(Baonghean) - Trong tuần qua (từ 19 - 25/4), bài viết  "Ngày Quốc tế Lao động là cái chi chi?” của tác giả Hải Triều đăng trang 4 + 5 số cuối tuần ngày 27/4 nhận được số phiếu bình chọn bài hay cao thứ 3, được Ban Biên tập khen thưởng và bạn đọc đánh giá cao. Sau đây là lời bình dành cho bài viết…
 
Thoạt tiên, đọc tít bài người ta sẽ nghĩ đến một nội dung khác. Tỷ dụ như giải thích, cắt nghĩa về lịch sử của ngày này chẳng hạn. Đọc qua đoạn mở đầu, cũng loanh quanh những thắc mắc rối rắm của lứa tuổi học trò, kiểu “Tại sao người ta gọi là Ngày Quốc tế Lao động mà lại được nghỉ”, “Đi học thay vì chơi bắn bi, đánh đáo, ô ăn quan, buồn ơi là sầu”. Tuy nhiên, chịu khó đọc hết bài viết, mới thấy tác giả không chỉ dừng lại ở đó. Mà ngược lại, đã nêu vấn đề một cách thực sự trí tuệ và nghiêm túc về một trong những nhiệm vụ vĩ đại nhất của loài người để tồn tại, để phát triển và trở thành giống loài thông minh nhất trên trái đất, đó chính là lao động.
 
Chúng ta đã từng rất tâm đắc với câu “Lao động là vinh quang”, tuy nhiên cũng cần nên hiểu rõ "Lao động là gì? " rồi mới hiểu được tại sao "Lao động là vinh quang". Lao động là hoạt động của cơ bắp hoặc lý trí nhằm tạo ra của cải hoặc lợi ích cho cá nhân hoặc xã hội. Có người buộc phải lao động để kiếm sống vì không làm họ sẽ chết đói, có người lao động chỉ để thỏa mãn nhu cầu nội tại vì họ cần cái gì đó còn hơn cả tiền, có người vừa để kiếm sống vừa để giải trí vì đặc trưng nghề nghiệp. Có thể xét nghiêm túc rằng, lao động giữ cho tinh thần bạn luôn sống. Nếu không làm việc thì rất dễ nản lòng. Hơn nữa lười biếng làm chúng ta mệt mỏi và dẫn đến "nhàn cư vi bất thiện"! 
 
Trở lại bài viết của tác giả Hải Triều. Người viết nhẹ nhàng nhưng sâu sắc phê phán “tinh thần” lao động theo kiểu công chức hiện nay. Đó là “ Không thiếu người tuy đang ngồi trong phòng làm việc mà tâm trí thì mải lượn lờ ở những spa làm đẹp, cửa hàng, cửa hiệu” hay nói một cách khác là tâm hồn họ đang “treo ngược cành cây”. Đối với những người đó, dường như ngày làm việc của họ chỉ thực sự bắt đầu khi có mặt trên sân thể thao, hoặc những chốn “kém lành mạnh hơn” như quán nhậu, nhà hàng… Chính thái độ đối với công việc của những người này đã biến họ thành những “cỗ máy công chức”, vô cảm và thụ động đối với chính nhiệm vụ của mình, nhiệm vụ mà cuộc sống đã giao cho họ và lẽ ra họ phải tận tâm với nó để được đền bù sự thụ hưởng một cách xứng đáng.  Bất kỳ ai khi sống trong cuộc đời này đều phải có cho mình một công việc. Công việc mang lại cho họ tiền bạc để nuôi sống bản thân và gia đình. Công việc mang lại cho họ hạnh phúc trong cuộc sống. Nếu bạn cho rằng công việc của mình đang làm là nhàm chán thì bạn đã thực sự sai lầm. Không có công việc đơn điệu mà chỉ có thái độ của chúng ta với công việc mới làm cho nó trở nên nhàm chán. Dù bạn đang làm ở bất kỳ lĩnh vực, vị trí nào nếu bạn làm công việc đó bằng cả trái tim thì chính công việc đó sẽ khắc hoạ trung thực chân dung của bạn - một người thành công. 
 
Một vấn đề khác mà tác giả đặt ra, đó là vấn đề thiếu – thừa lao động , mà theo tác giả là “trái khoáy” bởi thừa lẫn thiếu lộn nhào. Thành phố lớn thì bà con cơm đùm cơm nắm kéo về ùn ùn nên chen chúc nhau, dẫn đến thừa mứa. Tỉnh lẻ lại đìu hiu vì nguồn nhân lực đã quyết lên đường “tìm miền đất hứa” nên có còn mấy ai. Ngay cả một việc khác, là lao động có chất lượng cũng hết sức thiếu. Một vấn đề mà Hải Triều nhắc đến, đó là tại nước ngoài, những đồ vật chế tác bằng thủ công hết sức đắt đỏ, vì trình độ thợ thuyền họ cao, đồ làm ra hết sức tinh xảo. Trong khi, đồ thủ công của ta nếu hấp dẫn khách nước ngoài, cũng chỉ là vì lạ, vì họ chưa gặp. Trong khi đó, giá trị lao động ở ta đang bị đánh giá ngày một rẻ rúng nên thiết tưởng, việc không mặn mà với công việc cũng một phần nguyên nhân. 
 
Ai cũng muốn tìm kiếm cho mình một công việc yêu thích. Tuy nhiên, tìm kiếm các công việc nhàn hạ cũng không dễ, lắm người đã sa cơ lỡ bước do ánh hào quang của đồng tiền. Sức mạnh của đồng tiền có hai mặt trái ngược nhau. Một mặt làm cho người ta có hạnh phúc, một mặt là cạm bẫy chết người. Quá trình kiếm sống người ta phải dựa vào người khác, mà người khác thì luôn luôn muốn kiếm lợi cho mình. Mỗi người chạy theo những lợi ích của riêng mình. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi thì phải vừa có sự hợp tác vừa có sự đấu tranh.
 
Đại hội lần thứ Nhất của Quốc tế Cộng sản II đã quyết định lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước. Ngày 1/5 hàng năm trở thành Ngày Quốc tế Lao động, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân, ngày nghỉ ngơi và biểu dương lực lượng, ngày hội của công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. Nhưng, như tác giả viết “Để lớn lên thực sự, người ta cần phát triển cả tư tưởng, suy nghĩ chứ không chỉ cần xây dựng mỗi cơ sở vật chất. Đến khi làm được như vậy, may ra mới nhận ra được giá trị của Ngày Quốc tế Lao động”.
 
Người xây dựng