Tỷ lệ tảo hôn có xu hướng tăng
Lầu Y Hùa ở bản Na Cáng, xã Na Ngoi năm nay vừa tròn 19 tuổi - độ tuổi rực rỡ nhất của người con gái, nhưng Hùa đã làm vợ người ta từ 4 năm trước và hiện có 2 đứa con. Trò chuyện với chúng tôi Y Hùa cho hay “Em lấy chồng năm 15 tuổi khi đang học THCS, chồng em lúc đó cũng mới 16 tuổi, chúng em quen nhau ở trường. Bố mẹ không đồng ý nhưng cứ ở với nhau thôi...”. Lấy chồng sớm thế có vất vả không? Nghe chúng tôi hỏi, Y Hùa bẽn lẽn trả lời “Vất vả lắm ạ. Nhà chồng 8 anh em, chồng là con út, ở chung với bố mẹ. Hiện tại, chồng đi nghĩa vụ quân sự, còn em ở nhà vừa chăm con, vừa làm rẫy, không đủ ăn...”.
Ban quản lý và người dân bản Na Cáng, xã Na Ngoi trao đổi về vấn đề tảo hôn. Ảnh: KL Những trường hợp lấy chồng, lấy vợ khi chưa đủ tuổi kết hôn như vợ chồng Lầu Y Hùa không phải là hiếm. Năm 2021, ở bản Na Cáng có 10 cặp tảo hôn. “Cán bộ, ban quản lý bản cũng tuyên truyền nhiều rồi nhưng khó lắm, trai gái yêu nhau trong trường học rồi về ở với nhau thôi, bố mẹ ngăn cấm cũng không được, không khéo còn dẫn đến ăn lá ngón tự tử và nhiều hệ lụy khác...”, Bí thư Chi bộ bản Na Cáng bày tỏ.
Còn ông Mùa Bá Hờ - cán bộ tư pháp xã Na Ngoi cho biết: Chỉ tính riêng trong năm 2021, trên địa bàn có 33 cặp tảo hôn tập trung ở các bản Na Cáng, Pù Khả 1, Pù Khả 2, Buộc Mú... Họ không đến đăng ký kết hôn mà tự về ở với nhau nên xử lý rất khó, chủ yếu là nắm qua cán bộ thôn, bản.
Ngành chức năng phổ biến pháp luật cho người dân xã Na Ngoi. Ảnh: KL Tại xã vùng biên Nậm Cắn, từ năm 2019 - 2021 có 228 cặp vợ chồng lấy nhau thì có tới 67 cặp tảo hôn, chiếm 23,2% (100% đều là đồng bào Mông). Số cặp cả vợ, cả chồng đều không đủ tuổi kết hôn theo quy định là 12 cặp, chiếm 17,9%, số cặp chỉ có vợ hoặc chồng chưa đủ tuổi kết hôn là 54, chiếm 80,6%. Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn có 12 trường hợp tảo hôn, chủ yếu sinh ở độ tuổi từ 2005 - 2008, tập trung ở các bản Trường Sơn, Huồi Pốc, Tiền Tiêu và đều là người Mông.
Tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại Trường PTDTBT THCS Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Ảnh: CSCC Theo ông Xồng Bá Lầu - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn: Nguyên nhân là do ảnh hưởng của phong tục, tập quán lạc lậu được duy trì qua nhiều thế hệ. Nhiều gia đình kinh tế khó khăn, thiếu hiểu biết pháp luật, chưa nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục, nâng cao dân trí, không khuyến khích con em đến trường mà muốn con cái ở nhà làm việc giúp đỡ gia đình.
Nhiều em học sinh người dân tộc Mông nghỉ học sớm, nhất là sau khi kết thúc bậc THPT để lấy vợ, lấy chồng. Hệ lụy tảo hôn không chỉ gây hại đến sức khỏe, sự trưởng thành của trẻ em mà còn tạo áp lực cho gia đình, xã hội. Việc các em làm cha, làm mẹ khi còn quá trẻ, kinh nghiệm sống, kỹ năng chăm sóc con cái, nền tảng kinh tế không có dẫn tới cuộc sống khó khăn, hay xảy ra mâu thuẫn. Có trường hợp năm 2021 chính quyền phối hợp với nhà trường đã vận động thành công 2 em học sinh từ bỏ ý định tảo hôn để đi học tiếp, nhưng đầu năm 2022, em nữ là Lầu Y Nh. (SN 2007) ở bản Trường Sơn lại tảo hôn với một bạn nam khác học cùng lớp 9.
Là địa bàn tập trung của đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống (chiếm trên 95%), bao gồm 5 hệ dân tộc gồm có Khơ Mú, Thái, Mông, Hoa và Kinh. Trong những năm qua, được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng đã tích cực tham gia vận động nhân dân trên địa bàn huyện chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Luật Hôn nhân và Gia đình, tập trung vào tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Từ đó, tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức của người dân. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ năm 2019-2021 tình hình tảo hôn tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa có sự gia tăng, chưa có hướng xử lý hiệu quả.
