(Baonghean) - Cơn bão số 8 không đổ bộ vào tỉnh Nghệ An, nhưng hoàn lưu của bão đã gây mưa to đến rất to trong nhiều ngày liền gây thiệt hại lớn về người và tài sản trên địa bàn tỉnh ta. Hiện nước lũ trên sông suối đang rút dần người dân đang nỗ lực khắc phục hậu quả của đợt lũ lụt. Tuy nhiên, nỗi đau cùng bài học về sự chủ quan vẫn còn đó...

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8 vừa qua, Nghệ An chịu thiệt hại nặng nề về người và của, đặc biệt mưa lũ đã làm 13 người chết. Để tìm kiếm thi thể các nạn nhân bị lũ cuốn trôi, trong những ngày qua tỉnh Nghệ An đã huy động hơn 1000 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, cán bộ các sở, ban, ngành, chính quyền và người dân địa phương với những phương tiện, máy móc tốt nhất có thể để vào cuộc. Đến chiều 23/9, việc tìm kiếm chính thức kết thúc, khi người dân xã Vĩnh Sơn (Anh Sơn) phát hiện nạn nhân cuối cùng là em Vũ Bá Hải (9 tuổi) trôi trên sông Lam.

Trong vụ xe ô tô bị lũ cuốn tại khe Ang, xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn, người đáng trách là ông Trương Văn Thái (SN 1954), cán bộ của Sở GTVT đang trong thời gian chờ nghỉ hưu. Ông Thái là bạn thân thiết với gia đình ông Trần Văn Ngọ, ở xã Nghĩa Khánh và đã dùng chiếc xe Inova 7 chỗ của mình chở cả gia đình ông Ngọ đi ra tỉnh Hòa Bình chơi.

Trên đường đi, đoạn qua tràn Khe Ang, xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Đàn), lúc đó trời mưa rất lớn, hạt quản lý đường bộ và chính quyền địa phương đã lập rào chắn ở hai đầu xóm Hồng Lợi, Hồng Cương để ngăn người và xe qua tràn. Dù vậy, ông Thái vẫn bất chấp điều khiển xe lách qua rào chắn và hậu quả là chiếc xe bị chết máy, trôi xuống khe, ông Thái và ông Ngọ thoát ra khỏi xe, 5 người thân của ông Ngọ bị lũ cuốn trôi. Nén lại nỗi đau thương, mất mát cũng như những vất vả mệt nhọc của việc tìm kiếm nạn nhân trên chiếc xe bị lũ cuốn, tất cả những người có mặt tại tràn Khe Ang, xã Nghĩa Hồng đều cho rằng ông Thái quá chủ quan.

Là người có thâm niên hàng chục năm trong nghề giao thông, hơn ai hết ông Thái là người hiểu rõ từng khúc đường, từng đoạn tràn ngập nước trên địa bàn, chắc chắn ông cũng biết rằng ở tràn Khe Ang đã có rất nhiều người bỏ mạng, nhiều ô tô, xe máy bị cuốn trôi khi cố gắng vượt qua. Chỉ vì một sự tắc trách, chủ quan mà 5 người phải vĩnh viễn ra đi; các cấp, ngành trong tỉnh phải vào cuộc tìm kiếm với quy mô lớn, tốn kém về sức người, sức của trong 4 ngày trong mưa gió. Hiện nay, ông Thái đang bị tạm giữ hình sự và chắc chắn, trong thời gian tới sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.

816372_small_106291.jpg

Nhiều người dân vẫn đi qua các đoạn tràn ngập nước bất chấp nguy hiểm.

Nếu như ông Thái chủ quan vì mình là cán bộ, quá am hiểu đường sá, cầu tràn, thì nhiều người dân khác ở các huyện như Thanh Chương, Nghi Lộc, Yên Thành, Cửa Lò, Nghĩa Đàn... lại tử vong vì thiếu kỹ năng ứng phó với thiên tai, bão lũ và cả sự chủ quan của người thân. Tại xã Thanh Lâm (huyện Thanh Chương), nhiều người cho rằng, nếu nhà trường cho các em nghỉ học trước ngày 20/9 thì em Bùi Thị Huyền, học sinh lớp 6 đã không bị lũ cuốn trên đường đi học về. Trường hợp cháu Đặng Văn Hòa (xã Nghĩa Lộc, Nghĩa Đàn) bị chết đuối, nhiều người cảm thấy vừa đáng thương vừa đáng trách cho người mẹ trẻ khi để con chưa đầy 2 tuổi ngủ một mình trong nhà, gần đó là một con khe đang ngập nước để đi làm đồng, khi trở về thì đã xảy ra sự việc đau lòng.

