(Baonghean) - Thi thoảng bắt gặp những tác phẩm hội họa của ông khi thì trưng bày ở một liên hoan mỹ thuật, khi thì ở một cuộc thi sáng tác theo chủ đề nào đó, hay trên các trang báo..., dù là tranh cổ động, bút pháp tả thực hay trừu tượng, thì vẫn thấy trong tranh của ông những sự tìm tòi, thể nghiệm bền bỉ và có phần cẩn trọng. Có lẽ, bởi bên trong đam mê, cá tính sáng tạo nghệ thuật của ông còn có những trăn trở, tâm huyết của một người thầy giáo...
Tác phẩm “Bác Hồ và đồng bào dân tộc thiểu số” của họa sỹ Nguyễn Trọng Hiệp.
Họa sỹ - hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Trọng Hiệp tiếp tôi trong căn phòng khách nhỏ bé ở nhà số 37 Đinh Công Tráng (TP. Vinh). Cặp kính tròn, chiếc mũ bê-rê đầy chất nghệ sỹ và trang phục quần áo trắng khoác ghi-lê lịch lãm, ông đã khiến cho tôi tự hối lỗi vì đã tới muộn ngót một tiếng đồng hồ so với hẹn. Câu chuyện của ông dẫn dắt tôi bằng những tâm sự, hứng khởi của một người thầy giáo từng có hơn 30 năm truyền lửa đam mê, cảm xúc hướng tới mỹ cảm cuộc sống cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên khoa Mỹ thuật Trường Cao đẳng VH Nghệ thuật Nghệ An.
Nguyễn Trọng Hiệp sinh năm 1947 ở vùng quê nghèo xã Văn Thành (Yên Thành). Ông cùng bạn bè trang lứa được học ở trường tiểu học duy nhất của cụm xã Văn Thành – Hoa Thành – Hợp Thành. Ủ chén trà thơm trong tay, ông trở về những hồi ức xa xăm: “Thời đó tôi đã được bạn bè gọi là “họa sỹ nhí”, bởi tôi đặc biệt ham mê vẽ. Tôi kỳ công vẽ lại theo các bức tranh phong cảnh trong sách báo, hay vẽ về cảnh sinh hoạt làng quê xung quanh mình. Sở thích quan sát, ghi lại các hình ảnh cuộc sống ấy, có lẽ trước hết nhờ cha tôi là người có bằng Tây học, làm nghề giáo có tủ sách rất lớn, hướng cho tôi đọc nhiều tác phẩm văn chương. Rồi người chú ruột tôi từng học Quốc học Huế, rất giỏi trong việc vẽ tranh minh họa cho thơ đã gieo vào trí óc trẻ nhỏ của tôi ấn tượng rất mạnh. Và thật may mắn, chút năng khiếu, đam mê vẽ “thuở ban đầu” ấy của tôi đã được gặp một người thầy hết mực tài hoa là thầy giáo Cung người xã Mã Thành cũng có bằng Tây học rất biết khơi dậy, khích lệ thiên hướng của từng học trò...”.
Lên cấp 2, vào cuối những năm 1950, dưới sự hướng dẫn và phụ trách của thầy Phan Sinh Viên (nay đã mất), Nguyễn Trọng Hiệp và một số bạn học ở Trường cấp 2 Yên Thành lúc đó đã thành lập nhóm “Tuổi trẻ tài hoa” gồm các học sinh học giỏi, có năng khiếu văn thơ, nhạc, họa... tham gia sinh hoạt văn nghệ, sáng tác báo tường. Nguyễn Trọng Hiệp là “cây cọ” nổi tiếng cho các số báo tường và có nhiều bức vẽ được bạn bè mến mộ xin làm lưu niệm. Nhóm “Tuổi trẻ tài hoa” của ông và bạn bè được tiếp tục duy trì lên bậc học cấp 3 ở Yên Thành mà sau đó có sự tham gia hỗ trợ của thầy Trương Công Anh (nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An). Ông bồi hồi nhớ lại: “Chúng tôi may mắn đã có được những người thầy giàu kiến thức, giàu tâm huyết giảng dạy nên có điều kiện rèn dũa những thiên hướng của mình. Phải nói rằng thế hệ học trò chúng tôi lúc đó nhận thức rất sâu sắc là nhờ có thầy giỏi mới có học sinh giỏi. Chỉ tiếc, sau này trong nhóm nhiều anh đi bộ đội, hoặc do vướng mắc nào đó đã không phát huy được... Riêng tôi, hết cấp 3 được chọn cử sang Trung Quốc học tập tiếp nhưng vì lúc đó, Trung Quốc đang vướng cách mạng văn hóa nên thôi. Sau đó tôi đã xin vào học Trường Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội...”.
