nói đến nhiều ở phường Hà Huy Tập là việc lượng học sinh biến động theo hướng tăng lên theo từng năm học, tạo ra những áp lực về ANTT trên địa bàn. Theo cán bộ, nhân dân nơi đây, vì được tiếng là địa bàn có nhiều trường học được đánh giá chất lượng cao, nên nhiều gia đình dù không sinh sống trên địa bàn phường Hà Huy Tập đã dùng “chiêu” đăng ký hộ khẩu “ảo” để cho con em được theo học ở các trường này. Cô Võ Thị Phương Hoa – Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập cho biết, vì muốn cho con cái theo học tại các trường ở phường Hà Huy Tập nên có nhiều người gốc ở phường Hà Huy Tập đã lập gia đình ở phường khác nhưng không cắt chuyển hộ khẩu; hoặc gửi con cái cho ông bà, anh em, bà con có hộ khẩu ở phường. Nhiều trường hợp đã tìm đến trường chất vấn vì họ cho rằng có hộ khẩu thì trường buộc phải nhận con, cháu họ vào học. Trong khi, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường có hạn nên chỉ tiêu tuyển sinh hạn chế…
Với các Ban cán sự khối, xóm của phường Hà Huy Tập, công tác quản lý cư trú hiện nay đang nảy sinh những bất cập trong công tác an ninh trật tự và thu ngân sách theo pháp lệnh. Khối 5 có 186 hộ thường trú với 609 khẩu. Có 7 – 13 gia đình cho thuê trọ một phần nhà, hoặc cả nhà; 7 hộ làm nhà trọ (từ 2 – 7 phòng). Tuy nhiên, theo ông Phan Bá Quỳnh, Khối trưởng khối 5 thì: “Sự dao động hàng năm khoảng 3 hộ, 12 – 13 khẩu. Riêng những người đăng ký tạm trú thì chúng tôi không thể nắm chính xác được. Có những người có hộ khẩu thường trú, nhưng đi làm ăn xa trong thời gian dài mà không cắt khẩu; có những người đăng ký tạm trú mà không báo với ban cán sự; chuyển đi nơi khác cũng không báo. Những đối tượng này, các loại phí, quỹ đều không thực hiện. Có những trường hợp có đăng ký tạm trú, thế nhưng đến thời điểm thu phí, quỹ thì chuyển đến sống ở khối khác. Trong khi đó, Ban cán sự khối vẫn phải thực hiện tất cả những gì thuộc về quyền công dân của họ”.
Về vấn đề an ninh trật tự, theo ông Quỳnh, do một số hộ có nhà cho thuê nhưng chủ hộ không sống trên địa bàn phường nên phát sinh những tiêu cực. Ông Quỳnh nêu dẫn chứng: “Mới đây, chúng tôi phải mời công an xuống kiểm tra, lập biên bản 2 nhà thuê trọ. Sự việc bắt nguồn từ chuyện những người thuê ở thường xuyên tổ chức tụ tập, làm mất trật tự khu phố. Người dân bức xúc báo lên, chúng tôi mời công an đến kiểm tra; phát hiện nhiều vi phạm như: nam nữ sống với nhau như vợ chồng nhưng không có giấy tờ tùy thân, không đăng ký kết hôn;…”.
Theo ông Lê Văn Ngọc - Bí thư Đảng ủy phường Hà Huy Tập: Luật Cư trú hiện nay đảm bảo quyền cư trú của công dân, tuy nhiên, quy định của luật khá thoáng, vì vậy dẫn đến tình trạng việc quản lý gặp những khó khăn. Có nhiều gia đình sống trong cùng một mái nhà nhưng tách thành 2 hộ để được hưởng lợi về giá điện, giá nước; Có những gia đình sống ở Hưng Dũng, Nghi Phú, Hưng Phúc, Quán Bàu… nhưng làm thủ tục thuê nhà ở phường Hà Huy Tập để “có chỗ ở hợp pháp”, đăng ký thường trú cho con theo học tại các trường trên địa bàn phường. Phường Hà Huy Tập có 22 khối, với khoảng 21 nghìn khẩu thường trú, nhưng đây chỉ là số liệu “tạm tính” vì số liệu tại các đơn vị có liên quan như Công an, dân số… đều không có sự trùng khớp. Riêng với số tạm trú trên địa bàn thì không thể tính được vì “không phải người nào tạm trú cũng đều đăng ký theo quy định”…
Giải pháp thử nghiệm
Trước những bất cập nảy sinh, phường Hà Huy Tập đã tập trung tìm giải pháp thực hiện tốt công tác quản lý cư trú. Trong đó, xác định cần phải giải quyết bất cập trong quản lý thường trú, tạm trú; phân loại những đối tượng có đăng ký thường trú, tạm trú nhưng thực chất không sinh sống trên địa bàn. Chính quyền phường cùng họp bàn với đại diện các khối đi đến thống nhất lập sổ theo dõi nghĩa vụ của các hộ. Theo đó, mỗi gia đình có hộ khẩu thường trú sẽ được cấp một cuốn sổ. Trong sổ ghi đầy đủ thông tin chủ hộ, tổ dân cư, địa chỉ nhà, điện thoại. Nghĩa vụ của hộ gia đình thể hiện trên sổ được chia làm 2 phần: Nghĩa vụ tài chính gồm thuế sử dụng đất; phí vệ sinh môi trường; các loại quỹ quốc phòng - an ninh, bảo trợ trẻ em, đền ơn đáp nghĩa và quỹ vì người nghèo. Nghĩa vụ thực hiện các hoạt động phong trào gồm: thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; thực hiện chính sách Dân số/KHHGĐ; thực hiện các quy ước của khối phố; thực hiện các quy định của pháp luật; tham gia các cuộc họp khối phố; tham gia phòng, chống các loại tệ nạn xã hội; tham gia các phong trào do khối đề ra. Ban cán sự các khối có trách nhiệm ghi chép, ký nhận đầy đủ sau khi các hộ thực hiện các nghĩa vụ vào sổ.
Thông qua việc ghi chép, chính quyền sẽ quản lý tốt và chính xác số lượng công dân, sẽ có đánh giá xếp loại hàng năm chính xác và quan trọng là giải quyết được các bất cập đang phát sinh. Ông Lê Văn Ngọc cho biết thêm: “Đảng ủy, chính quyền phường, Ban cán sự các khối phố thống nhất rất cao trong việc thực hiện quản lý cư trú thông qua lập sổ theo dõi nghĩa vụ của các hộ. Nhiều người có uy tín sống trên địa bàn cũng đồng tình cao với giải pháp này. Chúng tôi dự kiến tới đây sẽ lấy ý kiến nhân dân để tiến hành thực hiện từ đầu năm 2015…”. Đồng thời xác định, Ban cán sự khối và cảnh sát khu vực là lực lượng nòng cốt để phường thực hiện tốt công tác quản lý cư trú.
Qua tìm hiểu thực tế trên địa bàn phường Hà Huy Tập, đối chiếu với Luật Cư trú thì những khó khăn trong quản lý cư trú là khó tránh khỏi. Và vấn đề này không chỉ riêng đối với địa bàn phường Hà Huy Tập mà là tình trạng chung của tất cả các phường, xã trên địa bàn Thành phố Vinh. Tăng cường công tác quản lý cư trú, tránh phát sinh những bất cập ảnh hưởng xấu đến xã hội là việc làm cần thiết, việc phường Hà Huy Tập lập sổ theo dõi nghĩa vụ của các hộ là một giải pháp cần được thử nghiệm.
Bài, ảnh: Nhật Lân