(Baonghean) - Có một đồng nghiệp, một nhà báo đã ngã xuống trên mảnh đất Thái Hòa 48 năm trước ngay tại trụ sở báo Miền Tây Nghệ An. Cũng quãng ấy thời gian, thi thể ông bị vùi sâu, mất tích dưới lòng đất, không một dòng báo tử, không một lễ truy điệu và không cả một danh hiệu… Ông là nhà báo Trần Văn Thông, nguyên là Chánh Văn phòng Huyện ủy Nghĩa Đàn, trị sự  báo miền Tây Nghệ An…

I

Báo Miền Tây Nghệ An ra đời năm 1962 và có trụ sở tại Ban Miền Tây Nghệ An. So với những nhà báo cùng thời như Tổng Biên tập - nhà báo Đặng Loan, các nhà báo Kiều Thành Vinh, Tô Quốc Bảo, Lăng Thị Thí, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Hùng Sơn, Hồ Kim Tuấn…, nhà báo Trần Văn Thông có thời gian gắn bó với huyện Nghĩa Đàn lâu hơn cả!

Trần Văn Thông, sinh năm 1924, quê gốc ở xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Ngày còn nhỏ, dù gia đình gặp nhiều khó khăn ông vẫn được gia đình tạo điều kiện cho lên Thị xã Hà Tĩnh học trường Tây. Năm học thứ tư, vì có mâu thuẫn, căm ghét bọn con quan lại nên Trần Văn Thông cùng một cậu bạn gần nhà bàn nhau sẽ “dạy cho học trò Pháp một bài học”. Cú đánh mạnh tay, không đủ để đứa bé người Pháp ngã quỵ nhưng vì lo lắng và sợ hãi nên Thông cùng người bạn học chạy trốn. Khi đó, Thông mới mười hai tuổi, chưa từng ra khỏi nhà. Nghe kể, thì chỉ đi ngược lên miền trên sẽ sang được Lào. Run rủi  thế nào, đi đến Nghĩa Đàn, Thông được nhận vào làm việc tại đồn điền Phan Văn Qúy và được chủ đồn điền hết sức tin cậy. Vừa làm cho chủ, Thông vừa liên lạc với các chiến sỹ cách mạng bên ngoài. Năm 1944, lúc vừa tròn 20 tuổi, ông được đứng vào hàng ngũ của Đảng Lao động Việt Nam, rồi hoạt động trong đoàn thể Việt Minh dưới vỏ bọc là thư ký cho chủ đồn điền cao su.

Cách mạng tháng Tám thành công, ông tiếp tục tham gia vào đội tự vệ kháng chiến Thái Hòa rồi vào bộ đội chủ lực chiến đấu ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quãng Ngãi, Quảng Nam. Năm 1957, ông rời quân ngũ về lại Nghĩa Đàn và được giao nhiệm vụ phụ trách Văn phòng Huyện ủy. Đến năm 1961, Tỉnh ủy Nghệ An thành lập Ban chỉ đạo miền Tây Nghệ An, ông vừa làm Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo và được điều động thêm nhiệm vụ ở  Báo Miền Tây Nghệ An. Là cơ quan ngôn luận của ban chỉ đạo, có nhiệm vụ phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước liên quan đến miền núi, đặc biệt là ở 9 huyện miền núi Nghệ An, nơi bọn phỉ và thế lực thù địch thường xuyên chống phá nên nhiệm vụ của 9 anh em trong tòa soạn báo hết sức nặng nề.

Năm 1965, Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và tiếp tục leo thang bắn phá miền Bắc. Tại Nghệ An, Nghĩa Đàn trở thành một trong những điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, bởi đây là con đường huyết mạch để chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau nhiều trận rải bom, đặc biệt là sau trận bom ngày 16/4/1965, hàng loạt các cơ quan, đơn vị đóng tại phường Thái Hòa phải đi sơ tán. Đến sáng ngày 23/5, Mỹ tiếp tục một đợt phục kích khác với mục tiêu là Ban Chỉ đạo miền Tây, Xưởng 250B, Trường Trung cấp nông trường, Nông trường bộ Tây Hiếu, Bệnh viện Hữu nghị, Trung tâm Khảo nghiệm cây nhiệt đới Phủ Quỳ, xưởng chế biến cà phê, cao su. Trong loạt bom cuối cùng, Tổng Biên tập Đặng Loan và nhà báo Trần Văn Thông khi ấy đang trực chiến ở trụ sở tòa soạn báo Báo Miền Tây Nghệ An cũng đã bị vùi lấp ngay dưới sân khu nhà của Ban Chỉ đạo

II

Ngày 27/4/2013 UBND tỉnh Nghệ An có Công văn số 1931-CV/TU gửi Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, xác minh, lập hồ sơ trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, công nhận liệt sỹ cho nhà báo Trần Văn Thông.