Tại xã Nghi Công Bắc, huyện Nghi Lộc, nếu các thanh niên trên đường đi ăn cưới trở về nghe theo lời khuyên của em học sinh Nguyễn Sỹ Phúc thì đã không có chuyện em Phúc bị chết sau khi cứu người; nếu anh Trương Văn Sung (SN 1972) không quá chủ quan khi cố gắng vượt qua đoạn khe ngập nước ở xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp thì chắc chắn người thân của anh sẽ không phải chịu nỗi đau thương, mất mát… Rất nhiều chữ “nếu” đã được đưa ra sau mỗi tai nạn chết người, nhưng tất cả đều đã quá muộn.

Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng nhất nước, địa hình rất phức tạp, lắm suối, nhiều khe cùng với điều kiện khí hậu hết sức khắc nghiệt. Sau mỗi đợt mưa lớn, nhiều khu vực bị chia cắt, nhiều đoạn tràn bị ngập nước rất nguy hiểm, tạo thành những điểm đen, gây chết người. Sống trong môi trường đó, nhưng người dân hầu như không được trang bị các kiến thức cơ bản để tự phòng ngừa và ứng phó với các thảm họa thiên tai. Nhiều nơi có người chết, người dân đổ lỗi cho ông trời, cho số phận mà không tự nhận thức, không tự rút ra được bài học sau mỗi tai nạn thương tâm. Trong mỗi đợt lũ lụt, nhiều  người dân còn bất chấp nguy hiểm mang lưới đi thả cá, mang kích điện ra đồng, bơi thuyền ra vớt gỗ trên sông Lam, nhiều học sinh nghỉ học tranh thủ ra cánh đồng ngập nước để chăn trâu, bắt chuột, đánh chim mùa lũ và thực tế đã có nhiều cái chết thương tâm xảy ra.

Bên cạnh sự chủ quan của người dân thì ở đâu đó vẫn có sự chủ quan của các cấp chính quyền địa phương. Lâu nay, chúng ta vẫn chuẩn bị các phương án “4 tại chỗ” và làm rất tốt công tác này trong mỗi đợt kiểm tra, diễn tập nhưng khi gặp các sự cố thiên tai thật sự thì rất nhiều địa phương lúng túng. Thậm chí nhiều địa phương khi xảy ra sự cố còn tìm cách che giấu thông tin. Như trong đợt lũ do hoàn lưu của bão số 8 vừa qua, thực tế số người bị thiệt mạng chính xác đến ngày 23/9 là 14 chứ không phải 13 như thống kê của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, bởi tại huyện Thanh Chương còn có thêm một nạn nhân khác bị lũ cuốn là chị Nguyễn Thị Kim Loan (39 tuổi) ở xóm 12, xã Thanh Hà.

Vào chiều 22/9, chị Loan đi xe máy qua đoạn ngập ở đường liên xã thì bị nước cuốn. Buổi tối cùng ngày, mọi người tìm thấy thi thể của chị cách đó khoảng 20 mét. Mặc dù vậy, không hiểu vì lí do gì mà đến chiều 23/9, huyện Thanh Chương lại chưa báo cáo về nạn nhân bị lũ cuốn này cho Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh. Trước đó, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện Thanh Chương cũng báo cáo chậm trường hợp một học sinh lớp 6 bị lũ cuốn ở xã Thanh Lâm… Mặc dù trong mỗi đợt mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, UBND tỉnh đều có nhiều công điện khẩn nhắc nhở, cảnh báo và yêu cầu các địa phương cùng các sở ngành liên quan tập trung thực hiện các phương án phòng chống lụt bão đã được phê duyệt nhưng nhiều tai nạn đáng tiếc vẫn xảy ra. Một cán bộ của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh thừa nhận rằng, thực tế có nhiều địa phương khi xảy ra các sự cố về người đã cố tình không báo cáo hoặc báo cáo muộn vì sợ bị phê bình, bị ảnh hưởng đến thành tích”.

