(Baonghean) - Chiều nay, Giải U21 Quốc tế - Báo Thanh niên sẽ khởi tranh trên SVĐ Cần Thơ (TP Cần Thơ). Chủ nhà Việt Nam có 2 đội bóng góp mặt là U21 Báo Thanh niên Việt Nam và U21 HAGL. Đáng chú ý là nòng cốt U21 Báo Thanh niên Việt Nam là những cầu thủ của đội U21 SLNA vừa giành chức vô địch Giải U21 toàn quốc Cup Báo Thanh niên cách đây 1 tuần.
Nơi chắp cánh tài năng
Trong danh sách 20 cầu thủ được triệu tập vào đội U21 Báo Thanh niên Việt Nam tham dự Giải U21 quốc tế Báo Thanh niên, SLNA đóng góp 6 cầu thủ gồm 2 hậu vệ Mạnh Hùng, Văn Mạnh, 3 tiền vệ Khắc Ngọc, Sỹ Sâm, Phi Sơn và tiền đạo Tuấn Tài. Ngoài ra, HLV của đội U21 SLNA Đinh Văn Dũng cũng có mặt trong Ban huấn luyện với vai trò trợ lý HLV. Điều này khẳng định uy tín của SLNA trong công tác đào tạo tuyến trẻ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ông Nguyễn Đình Nghĩa – Phó Giám đốc điều hành CLB SLNA cho biết: “Trên cả nước không có cơ sở đào tạo bóng đá nào mà công tác đào tạo trẻ lại trải đều ở các lứa tuổi và giữ thành tích ổn định qua hàng chục năm như SLNA, với 22 chức vô địch từ năm năm 1997 đến nay. Những năm gần đây, dù gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt, nhưng “lò” SLNA vẫn khẳng định được chỗ đứng của mình, bởi giá trị lớn nhất của chúng tôi chính là bản sắc. Hầu hết các cầu thủ trẻ của CLB đều đến từ các địa phương trong tỉnh, nên các cầu thủ có được sự đoàn kết và đều khát khao được chơi bóng cho đội 1 SLNA.
Nỗ lực vượt khó
Trước đây, nhiều cầu thủ SLNA ở các giải trẻ thi đấu rất tốt, giành được nhiều thành tích, nhưng không phải cầu thủ nào cũng phát huy được khả năng khi đã trưởng thành. Bên cạnh sự thiếu ổn định chung của các cầu thủ thuộc lứa trẻ, thì một nguyên nhân được nhắc đến rất nhiều là nguồn tài chính của CLB không được đảm bảo để duy trì và phát huy hết khả năng của các cầu thủ. Bên cạnh đó, CLB cũng chưa thực sự chú trọng đến vấn đề giáo dục đạo đức, định hướng nghề nghiệp cho các cầu thủ trẻ, dẫn đến tình trạng nhiều cầu thủ khi đã thành công sớm hơn tuổi thường khó làm chủ bản thân trước những cám dỗ của xã hội do thiếu kỹ năng sống.
Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với sự quan tâm của tỉnh và các doanh nghiệp, nguồn tài chính của CLB cũng như công tác giáo dục đạo đức, định hướng nghề nghiệp cho các cầu thủ trẻ đã được cải thiện rất nhiều. Từ giữa năm 2013, các cầu thủ trẻ được hưởng hỗ trợ từ ngân sách tỉnh dành cho VĐV năng khiếu. Nhờ đó, mức ăn của cầu thủ trẻ được nâng từ 60.000 đồng/ngày lên 90.000 đồng/ngày; đối với cầu thủ có thành tích là 120.000 đồng/ngày. Bên cạnh đó, mỗi khi đội trẻ nào đạt thành tích tốt đều được lãnh đạo tỉnh động viên kịp thời. Như đội U13 vào tháng 7 và U21 vừa qua, trở về sau khi giành chức vô địch ở các giải trẻ, đã được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Lệ Thanh cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan tiếp đón nồng hậu và thưởng xứng đáng. Phóng viên Lê Giáp (Báo Pháp luật và Đời sống) – người nhiều năm theo dõi CLB SLNA nhận xét: “Những năm gần đây, các cầu thủ trẻ của SLNA đã chứng tỏ sự ứng xử chững chạc hơn trước rất nhiều và không có cầu thủ nào dính vào tệ nạn xã hội hay các vụ phạm pháp”.
Trong mùa giải 2015, SLNA tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi tiền đạo Lê Công Vinh đã về đầu quân cho B. Bình Dương; nguồn kinh phí tài trợ cho mùa giải mới không tăng, thậm chí còn có thể bị cắt giảm thêm; cơ sở vật chất cho công tác đào tạo trẻ còn chưa đáp ứng yêu cầu, mới chỉ đáp ứng được 115/175 chỗ ở ngoại trú; sân bãi luyện tập còn thiếu… Nhưng tin rằng, với những nỗ lực từ phía tỉnh và CLB cùng tinh thần vượt khó, khát khao cống hiến cho quê hương của các cầu thủ trẻ, đội 1 SLNA cũng như các đội trẻ sẽ thi đấu ổn định và giành được nhiều thành tích. Và cũng hy vọng rằng, chức vô địch mà các lứa trẻ SLNA giành được trong thời gian qua sẽ là “chất xúc tác” để các tổ chức, doanh nghiệp và người hâm mộ quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo trẻ, đưa bóng đá Nghệ An phát triển hơn nữa.
Bài, ảnh: Minh Quân