1. Bùi Tiến Dũng vs Wu Lei
Wu Lei chính là khác biệt lớn nhất giữa tuyển Trung Quốc và tuyển Việt Nam ở trận lượt đi. Ngôi sao của CLB Espanyol đóng góp 2/3 bàn thắng cho Trung Quốc và cả 2 pha lập công đều là pha chạy chỗ thông minh, di chuyển đúng vào “điểm mù” của hàng thủ ĐT Việt Nam.
Sự nhanh nhạy, hiệu quả và tinh giản trong cách chơi của Wu Lei giúp cầu thủ này vượt trội so với dàn sao còn lại của Trung Quốc. Ở trận đấu này, trung vệ trẻ Nguyễn Thanh Bình là người được giao nhiệm vụ theo kèm Wu Lei nhưng đã không hoàn thành. Anh mắc lỗi trực tiếp khiến ĐT Việt Nam đánh rơi 1 điểm ở những giây cuối cùng.
Ở trận lượt về, nhiệm vụ “khóa chặt" Wu Lei sẽ được giao lại cho Bùi Tiến Dũng. Đội trưởng CLB Viettel vẫn là cái tên chắc chắn nhất ở hệ thống phòng ngự khi Quế Ngọc Hải vắng mặt vì dương tính với Covid-19. Chơi ở vị trí dưới cùng trong hàng thủ 3 người, Bùi Tiến dũng cần theo kèm Wu Lei rất sát.
2. Thành Chung vs Zhang Yuning
Trước khi Wu Lei tỏa sáng, Zhang Yuning là cầu thủ đá nổi bật nhất ở trận lượt đi. Yuning chính là cầu thủ U22 Trung Quốc duy nhất ở trận thua 0-2 trước U22 Việt Nam hồi tháng 9/2019 có mặt trong đội tuyển quốc gia thời điểm này.
So với Wu Lei, Yuning không được đánh giá cao về độ tinh quái, nhạy bén. Bù lại, tiền đạo này lại có thể hình lý tưởng để làm tường và chiếm lợi thế trong các pha không chiến. Sự năng nổ của Yuning trận lượt đi khiến hệ thống phòng ngự của ĐT Việt Nam thường xuyên gặp báo động.
Trọng trách theo kèm Yuning nhiều khả năng sẽ thuộc về Thành Chung. Ở trận đấu với Australia cách đây ít ngày, HLV Park chỉ tung Thành Chung vào sân ở khoảng thời gian cuối trận. Do đó, anh có nền tảng thể lực sung mãn và sẵn sàng chiếm 1 trong 3 vị trí ở hàng trung vệ ĐT Việt Nam.
Cầu thủ sinh năm 1997 có đủ kinh nghiệm và khả năng không chiến để đối chọi với những pha bật nhảy của Yuning.
3. Hoàng Đức vs Wuxi
Ở tuyển Trung Quốc, Wu Xi là tiền vệ phòng ngự cùng với Yin Hongbo. Cầu thủ này có khả năng đánh chặn từ xa rất tốt, và anh sẽ đối đầu với Hoàng Đức chơi ngày càng ấn tượng ở tuyển Việt Nam.
Cầu thủ thuộc biên chế Viettel hứa hẹn có nhiều lần đối đầu với số 15 của đội bạn. Ngoài khả năng phân phối bóng, những quả sút xa của Hoàng Đức hoàn toàn có thể tạo nên sự khác biệt cho trận đấu.
4. Văn Thanh vs Wu Xinghan
Cũng như cánh trái, cánh phải của tuyển Việt Nam với sự hoạt động của Văn Thanh sẽ gặp sức ép lớn từ Wu Xinghan. Dù mới được HLV Li Tie triệu tập hồi tháng 5, nhưng Wu Xinghan nhanh chóng chiếm suất đá chính, thi đấu 4 trận và ghi 1 bàn thắng.
Nhiệm vụ của Văn Thanh không chỉ là khắc chế Wu Xinghan, mà còn có những pha dâng cao tấn công, hỗ trợ các đồng đội, tạo sức ép để tìm kiếm bàn thắng cho tuyển Việt Nam.
5. Công Phượng/Tiến Linh vs Zhang Linpeng
Công Phượng là niềm hy vọng rất lớn trên hàng công của ĐT Việt Nam trong màn tái đấu với Trung Quốc. Ở trận lượt đi, anh chỉ đá vỏn vẹn vài phút cuối trận song vẫ để lại nhiều ấn tượng với những pha đi bóng xông xáo.
Với việc Tiến Linh đã hoàn toàn bình phục sau khi nhiễm Covid-19, HLV Park hoàn toàn có thể sử dụng phương án đá 2 tiền đạo. Công Phượng cùng Tiến Linh sẽ lãnh trọng trách ghi bàn cho "Những chiến binh sao vàng".
Trong khả năng 1 đấu 1, cầu thủ thuộc biên chế HAGL không quá thua kém. Đối thủ chính của Công Phượng ở màn so tài này là Zhang Linpeng - cầu thủ được mệnh danh là “Sergio Ramos Trung Quốc” với 88 lần khoác áo ĐTQG.
Linpeng năm nay đã 32 tuổi và có điểm yếu là xoay trở cực kém. Công Phượng có thể tận dụng kỹ thuật cá nhân cùng những pha đảo bóng của mình để "vặn sườn" đối thủ.
Với Tiến Linh, gần như cầu thủ này sẽ được "mặc định" cho vị trí tiền đạo cắm ở tuyển Việt Nam trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Đối phương chắc chắn đã nghiên cứu rất kỹ lối chơi của tiền chân sút CLB Bình Dương, và sẽ giao cho Zhang Linpeng nhiệm vụ theo kèm.
Sở hữu nền tảng thể lực tốt, chiều cao 1m85, Zhang Linpeng là thử thách phải vượt qua nếu Tiến Linh muốn ghi bàn vào lưới Trung Quốc.