(Baonghean) - Dãy nhà bán trú nằm chênh vênh bên sườn núi, chụm nhau lại thành vòng tròn. Từng căn lều được dựng bằng các tấm ván, mái hiên thộng lộng, từng cơn gió mang theo cái lạnh thấm vào da thịt. Nhưng vượt qua tất cả, các em vẫn bám trụ để đến với giấc mơ con chữ giữa vùng cao biên giới Nghệ An.

 

Trong căn lều bán trú tuyền toàng, đơn sơ, cậu học trò Vừ Chông Kàn (học sinh lớp 6, Trường THCS DTBT Huồi Tụ- huyện Kỳ Sơn- ) đang cặm cụi nấu cơm bữa tối.“Tối hôm nay, cháu ăn cơm với gì ?”, tôi hỏi. “Rau và măng thôi”, Kàn đáp lời khi mắt vẫn chăm chăm vào nồi cơm. Nhìn quanh, tôi thấy từng đống củi được chất đầy quanh căn lều bé tí. Mấy cái nồi đen nhèm, cái mất vung, cái méo mó là những đồ vật có giá trị nhất mà Kàn có. Trên cái chiếu rách, những cuốn vở đã úa màu đang nằm lộn xộn cùng với cái chăn đã cũ nát. Nhà Kàn cách trường gần 10km đường núi, phải đi hơn 3 tiếng mới đến nơi. Chỉ cuối tuần, Kàn mới về nhà để mang gạo, một ít thực phẩm mà bố mẹ chắt chiu để dành dụm ăn cả tuần.

 

Căn lều bên cạnh, 2 anh em Lầu Bá Lun và Lầu Bá Leng vừa đi lấy nước suối về. Nếu không hỏi, có lẽ tôi không thể nhận ra đâu là anh, đâu là em. Dáng người nhỏ choắt, đen nhẻm, em Lầu Bá Leng kể: Do nhà nghèo nên mỗi tuần, 2 anh em chỉ được bố mẹ chu cấp cho hơn 3 cân (kg) gạo và hơn 100 ngàn. Cứ mỗi tuần, 2 anh em thay phiên nhau về nhà để lấy lương thực và tiền. Nhưng vào những tháng giáp hạt, số gạo được bố mẹ chu cấp được ít hơn. Để có thức ăn hằng ngày, 2 anh em còn phải đi vào rừng hái măng, hái rau về ăn. “Ản khổ vậy, các cháu có đủ sức để học không”, tôi hỏi. Em Lầu Bá Lun nhoẻn cười rồi trả lời: “Bọn cháu không sợ đói, chỉ sợ không được học chữ thôi”.

 

Không chỉ có Kàn, 2 anh em Lun, Leng, mà hơn 200 học sinh trọ học bán trú ở đây vẫn không muốn rời xa giấc mơ con chữ dù con đường đến với nó đầy gian nan. Chia sẽ với chúng tôi, cô giáo Trịnh Thị Nguyệt, Trường THCS Dân tộc bán trú (DTBT) Huồi Tụ cho biết: “Hầu hết gia đình các em bán trú ở đây đều thuộc diện hộ nghèo nên điều kiện ăn học của các em còn rất nhiều khó khăn. Nhưng các em lại rất ham học và có ý chí học tập”.

 

Để nâng cao chất lượng học tập, từ năm 2008, Trường THCS DTBT Huồi Tụ đã có sáng kiến tổ chức lớp học tập trung vào ban đêm cho các em. Cứ đến 19h30 phút, chiếc máy nổ (xã Huồi Tụ chưa có điện lưới) phát điện, các em học sinh kéo nhau đến ngồi chật các phòng học để được các thầy cô giáo hướng dẫn làm bài tập. Chia sẻ về phong trào này, thầy Nguyễn Văn Trường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thấy các em vào ban đêm không có điện để học bài, nhà trường đã cùng với chính quyền xã vận động người dân đóng góp mua máy nổ để kích điện. Có điện nên các em học tập được tốt hơn, các thầy cô cũng đỡ vất vả khi giảng bài mới cho các em. Từ đây, chất lượng học tập của các em được nâng cao lên rất nhiều”.

 

Nhiều năm liền trở lại đây, tỉ lệ học sinh đậu vào các trường ĐH, CĐ của Huồi Tụ ngày một nhiều. Năm 2010, xã Huồi Tụ có 7 em đậu vào các trường đại học có tiếng. Điển hình như Em Vừ Bá Trung năm vưà rồi đậu vào Trường ĐH Giao thông Vận tải (TP HCM). Được biết, nhà Trung thuộc diện vào những hộ nghèo nhất bản, nhưng Trung vẫn cố gắng vươn lên học tập và đạt được kết quả cao trong kỳ thi ĐH vừa qua.

 

Huồi Tụ là một trong những xã nghèo, còn nhiều khó khăn của huyện miền núi Kỳ Sơn (tỷ lệ hộ nghèo hơn 80%). Cả xã có hơn 1.376 học sinh với 3 cấp học (THCS, TH, MN), trong đó số học sinh THCS gồm 440 học sinh, hầu hết do nhà các em xa trường nên phải ở bán trú. Nếu so Huồi Tụ với các xã nằm sát thị trấn, điều kiện học tập của các em còn thiếu thốn đủ bề. Tuy nhiên, những thành tích mà học sinh nơi đây đạt được thật đáng mừng. Thầy Trường cho chúng tôi biết: “Năm nào, chất lượng thi tuyển vào cấp 3, trường cũng đều xếp vào tốp 3 toàn huyện. Hơn nữa, Huồi Tụ là một xã còn khó khăn, nhưng so với 42 trường THCS của huyện thì nhiều em học sinh của trường không thua kém gì các trường dưới thị trấn”.

Dưới đây là một số hình ảnh về cuộc sống và điều kiện học tập còn nhiều khó khăn của các em trường THCS DTBT Huồi Tụ (xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn).


   769680_small_67576.jpg

  

  

  


Phạm Bằng