(Baonghean) - Với địa hình đồi núi cao, hiểm trở, đường sá đi lại gian nan, đời sống kinh tế của bà con Kỳ Sơn gặp không ít khó khăn. Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Sơn đã trăn trở và xây dựng “Đề án nâng cấp đường vào trung tâm các xã đến năm 2020" nhằm huy động nguồn lực mới, giải bài toán khó khăn về giao thông.

Đường đi khó, địa bàn cô lập

Tại xã Bảo Nam - địa bàn cách trung tâm thị trấn Mường Xén hơn 20 km, sự khó khăn về giao thông đi lại là một phần nguyên nhân khiến bà con nơi đây nghèo vẫn hoàn nghèo. Trong số 10 bản của xã thì 4 bản vẫn chưa có điện do địa hình cách trở. Đồng chí Phan Văn Mạnh - Chủ tịch xã Bảo Nam cho biết: “4 bản bao gồm Phia Khoáng, Khe Nạp, Huồi Lau và Xà Lồng gần như biệt lập với trung tâm xã. Vào mùa khô có thể men theo đường rừng dài 17 km để đến được 4 bản này nhưng vào mùa mưa thì phải đi đường vòng dài tới 60 km qua 5 xã thì mới đến được. Thiếu đường, thiếu điện, đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn”. 

images1649851___k__s_n_____ng__i_l_i_kh__kh_n_khi_n_nhi_u___a_b_n_tr__n_n_bi_t_l_p.jpgỞ Kỳ Sơn, đường đi lại khó khăn khiến nhiều địa bàn trở nên biệt lập. Ảnh: Phương Thảo

Không những vậy, khó khăn về giao thông khiến các mặt hàng nông sản mà bà con làm ra cũng bị tư thương ép giá. Theo đồng chí Phan Văn Mạnh thì trong cả năm, thu nhập đáng kể nhất của người dân Bảo Nam là từ việc thu hoạch đót. Tuy nhiên, nếu bà con di chuyển ra bán tại trung tâm thị trấn thì giá đót khoảng 14.000 đồng/kg; ngược lại nếu tư thương vào tận nơi thu mua thì giá giảm xuống chỉ còn một nửa, khoảng 7.000 - 9.000 đồng/kg. Mặc dù giá cả chênh lệch, nhưng bà con vẫn chấp nhận bán tại chỗ bởi đường đi lại quá khó khăn, vận chuyển ra đến trung tâm xã mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí đi lại.

Hiện nay, trên địa bàn Kỳ Sơn có 3 tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ (gồm Quốc lộ 7, Quốc lộ 16 và Tỉnh lộ 543); 9 tuyến đường huyện (Huồi Tụ - Na Loi - Đọoc Mạy - Keng Đu; Mường Xén - Tây Sơn; Xiêng Thù - Bảo Thắng; Tà Cạ - Hữu Kiệm; Khe Nằn - Na Ngoi; Hữu Lập - Bảo Nam - Mường Lống; Sơn Hà - Lữ Thành; Hữu Lập - Chiêu Lưu; Huồi Viêng - Trung tâm xã Đọoc Mạy). Đây đều là những tuyến đường quan trọng, có vai trò trọng yếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của huyện biên giới Kỳ Sơn. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều tuyến đường huyện nối các trung tâm xã đều có dấu hiệu xuống cấp

Ngay ở xã Chiêu Lưu - một trong những xã có cơ sở hạ tầng được đánh giá vào loại khá của huyện, tình trạng thiếu đường thiếu điện vẫn đang là bài toán khó trong công cuộc ổn định đời sống và phát triển kinh tế cho bà con. Đồng chí Lương Thịnh Vượng - Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu cho biết: “Lợi thế của xã là nằm trên trục đường Quốc lộ 7A nên thuận lợi hơn trong đi lại và thông thương. Tuy nhiên, ở các bản nằm cách xa trung tâm thì vẫn còn rất khó khăn. Nguyên nhân là do đường sá chưa đảm bảo, đồi núi nhiều khiến hệ thống lưới điện chưa được kéo đến”.

Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Anh Đoài - Trưởng Phòng kinh tế - hạ tầng huyện Kỳ Sơn thì hầu hết các tuyến đường liên huyện đều có dấu hiệu xuống cấp. Đặc biệt, với địa hình đồi núi cao, hiểm trở, có độ dốc lớn nên nhiều tuyến đường chỉ sử dụng được trong mùa khô. Vào mùa mưa bão, lũ ống, lũ quét xảy ra, gây sạt lở đất, nhiều thôn bản bị chia cắt trở thành “ốc đảo”, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại, thông thương giữa các xã trên địa bàn. Trong đó có nhiều tuyến giao thông quan trọng vào trung tâm các xã vùng sâu, vùng xa như Keng Đu, Đoọc Mạy, Bắc Lý, Bảo Nam, Bảo Thắng, Na Ngoi, Nậm Càn, Mường Típ, Mường Ải… chưa được đầu tư nâng cấp, lầy lội về mùa mưa, không những làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế, lưu thông tiêu thụ nông sản mà còn ảnh hưởng đến công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Đề án đường ô tô đi được 4 mùa 

Xác định giao thông là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cần ưu tiên đầu tư phát triển và đi trước một bước để tạo tiền đề, Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Sơn đã xây dựng Đề án "Nâng cấp đường vào trung tâm các xã đến năm 2020 huyện Kỳ Sơn". Theo đó, Kỳ Sơn phấn đấu đến năm 2020 hệ thống đường giao thông đến trung tâm các xã trên huyện Kỳ Sơn có một mạng lưới đường hợp lý, liên hoàn, thông suốt bao gồm các tuyến Quốc lộ 7A, tuyến Quốc lộ 16, tuyến đường tỉnh, đường Tây Nghệ An, đường nội thị, các tuyến đường huyện, đường liên xã, đường xã, đường liên bản. 

Bên cạnh đó, huyện Kỳ Sơn cũng phấn đấu đến năm 2020, quy mô các tuyến đường giao thông đến trung tâm các xã trên địa bàn đạt cấp VI, đảm bảo cho ô tô đi được 4 mùa đến tất cả các trung tâm xã trong huyện; đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi, phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa cho nhân dân, giữ vững an ninh quốc phòng. 

Người dân bản Lưu Tiến (Chiêu Lưu, Kỳ Sơn) gùi cát sỏi về làm đường bê tông hóa. Ảnh: Hồ Phương

Tuy nhiên, là một huyện thuộc tốp nghèo trong cả nước, Kỳ Sơn gặp không ít khó khăn về nội lực. Trả lời về nguồn lực để thực hiện đề án, đồng chí Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết: “Huyện sẽ lồng ghép các chương trình dự án để tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư; căn cứ vào phân cấp, thẩm quyền quản lý các công trình để có giải pháp thu hút nguồn vốn Trung ương, của tỉnh. Đối với các công trình vào trung tâm xã do huyện quản lý thì sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư các dự án bằng nhiều phương thức. Từ đó xây dựng kế hoạch đầu tư hàng năm, trong đó ưu tiên cho những công trình trọng điểm về quốc phòng, an ninh, các tuyến đường đến xã tỷ lệ hộ nghèo cao, các xã nằm trong kế hoạch về đích nông thôn mới chứ không đầu tư dàn trải, dẫn đến không hiệu quả”.

Đồng chí Vi Hòe - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn: Từ nay đến năm 2020 phải tập trung nguồn lực tài chính để xây dựng 13 dự án cầu, đường bộ với tổng nhu cầu nguồn vốn 1.485 tỷ đồng. Nếu đề án triển khai thành công và có hiệu quả thì đây thực sự sẽ tạo ra bước đột phá mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở miền biên giới Kỳ Sơn. 

Phương Thảo 

TIN LIÊN QUAN