Họa sỹ, nhà giáo Nguyễn Trọng Hiệp. Năm 1968, chuẩn bị tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp thì Nguyễn Trọng Hiệp may mắn được cử đi tu nghiệp 2 năm ở Hung-ga-ry. Trở về nước vào năm 1969, một sự kiện lớn đã đưa ông trở lại quê nhà... Đó là một ngày đau thương của cả dân tộc – Bác Hồ mãi mãi đi xa. Ngay sáng ngày 3/9/1969, họa sỹ Nguyễn Trọng Hiệp được lệnh vào gấp Nghệ An để vẽ bức chân dung khổ lớn (3+5m) của Bác Hồ kịp phục vụ cho lễ truy điệu Người của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.
Cảm phục tinh thần làm việc và tài năng của họa sỹ Nguyễn Trọng Hiệp, Tỉnh ủy Nghệ An lúc đó đã mời ông về và bố trí làm việc ở Ty Thông tin. Và rồi những năm tháng chiến tranh ác liệt đã cuốn họa sỹ Nguyễn Trọng Hiệp theo nhiệm vụ tuyên truyền cổ động ở các trọng điểm bom đạn đánh phá. Khi Ty Thông tin sơ tán về Đô Lương, ông đã được cử ở lại TP. Vinh để vẽ tranh cổ động dưới mưa bom B52. Trên những Pa-nô khổ lớn xây bằng gạch khắp các ngã phố dọc theo Quốc lộ 1 qua Vinh lúc đó, các đoàn quân Nam tiến thường bắt gặp hình ảnh một người họa sỹ nhỏ bé say sưa trên dàn giáo vẽ tranh cổ động, có buổi vẽ phải năm lần bảy lượt leo lên, tụt xuống vào hầm trú bom cùng bộ đội.
Những tưởng như bao họa sỹ khác sau kết thúc chiến tranh sẽ thỏa đam mê chuyên tâm với cây cọ, nhưng có lẽ một nhận thức khác, một mách bảo khác của trách nhiệm nghệ sỹ trước cuộc sống, năm 1987, họa sỹ Nguyễn Trọng Hiệp đã về giảng dạy ở Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Nghệ An (nay là Cao đẳng VHNT). Ông chia sẻ: “Có lẽ do cái nghiệp nhà! Gia đình tôi từ cha tôi cho đến 7 anh chị em nhà nào cũng có một giáo viên. Vợ tôi cũng là giáo viên mỹ thuật dạy cấp 2 đấy, vừa mới nghỉ hưu. Chỉ có 2 cô con gái nhà tôi đều học ngành mỹ thuật, ra trường công tác ở Hà Nội, là chưa thấy “chuyển” theo nghề giáo!...”. Với sứ mệnh người thầy giảng dạy về mỹ thuật, họa sỹ Nguyễn Trọng Hiệp luôn tâm niệm. Học sinh học là học qua uy tín và tác phẩm của người thầy. Ông luôn cố gắng nắm bắt thiên hướng, gợi mở cá tính sáng tạo cho mỗi sinh viên bằng bản lĩnh riêng của họ, không a dua theo thời thượng, không chạy theo mục đích mưu sinh phản nghệ thuật!
Vừa giảng dạy vừa sáng tác, đến nay tác phẩm của họa sỹ Nguyễn Trọng Hiệp đã được định hình trong 2 mảng chủ đề: đấu tranh cách mạng và vẻ đẹp đất nước, con người. Ông đã có một triển lãm riêng thành công vào năm 1985; có nhiều giải thưởng ở các liên hoan mỹ thuật khu vực, các giải văn học nghệ thuật tỉnh... Các bức tranh tiêu biểu của ông về khai thác hình tượng Bác Hồ có các bức “Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số”, “Bác Hồ với Hoàng thân Xumanuvông”, “Chiến thắng vẻ vang”... Tạo được thành quả trong bút pháp tả thực, hiện ông đang thể nghiệm và rất tự tin với bút pháp theo trường phái siêu thực để có thể đáp ứng mong mỏi của bạn bè, đồng nghiệp bằng một triển lãm tranh sơn dầu dày dặn vào năm 2017 khi tròn 70 tuổi.
Về hưu năm 2007 với cương vị Trưởng Khoa Mỹ thuật, nhưng đến nay họa sỹ - nhà giáo Nguyễn Trọng Hiệp vẫn được Trường Cao đẳng VHNT Nghệ An và Trường Đại học Sư phạm Nhạc họa Trung ương mời giảng dạy, tham gia nhiều sự kiện hội họa, mỹ thuật. Ông nói: “Có kiến thức và kinh nghiệm sống mà không tìm cách truyền lại cho thế hệ mai sau là một điều đáng trách”. Nay đã ở tuổi 66 nhưng họa sỹ, thầy giáo Nguyễn Trọng Hiệp vẫn khát khao sáng tạo, cống hiến, bởi với ông: "Một cuộc đời trong đó không phải (cố) tỏ tình yêu với ai, không sợ bị ai từ chối; cuộc đời ấy không ai cho mình cả, nó được xây dựng bằng sự nung nấu trong tâm hồn: bằng tư tưởng và bằng trí tuệ, cuộc đời đó là NGHỆ THUẬT!”.
Bài, ảnh: Đình Sâm