(Baonghean) - Hiểu đúng và thực hiện tốt việc cung cấp thông tin cho báo chí là biện pháp quan trọng ngăn chặn thông tin độc hại, thông tin thiếu chính xác và thể hiện vai trò của cơ quan chức năng trong đảm bảo cung cấp thông tin cho báo chí. Hoạt động trao đổi, cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian qua đã có nhiều bước chuyển biến tích cực. Phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Hảo - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông xung quanh vấn đề này.
 
 
P.V: Ông đánh giá như thế nào về hoạt động cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
 
Ông Nguyễn Bá Hảo: Trước hết cần phải hiểu, chậm cung cấp thông tin cho báo chí hoặc không cung cấp thông tin cho báo chí là nguyên nhân chính dẫn đến việc báo chí thông tin thiếu chính xác; khi có sự kiện, vấn đề, báo chí chính thống không có được thông tin, chưa kịp đăng phát thì các trang mạng đã tràn lan thông tin đồn thổi, thậm chí là thông tin sai sự thật. Cung cấp thông tin cho báo chí là việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân bằng các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin chính thức của mình đến các cơ quan truyền thông. Thông qua việc cung cấp thông tin, các cơ quan truyền thông giúp các tổ chức, cá nhân đưa tin về một sự kiện, chính sách hay kết quả nào đó mà đơn vị muốn công khai cho công chúng biết. Chất lượng thông tin quyết định chất lượng sản phẩm truyền thông; vì vậy, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác sẽ cho ra đời những tác phẩm báo chí có chất lượng, hiệu quả lan rộng, đạt được mục đích của cả hai bên. 
 
Có thể nói, trong những năm qua hoạt động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có bước chuyển biến tích cực. Các đơn vị, địa phương ngày càng chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, nhờ đó, thông tin đến với báo chí ngày càng nhanh, kịp thời và đầy đủ hơn. 
 
Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị, địa phương chưa chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, thậm chí né tránh báo chí; trong một số trường hợp, báo chí tự tìm kiếm nguồn tin không chính thức, khi đăng tải lên phương tiện truyền thông, xảy ra trường hợp không thống nhất, thậm chí khiếu kiện, ảnh hưởng và làm xấu đi mối quan hệ của cả hai bên.
 
images901889_a5pv_b_o_ngh__an_ph_ng_v_n_c__tri_v__k__h_p_th__10_h_nd_t_nh.jpgPhóng viên Báo Nghệ An phỏng vấn cử tri về kỳ họp thứ 10 - HĐND tỉnh. Ảnh: Nguyên Khoa.
 
PV: Ông có thể cho biết những chuyển biến cụ thể trong việc cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh?
 
Ông Nguyễn Bá Hảo:Chúng ta cũng biết chất lượng nguồn tin có vai trò hết sức quan trọng quyết định chất lượng tác phẩm báo chí, cho nên các đơn vị, địa phương ngày càng có ý thức trong việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. Cũng như các địa phương khác, việc cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh Nghệ An được thực hiện thông qua các biện pháp (hình thức) như họp báo (định kỳ, đột xuất), qua Cổng TTĐT và qua người phát ngôn (riêng hình thức Thông cáo báo chí ít được sử dụng nên không đề cập trong nội dung này).
 
Cung cấp thông tin cho báo chí thông qua hình thức họp báo: Đây là hình thức có hiệu quả và ngày càng được các cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm thực hiện. Việc tổ chức họp báo nếu được chuẩn bị chu đáo, tài liệu đầy đủ sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phối hợp tuyên truyền có hiệu quả. Điển hình như: Sở Giáo dục - Đào tạo (Thông báo công tác chuẩn bị các kỳ thi tuyển sinh vào đại học, thi vào lớp 10 hàng năm), Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh (Thông báo tình hình chuẩn bị các kỳ họp của HĐND tỉnh), UBND Thành phố Vinh (Thông báo kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hàng năm). Đặc biệt đối với các vụ việc nhạy cảm thì việc tổ chức họp báo đột xuất đã phát huy hiệu quả tức thì, do được cung cấp kịp thời thông tin, vì vậy đã kịp thời định hướng dư luận, giúp báo chí  thông tin đúng bản chất vụ việc, ví dụ như UBND Thành phố Vinh họp báo thông báo tình hình giải quyết vụ việc liên quan đến Dự án xây dựng Trung tâm thương mại, khách sạn dịch vụ, nhà ở và biệt thự cao cấp tại phường Bến Thủy, Thành phố Vinh; Sở NN và PTNT phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND Thị xã Hoàng Mai họp báo thông báo tình hình lũ lụt tại Thị xã Hoàng Mai, hậu quả và biện pháp khắc phục...
 
Cung cấp thông tin cho báo chí thông qua cổng thông tin điện tử: Hiện nay, ngoài cổng thông tin điện tử của tỉnh (cổng cấp 1), còn có 56 cổng TTĐT của các huyện, thành, thị và sở ban ngành cấp tỉnh (cổng cấp 2), vì vậy, nhiều thông tin quan trọng về tình hình KTXH, QPAN, đối nội, đối ngoại ... đã được cập nhật kịp thời lên cổng TTĐT. Hình thức này ngày càng được các đơn vị, địa phương quan tâm và chú trọng hơn. Thông tin trên cổng TTĐT được coi là thông tin chính thức, kịp thời, vì vậy, cơ quan báo chí cũng như người dân yên tâm khi tiếp cận nguồn tin này.  
 