Đợt mưa lớn đã kết thúc, nước lũ trên sông suối cũng đang dần rút xuống, người dân vùng lũ đang nỗ lực khắc phục hậu quả của đợt lũ lụt. Tuy nhiên, nỗi đau cùng bài học về sự chủ quan thì vẫn còn đó. Mùa mưa lũ 2013 đang kéo dài, chắc chắn chúng ta sẽ còn tiếp tục phải hứng chịu thêm nhiều trận bão, nhiều đợt mưa lũ nữa và hi vọng rằng, trong thời gian tới, cả người dân và chính quyền địa phương các cấp sẽ không phải trả những cái giá quá đắt cho sự chủ quan của mình...

Mưa lũ làm chết 14 người, thiệt hại tài sản trên 390 tỷ đồng

Mưa lũ cơn bão số 8 trên địa bàn tỉnh ta tính đến 17h ngày 23/9 đã làm 13 người chết, ở các huyện: Yên Thành, Nghi Lộc, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thanh Chương và Hưng Nguyên; làm 2 tàu đánh cá bị chìm, gồm: tàu Thành Đạt 06 bị chìm, các thuyền viên trên tàu đã được tàu Hải Phương - Hải Phòng cứu, đưa vào đảo Hải Nam, Trung Quốc; tàu của anh Nguyễn Cảnh Quang, mang biển kiểm soát 0037TS, neo đậu tại bến Nam Giang, phường Nghi Hải, Thị xã Cửa Lò, bị sóng nhấn chìm, đã trục vớt được vào ngày 20/9/2013.

Về nhà cửa và tài sản: Mưa lũ đã làm 4 nhà bị sập; 962 nhà bị ngập; 447m tường rào bị đổ; trôi 1 ô tô 7 chỗ ngồi; 15 phòng học bị ngập.

Về sản xuất nông nghiệp: 2.824,9 ha lúa; 7.775,3 ha ngô và rau, màu các loại; 7741,5 ha cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm; 1111,3 ha cây công nghiệp và cây ăn quả hàng năm; 1.592,0 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập; 984,05 ha lúa bị mất trắng và 507,5 ha giảm sản lượng (từ 30% đến 70%); ngô và rau màu các loại thiệt hại: 5108,5 ha, gồm: mất trắng (trên 70%) 3475 ha và giảm sản lượng (từ 30% đến 70%) 1633,5 ha cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm thiệt hại: 549,7 ha, trong đó: mất trắng (trên 70%) 392,2 ha; và giảm sản lượng (từ 30% đến 70%) 157,5 ha; cây công nghiệp và cây ăn quả hàng năm thiệt hại: 93,7 ha, trong đó: mất trắng (trên 70%) 65,2 ha và giảm sản lượng (từ 30% đến 70%) 28,5 ha; đất canh tác bị xói lở, bồi lấp: 8,45 ha; thủy sản thiệt hại 782,0 ha, gồm mất trắng (trên 70%) 495,5 ha và giảm sản lượng (từ 30% đến 70%) 314,5 ha; gia cầm bị chết: 3338 con; gia súc bị chết: 50 con; trâu, bò bị cuốn trôi: 3 con.

Về công trình giao thông: Đường giao thông bị sạt lở: 25.506m, khối lượng đất bị sạt lở 74.817m3, bê tông 955m3. Cầu tràn loại nhỏ bị hư hỏng: 10 cái; Cầu tạm bị hư hỏng: 4 cái, bị trôi: 3 cái. Tràn loại nhỏ bị hư hỏng 2 cái. Cống qua đường loại vừa bị hư hỏng 2 cái. Cống qua đường loại nhỏ bị hư hỏng: 25 cái; bị trôi 62 cái.

Về công trình thủy lợi: Kênh mương bị sụp đổ, sạt lở, hư hỏng: 16.614m (trong đó: kênh đất 3920m, kênh xây 12.138m, kênh bê tông 556m), khối lượng đất và gạch đá bị sạt lở 5.630m3 Khối lượng bùn đất bồi lấp trên hệ thống kênh chính: 17.540m3; Đập loại nhỏ bị sạt lở hư hỏng: 11 cái; sạt lở đất 25.500m3; Phai tạm bị hư hỏng, cuốn trôi: 12 cái (hư hỏng 3 cái, cuốn trôi 9 cái); Tràn xả lũ loại nhỏ bị hư hỏng: 3 cái; Cống tưới loại nhỏ bị hỏng: 2 cái; Đê địa phương bị sạt lở: 10m; Cửa cống bị hỏng: 6 cái; Cột điện hạ thế bị đổ gãy: 28 cái.

Ước tính tổng kinh phí thiệt hại: 392,129 tỷ đồng.



Nguyên Khoa