(Baonghean.vn) Xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) có 90% người dânsống bằng nghề trồng lúa. Tìm giống lúa chịu mặn thay thế giống Khang dân là bài toán khó để cứu cánh cho bà con nông dân vùng đất phèn mặn này.
Thấy cảnh bà con Quỳnh Thanh một nắng hai sương, mồ hôi chát mặn đổ xuống đất phèn mà bông lúa vẫn cứ lép kèm kẹp, anh chị em Trạm khuyến nông Khuyến ngư Quỳnh Lưu cứ trăn trở. Nhiều cuộc họp bàn, nhiều cuộc tranh cãi, cuối cùng các anh chị ở Trạm Khuyến nông cùng lãnh đạo xã quyết định vào Nam tìm một số giống lúa cho năng suất và chất lượng cao hơn Khang dân 18 và một số giống lúa khác đang được sản xuất tại vùng bị nhiễm phèn, mặn.
Kỹ sư Hồ Thị Chung và đồng nghiệp kiểm tra giống lúa OM.5464 trước ngày thu hoạch.
Tại vụ hè thu-mùa năm 2011 vừa qua, do bị ảnh hưởng của cơn bão số 2nhiều diện tích mạ, lúa mới cấy bị ngập úng,hầu hết các giống lúa cấy thử nghiệm bị ảnh hưởng. Sau một tuần gieo mạ, đến thăm đồng các kỹ sư phát hiện giống lúa OM.6162 bị chết hết. Sau hai tuần, mạ được đưa xuống cấy, gặp mưa lụt giống lúa OM.4218 cấy xong cũng bị chết. Còn lại 10 giống phát triển bình thường.
Các kỹ sư trẻ Hồ Thị Chung, Bùi Đức Thành cùng các chủ ruộng được chọn thí nghiệm đếm từng rổ phân bò, phân lợn, từng cân đạm, kali, phân tổng hợp NPK đem bón cho ruộng, chăm chút từng dảnh lúa như cây trong vườn nhà mình.
Từ ngày 25/9 đến 6/10/2011, thu hoạch 11 trà lúa của 10 giống thử nghiệm và giống Khang dân đối chứng. Kết quả cho thấy: giống OM.4488 cho năng suất196 kg/sào, giốngOM.5464 - 172 kg/sào, và giốngOM.2395 - 167 kg/sào, còn giống Khang dân 18 - 169 kg/sào. Như vậy, có 3 giống lúa (OM.4488, OM.5464 và OM.2395) có năng suất tương đương và cao hơn giống Khang dân 18 trong cùng điều kiện sản xuất.
Về chất lượng sản phẩm, hạt lúa chịu mặn nhỏ, dài, vỏ mỏng, thành phẩm gạo cao, chất lượng gạo ngon hơn Khang dân 18, nhưng bông ngắn, hạt xếp thưa, dễ nhiễm bệnh khô vằn.
Tuy chỉ mới trồng thử nghiệm một vụ hè thu-mùa trên một đồng đất của một xã, lại gặp thời tiết diễn biến bất thường, nên kết quả thu được chưa thể đánh giá chuẩn xác, còn phải tiếp tục khảo nghiệm nhiều vụ sản xuất ở các đồng đất địa phương khác mới có thể kết luận và đưa ra sản xuất đại trà. Nhưng, đây cũng là một tín hiệu mừng, một hướng mở trong việc cơ cấu sản xuất giống mới cho vùng đồng lúa nhiễm mặn ở huyện Quỳnh Lưu, và xa hơn là áp dụng cho các vùng khác trong tỉnh.