Hình thức cuối cùng đó là cung cấp thông tin qua người phát ngôn: Đến nay, đã có 72/72 sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh cử người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (gọi tắt là người phát ngôn). Nhiều đơn vị đã phát huy được vai trò của người phát ngôn, cung cấp nhiều thông tin đảm bảo tính pháp lý cho báo chí, góp phần hạn chế đáng kể việc đưa tin thiếu chính xác. 
 
PV: Theo ông, việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí có tầm quan trọng như thế nào?
 
Ông Nguyễn Bá Hảo: Báo mạng đang thách thức báo chí truyền thống, Internet phát triển, kéo theo hàng loạt các thiết bị cho phép người dùng có thể tiếp cận thông tin ở mọi lúc, mọi nơi, các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử thông tin hết sức nhanh nhạy và có khả năng lan tỏa vô cùng nhanh, điều đó cũng có nghĩa là con người có thể tiếp cận thông tin rất nhanh chóng và bằng nhiều kênh khác nhau. Tuy nhiên, thông tin của những loại hình này lại thiếu kiểm chứng, thông tin có khi gây thất thiệt, bị một số phần tử xấu lợi dụng đưa tin lừa đảo về kinh tế, thậm chí cả về chính trị, bóp méo lịch sử, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc...
 
Nói như vậy để khẳng định rằng việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để báo chí có được thông tin chính thống và tránh được những thông tin thiếu tính chính xác. Đơn cử, khi có một vụ việc xảy ra, nếu các đơn vị, cá nhân chủ động tổ chức họp báo hoặc chủ động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử, trên cổng TTĐT của đơn vị mình thì các cơ quan báo chí sẽ dễ dàng tiếp cận và thông tin đến đông đảo bạn đọc; thông tin đó đã được kiểm chứng, được xác minh cụ thể trước khi đăng phát. Ngược lại, nếu không có thông tin, nếu không cung cấp thông tin cho báo chí thì phóng viên sẽ phải khai thác theo nguồn tin riêng, vì vậy, xảy ra sai sót, thiếu chính xác là điều khó tránh khỏi.
 
Phóng viên xác minh đơn thư bạn đọc. Ảnh: Nhật Lân
 
PV: Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trên địa bàn, Sở Thông tin và Truyền thông đã có những biện pháp gì để nâng cao chất lượng, năng lực cung cấp thông tin cho báo chí và hạn chế việc đưa tin thiếu chính xác?
 
Ông Nguyễn Bá Hảo:Công tác hướng dẫn, khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí được Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện thường xuyên, liên tục. Ngoài việc tham mưu có hiệu quả các cuộc họp báo do UBND tỉnh chủ trì theo định kỳ (6 tháng và cuối năm), các hội nghị giao ban báo chí hàng tháng do Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức (mỗi tháng 1 lần); đối với các vụ việc xảy ra có tính chất phức tạp, dự báo sẽ có nhiều vấn đề, nhiều thông tin, nếu không cung cấp kịp thời, chính xác thông tin có thể xảy ra khủng hoảng thông tin, Sở đã kịp thời tham mưu tổ chức họp báo đột xuất hoặc tạo điều kiện để các đơn vị, địa phương liên quan được báo cáo tại các hội nghị giao ban báo chí hàng tháng nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí. Trong năm 2013, tại các hội nghị giao ban báo chí hàng tháng, đã có 4 địa phương, 6 sở, ngành được mời dự và cung cấp thông tin cho báo chí, sở cũng đã tham mưu tổ chức 3 cuộc họp báo đột xuất.
 
Đồng thời, Sở cũng thường xuyên rà soát, cập nhật danh sách người phát ngôn của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị trên địa bàn. Hướng dẫn các sở, ngành cử người phát ngôn đảm bảo đúng tiêu chí, tiêu chuẩn, cụ thể: Người phát ngôn phải am hiểu sâu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và lĩnh vực quản lý của đơn vị, có hiểu biết nhất định về lĩnh vực báo chí, nắm vững các quy định pháp luật về báo chí và có năng lực phân tích, tổng hợp, xử lý thông tin báo chí và có khả năng giao tiếp với báo chí; đồng thời, thông báo rộng rãi danh sách người phát ngôn đến các cơ quan báo chí, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ người phát ngôn của tất cả các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị.
 
Để sử dụng tối đa công năng của cổng TTĐT, Sở thường xuyên đề nghị cổng thông tin điện tử của tỉnh đôn đốc, khuyến khích các sở, ngành cập nhật thông tin về hoạt động của đơn vị trên trang thông tin điện tử của đơn vị. Hàng quý đánh giá, chấn chỉnh việc cập nhật thông tin trên trang của các sở, ban, ngành và UBND huyện, thành, thị.
 
Việc ban hành các văn bản hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp cách thức tổ chức họp báo; cách tiếp xúc, làm việc với phóng viên, yêu cầu phóng viên xuất trình các giấy tờ cần thiết khi làm việc theo quy định; hoặc thường xuyên cập nhật danh sách phóng viên của các cơ quan đại diện và phóng viên thường trú để thông báo rộng rãi đến tất cả các đơn vị trong toàn tỉnh... cũng là những biện pháp để nâng cao hiệu quả cung cấp thông tin... 
 
PV: Xin cảm ơn ông!
 
P.V (thực hiện)