Mỗi lít xăng khoáng tăng thêm 271 đồng một lít, lên mức tối đa 18.146 đồng mỗi lít từ 15h chiều 4/11.
Theo công văn điều hành của Liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá bán lẻ xăng dầu trong nước được điều chỉnh từ 15h chiều nay, giá xăng RON 92 tăng thêm 271 đồng một lít; xăng E5 thêm 224 đồng một lít. Các mặt hàng dầu cũng tăng thêm 199 - 265 đồng một lít, kg tùy loại.
Sau điều chỉnh giá xăng khoáng lên mức tối đa 18.146 đồng; xăng E5 là 17.858 đồng một lít; dầu diesel 14.611 đồng một lít, dầu hỏa là 13.198 đồng một lít và dầu madut 11.909 đồng một kg.
Cùng đó, nhà điều hành chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng khoáng thêm 170 đồng một lít, lên mức 300 đồng một lít; xăng E5 thêm 190 đồng một lít lên 300 đồng. Mức trích quỹ mới của dầu diesel 250 đồng một lít dầu hoả 200 đồng một lít và dầu madut 270 đồng một kg.
Cơ sở tăng giá xăng dầu là do bình quân giá thành phẩm trên thị trưởng Singapore 15 ngày qua với xăng khoáng mức 69.388 USD một thùng; diesel là 69.866 USD một thùng...
Liên quan tới thuế bình quân gia quyền áp dụng trong tính giá cơ sở bán lẻ xăng dầu, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tối 3/11, trả lời câu hỏi của báo chí Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai cho hay, cách tính thuế nhập khẩu hiện này "đang có lợi cho người tiêu dùng, nhờ đó giá bán giảm hơn".
Mức thuế này theo Bộ Tài chính công bố tại kỳ điều hành ngày 20/10 là 8,56% (trong đó có tính thuế nhập khẩu cho Dung Quất là 0%), thấp hơn mức 10% thuế xuất nhập khẩu ưu đãi từ Hàn Quốc và 20% từ khu vực ASEAN...
"Kỳ điều hành vừa qua Bộ Tài chính đã đề nghị được tính thêm lượng xăng dầu sản xuấ trong nước từ Dung Quất (hiện chịu thuế suất 0%) vào thuế bình quân gia quyền. Nếu không tính thuế với Dung Quất thì thuế bình quân sẽ cao hơn, giá cơ sở sẽ cao hơn và người tiêu dùng sẽ chịu thiệt", Thứ trưởng Vũ Thị Mai lý giải.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 21 kỳ điều chỉnh, trong đó có 9 kỳ tăng giá, 9 đợt giảm giá và 3 kỳ giữ nguyên...
Theo VNE