(Baonghean.vn) - Để góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Hội LHPN huyện Tương Dương đã có nhiều việc làm thiết thực từ phong trào “Dân vận khéo”.
Cách đây 5 năm trở về trước, bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền có tỷ lệ tảo hôn cao từ 60-70%. Một số tập tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang vẫn còn phổ biến trong cuộc sống thường ngày đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân và sự tiến bộ của phụ nữ.
Trước thực trạng đó, Hội phụ nữ bản đã vào cuộc bằng cách tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật cho bà con. Chị Hạ Y Chò – Hội viên phụ nữ bản cho biết: “Nhiều năm nay được các chị phụ nữ bản tuyên truyền, sáng ra được nhiều lẽ. Bây giờ ở bản ta toàn có đám cưới vui thôi, không còn trộm vợ như trước nữa. Giờ “trộm vợ” cũng phải đủ tuổi, 2 đứa yêu nhau, gia đình chỉ làm thủ tục của dân tộc Mông ta thôi. Việc cưới hay việc tang cũng không còn tốn kém như trước nữa”.
Còn ở xã Tam Thái nằm dọc Quốc lộ 7, tưởng chừng làm công tác dân vận tương đối thuận lợi so với các hội khác, nhưng lại là một thách thức lớn cho Hội phụ nữ xã, bởi trên 500 hội viên, sinh hoạt ở 7 chi hội thì có 3 chi hội xa trung tâm xã, tình trạng chị em đi làm ăn xa tương đối nhiều. Tam Thái được huyện chọn xây dựng điểm nông thôn mới, các tiêu chí đang được gấp rút hoàn thành, để phấn đấu về đích vào cuối năm nay trong kh việc vận động hiến đất, hiến cây, thực hiện tiêu chí môi trường là rất khó khăn. Trước thực trạng này, hội đã phân công cán bộ tâm huyết, am hiểu phong tục, tập quán địa phương, nắm chắc kiến thức pháp luật đến từng gia đình, vận động người dân thực hiện nếp sống mới.
Chị Lê Thị Dịu – Chủ tịch HLHPN xã Tam Thái chia sẻ: “Phát huy vai trò của Hội LHPN trong phong trào “dân vận khéo” trong suốt thời gian qua chúng tôi không chỉ lồng ghép vào các cuộc họp mà còn đến tận hội viên để tuyên truyền trực tiếp để hội viên hiểu và cùng tham gia xây dựng các mô hình như “CLB không sinh con thứ 3”, “5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, “chăn nuôi lợn, vườn rau sạch và tham gia thực hiện các tiêu chí trong tham NTM”.
Với phương châm “hướng mạnh về cơ sở”, cán bộ hội các cấp tận tình hướng dẫn chị em cách thức phát triển kinh tế, tạo điều kiện vay vốn, động viên, khuyến khích chị em chủ động hơn trong lao động sản xuất cũng như các lĩnh vực khác. Tính đến nay hội đã ủy thác vay Ngân hàng CSXH trên 157 tỷ đồng cho trên 8.600 hộ vay, từ đó đã có nhiều hội viên phát triển kinh tế bằng các loại mô hình cho thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm …Ở huyện miền núi Tương Dương không chỉ có Chi hội phụ nữ bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền hay Hội LHPN xã Tam Thái có nhiều mô hình, cách làm hay từ phong trào dân vận khéo của phụ nữ, mà đã lan tỏa rộng khắp 18 xã, thị trấn trong toàn huyện. Với hơn 13.000 hội viên, trong đó có trên 10.000 hội viên là dân tộc thiểu số, căn cứ vào đặc thù, tình hình thực tế của từng địa phương, Hội LHPN huyện đã có cách chỉ đạo, triển khai hợp lý nhằm huy động sự tham gia tích cực của các tầng lớp phụ nữ trên địa bàn.
Ngoài ra, Hội LHPN Tương Dương còn thực hiện tốt phong trào giúp nhau bằng mô hình “Nuôi lợn đất”, “ Hũ gạo tiết kiệm”. Trong vòng 5 năm đã hỗ trợ xây dựng được 10 nhà tình nghĩa và hàng chục tấn gạo giúp cho nhiều hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Phong trào “Dân vận khéo” của Hội LHPN huyện Tương Dương ngày càng có chiều sâu, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI.
May Huyền – Khánh Hiền
(Đài Tương Dương)