(Baonghean) - Hiện toàn địa bàn huyện Tân Kỳ có 57 lò gạch thủ công với hơn 1000 lao động đang làm nghề. Thực hiện xóa bỏ lò gạch thủ công theo Chỉ thị của UBND tỉnh, một số chủ lò đã có những giải pháp mới để duy trì sản xuất và bảo vệ môi trường.
Tân Kỳ có trữ lượng đất sét khá lớn, nằm dọc theo sông Con, trong nhiều năm qua, người dân nơi đây đã khai thác tiềm năng này để sản xuất gạch ngói. Đến nay tổng cơ sở sản xuất gạch ngói thủ công bằng đất sét đang còn 170 lò, tổng công suất 90 triệu viên/năm, trong đó số lò gạch là 57 lò, sản lượng gần 40 triệu viên, tổng giá trị sản xuất hàng năm đạt hàng trăm tỷ đồng. Có trên 100 hộ sản xuất gạch ngói, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Lâu nay, sản xuất gạch ngói được coi là nghề mũi nhọn ở Tân Kỳ, giúp nhiều xã xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm và nguồn thu thuế trên địa bàn.
Kỳ Sơn (Tân Kỳ) là xã nằm ven sông Con, hiện còn 12 lò gạch thủ công. Hai lò gạch thủ công của ông Nguyễn Xuân Hoài - xóm 2 vẫn đang hoạt động thải khói ra môi trường và không có ống khói. Chủ lò gạch cho biết: Gia đình xây dựng lò gạch từ năm 2007, trị giá 300 triệu đồng, qui mô gần 1 triệu viên/năm. Thị trường gạch khá rộng mở, cung cấp gạch cho Tân Kỳ và Đô Lương. Hiện 2 lò gạch tạo việc làm cho 8 lao động. Gia đình cũng đã biết chủ trương xóa lò gạch của tỉnh, của huyện nhưng mong muốn là được sản xuất hết lượng đất đã khai thác để trả hết nợ đầu tư. Do lò gạch của gia đình chưa có ống khói nên gia đình sẽ cải tiến để được hoạt động hết ngày 31/12/2014 theo kế hoạch của huyện.
Còn chủ lò gạch ngói Phan Văn Lệ (xóm 2) cho biết: “Gia đình có 4 lò sản xuất cả gạch và ngói, trong đó có 2 lò ngói đầu tư công nghệ xử lý khí thải mỗi lò 1,3 tỷ đồng và 2 lò gạch thủ công. Cả 4 lò gạch hiện đang tạo việc làm cho 21 lao động. Thực hiện xóa bỏ lò gạch thủ công đối với gia đình tôi lúc này là rất khó do còn nợ ngân hàng hơn 500 triệu đồng. Gia đình tôi đã ra Hải Dương, Bắc Giang tìm hiểu công nghệ sản xuất gạch tiên tiến, đó là công nghệ xử lý khí thải bằng phương pháp hấp thụ do Trung tâm Khoa học công nghệ mỏ và luyện kim thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam chuyển giao”.
Tìm hiểu về công nghệ này được biết qui trình của nó như sau: Khi thiêu đốt gạch, khí thải sinh ra trong buồng khói (khoảng không gian từ đỉnh lò đến mái che). Dòng khói thải đi theo quán tính hướng thẳng lên mái lò. Do đó, lò gạch công nghệ mới được thiết kế có mái che kín và xây ống khói. Khí thải sinh ra đi thẳng lên mái và được dẫn vào buồng khói. Từ buồng khói lắp đặt 1 van bướm phía trên nhằm mục đích chặn khói lại. Sau đó dùng quạt hút có công suất lớn hút khói thải đi theo kênh dẫn khói đưa ngược xuống bể chứa dung dịch. Trong bể chứa các hóa chất gồm sữa vôi, than hoạt tính và một số phụ gia khác sẽ hấp thụ khói cùng với các khí độc hại do đốt gạch thải ra. Các loại khí đó được sục liên tục trong bể chứa gây ra phản ứng hóa học và chúng được hấp thụ hoàn toàn. Khí sạch sẽ được quạt hút đẩy lên theo ống khói ra ngoài, bụi và bã vôi kết tủa lắng xuống đáy bể được đưa ra ngoài theo ống xả. Như vậy, khí độc của lò gạch được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường.
Ưu điểm của công nghệ này là được tính toán cho lò gạch công suất 25 vạn viên, quy mô nhỏ, vốn đầu tư thấp (chi phí xây dựng vỏ lò khoảng 650 triệu đồng và 400 triệu đồng thiết bị xử lý khí thải), phù hợp với một số người dân có nhu cầu chuyển đổi từ lò thủ công. Anh Vương Nguyên, chủ lò gạch ở xóm 2 cho biết: “Gia đình tôi cũng ra Bắc Giang học hỏi và thấy công nghệ sản xuất gạch “công nghệ mới” rất hiệu quả. Tôi đang quyết tâm chuyển đổi lò mới trong năm nay. Nhưng để chuyển đổi phải đầu tư lại lò, mua sắm thiết bị. Tôi mong được vay vốn ưu đãi và được UBND huyện hỗ trợ phần nào”.
Thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh về kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất gạch ngói đất sét nung thủ công và tăng cường sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh, Công văn số 912/SXD- VLXD ngày 19/6/2013 của Sở Xây dựng về lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, UBND huyện Tân Kỳ đã thành lập Ban chỉ đạo xóa bỏ lò gạch ngói thủ công trên địa bàn Tân Kỳ theo Quyết định số 58/QĐ-UBND huyện Tân Kỳ, ban hành Chỉ thị số 16/2013 về thực hiện xóa bỏ lò gạch thủ công và phát triển vật liệu không nung trên địa bàn Tân Kỳ. Theo đó, các lò gạch thủ công sẽ chấm dứt trước ngày 31/12/2013; các lò gạch thủ công cải tiến chậm nhất là ngày 31/12/2014; các lò gạch sản xuất bằng lò đứng sẽ chấm dứt hoạt động vào ngày 31/12/2015.
Ông Nguyễn Văn Hạ - Trưởng phòng Công thương UBND huyện Tân Kỳ cho biết: “Huyện đã quán triệt đến các xã và các chủ lò gạch, vận động các hộ chủ động trước chủ trương của tỉnh, của huyện. Hiện nay nhiều chủ hộ đã tìm được giải pháp công nghệ cho lò gạch mới của mình, đảm bảo không ô nhiễm môi trường. Huyện khuyến khích và vận động các hộ chuyển đổi, vừa tạo việc làm cho nhiều lao động, vừa giữ được ngành nghề truyền thống, khai thác tiềm năng trên địa bàn”.
Châu Lan