Cụ thể, năm 2019, số người tảo hôn trên địa bàn toàn huyện Kỳ Sơn là 145 trường hợp, đến năm 2020 là 189 trường hợp và năm 2021 là 182 trường hợp. Trong đó, tảo hôn chủ yếu xảy ra tại các xã có đồng bào dân tộc Mông và Khơ mú sinh sống, điển hình là xã Na Ngoi (từ năm 2019-2021 có 92 trường hợp tảo hôn), xã Nậm Cắn (có 67 trường hợp tảo hôn), xã Tây Sơn (có 49 trường hợp), xã Huồi Tụ (có 48 trường hợp), xã Mường Lống (có 46 trường hợp), xã Nậm Càn (có 31 trường hợp),... Tỷ lệ người tảo hôn trên số người đăng ký kết hôn có xu hướng tăng (năm 2019 là 8,5%, năm 2020 là 16,2% và 2021 là 15,6%). Trong đó, các xã có tỷ lệ người tảo hôn so với người đăng ký kết hôn cao (tính trong 3 năm từ 2019-2021) là: Na Ngoi 109,5%, Tây Sơn 54,4%, Nậm Cắn 23,8%, Mường Lống 21,5%, Huồi Tụ 17,9%.
Theo lãnh đạo phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn: Bên cạnh các nguyên nhân do ảnh hưởng của phong tục, tập quán lạc hậu; kinh tế kém phát triển; trình độ dân trí, nhận thức, ý thức pháp luật của đa số người dân còn nhiều hạn chế. Cũng phải nhìn nhận rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh cấp THCS, THPT tại nhiều trường học chưa được quan tâm thực hiện; việc xây dựng các nội dung và đề tài về hôn nhân và gia đình, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên... trong các chương trình ngoại khóa, nội khóa dành cho học sinh tại các trường học trên địa bàn còn hạn chế.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Để đẩy lùi nạn tảo hôn tiến tới việc xóa bỏ các phong tục, tập quán, hủ tục lạc hậu đi đến xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Ngày 26/7/2021, BTV Huyện ủy Kỳ Sơn đã ban hành Chỉ thị số 07 CT/HU tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Trong đó, yêu cầu chính quyền từ huyện đến xã, thị trấn tổ chức quán triệt triển khai thực hiện nội dung Chỉ thị. Đồng thời khảo sát, nghiên cứu đánh giá và ra văn bản bãi bỏ một số hủ tục lạc hậu, không còn phù hợp trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Quán triệt cán bộ, công chức, viên chức người lao động thực hiện tốt quy định về trách nhiệm nêu gương. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức người lao động; kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý những cán bộ, đảng viên thiếu trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, giáo dục để con cái tảo hôn hoặc bao che tổ chức đám cưới cho các cặp tảo hôn trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.
Tuyên truyền phòng, chống tảo hôn ở bản Phà Kháo, xã Phà Đánh. Ảnh: Duy Khánh Bên cạnh đó, ngày 25/6/2021, UBND huyện Kỳ Sơn đã ban hành Kế hoạch số 111/KH-UBND thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn. Mục tiêu đặt ra là mỗi năm giảm bình quân từ 2-3%/năm số cặp tảo hôn ở địa bàn dân tộc thiểu số có nguy cơ cao. Xây dựng 10 mô hình CLB phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở các địa bàn có tảo hôn cao gồm: Huồi Giảng 1, 2, Đống Dưới (xã Tây Sơn); Bản Khe Nạp và Xà Lồng (xã Bảo Nam), bản Na Cáng và Kèo Bắc (xã Na Ngoi), bản Trường Sơn, Tiền Tiêu và Trường DTBT đóng tại bản Noọng Dẻ (xã Nậm Cắn).
Một số địa bàn còn tỷ lệ tảo hôn cao như ở xã Nậm Cắn đã chủ động ban hành kế hoạch và thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”. “Trong năm 2021, xã đã thành lập 3 CLB phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở các bản Tiền Tiêu, Trường Sơn với 31 thành viên. Qua việc tổ chức sinh hoạt CLB cùng với việc tuyên truyền của ban, ngành cấp xã, cuối năm 2021, tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn xã có bước giảm đáng kể so với năm 2020...”, ông Xồng Bá Lầu - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn cho biết.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn cho hay: Xác định phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Hàng năm, Phòng Tư pháp - Cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện đã phối hợp với các phòng, ban, đơn vị cấp huyện và UBND các xã, thị trấn, các đồn biên phòng đóng chân ở các xã biên giới, đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhất là tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống dưới nhiều hình thức phù hợp với từng địa bàn, đối tượng. Đồng thời, tập trung xây dựng và thực hiện nghiêm túc hương ước, quy ước của thôn, bản, phát huy tính tự quản của dòng họ; vận động nhân dân không tảo hôn. Đưa vào quy ước bản (lấy ý kiến đồng thuận của người dân) không tổ chức cưới, cho con em khi chưa đủ tuổi kết hôn. Nếu gia đình nào vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật và quy định của bản.
Phụ nữ xã Phà Đánh tham gia buổi truyền thông về phòng chống tảo hôn. Ảnh: Duy Khánh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để đẩy lùi được tảo hôn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện xuống cơ sở với các giải pháp căn cơ, đồng bộ. Bên cạnh đó, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 82/2020/NĐ-CP... để tăng tính giáo dục, răn đe.
Điều 8, 9 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định, nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b ) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các Điểm a, b, c và d, Khoản 2, Điều 5 của Luật này.
Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.