Thực hiện công văn trên ngày 24/5/2013 Sở LĐ-TB&XH tổ chức buổi làm việc với các cơ quan, ban, ngành liên quan và đại diện thân nhân ông Trần Văn Thông để thông báo về quá trình xác minh, thu thập tài liệu và thống nhất giải pháp, đề xuất cách làm về việc đề nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét, trình Chính phủ tặng Bằng Tổ quốc ghi công, công nhận liệt sỹ cho ông Trần Văn Thông.

UBND tỉnh cũng đã có tờ trình về việc đề nghị công nhận liệt sỹ cho ông Trần Văn Thông.

Đã  hơn 40 năm trôi qua, nhưng ông Lê Hùng Dung, nguyên Phó Ban chỉ đạo miền Tây của Tỉnh đoàn, Chánh Văn phòng Huyện ủy huyện Nghĩa Đàn vẫn còn nhớ rất rõ buổi sáng chủ nhật ấy. Đó là một ngày nắng chói chang, mới sáng sớm, máy bay Mỹ đã bay rà rà dọc hai bên sông Hiếu, tiếng ầm ầm vọng sát vào khu dân cư. Biết chắc ngày hôm ấy sẽ có một trận đánh lớn, nên lệnh sơ tán đã được báo động từ sáng. Các cơ quan, đơn vị đóng trong vùng cũng đã chuyển xuống làng Trù, xã Nghĩa Khánh từ nửa tháng trước, nên tại các đơn vị chỉ còn lại một số người trực chiến và những người trực tiếp chiến đấu là đội tự vệ của xưởng 250B và dân quân xã Nghĩa Quang: “Đáng lẽ, tôi cũng đã lên Quỳ Hợp, nhưng chiều thứ 7 vì họp xong muộn nên tôi quyết định đến sáng chủ nhật mới đi. Ngồi trong văn phòng của Ban Thanh niên, nhìn sang dãy nhà tranh phía trước tôi vẫn còn thấy anh Loan và anh Thông ngồi làm việc. Rồi bất ngờ, từ nhiều hướng, từng tốp, từng tốp máy bay ập tới, trút bom dữ dội xuống toàn vùng Tây Hiếu, trong đó có cả trụ sở của Ban Chỉ đạo miền Tây. Chỉ trong tích tắc, ba dãy nhà tranh của ban chìm trong biển lửa, mọi người hô hào nhau chạy...”. – ông Dung kể lại.

Cả đợt bom sáng hôm ấy, vùng Thái Hòa có 5 người bị mất tích, toàn bộ khu vực Thái Hòa phía bên kia sông Hiếu gần như bị san phẳng. Trong số những người ngã xuống, có 4 người sau một ngày đã tìm được thi thể, còn lại ông Thông dù đã 3 ngày hết sức nỗ lực đào bới, nhưng vẫn vô vọng.

Và đó cũng là nỗi đau đớn lớn nhất của gia đình ông Thông, là một bất hạnh của dòng họ bởi ông Thông là tộc trưởng, cháu đích tôn… “Nỗi đau ấy dai dẳng trong tôi hơn 40 năm qua, đau vào cả trong từng giấc ngủ, từng bữa ăn” – ông Trần Văn Điu, em trai út của ông Thông xót xa cho biết. Ông Điu còn nhớ mãi ngày anh bất ngờ trở về năm 1946, sau hơn 10 năm mất tích. Trong mắt cậu em út, anh Thông là trụ cột chính, nuôi bố mẹ già, 2 em và 3 đứa con thơ dại. Vợ ông, vì bị bệnh tim, đã mất trước đó không lâu cùng với đứa con vẫn còn nằm trong bụng. Cuộc sống vất vả đến nỗi, ông Thông dù có làm cán bộ nhưng “mấy năm liền muốn may một bộ quần áo mới để đi Hà Nội nhận huân chương, cũng không thực hiện được”.

797454_small_99215.jpg

Nhà báo Trần Văn Thông (thứ hai, trái qua) cùng đồng nghiệp của mình.
 Ảnh tư liệu chụp năm 1963

Lần cuối cùng, ông Điu được gặp anh, đó là buổi sáng định mệnh của ngày 23/5/1965. Trước đó, vì bận công tác nên suốt một tuần ông không về nhà. Rạng sáng 23, ông rẽ qua nhà thăm gia đình rồi bảo với bố mẹ là phải ở lại trực chiến, có lẽ vài ngày nữa mới về được. Trước khi đi, sợ con đói, mẹ ông còn luộc một nồi khoai rồi ép ông phải ăn hết một củ. Thế mà chưa đầy 2 tiếng sau, nghe tiếng bom nổ phía bên kia sông, ông Điu chạy ra xem, rồi sau đó bàng hoàng khi không tìm thấy xác anh trai mình. 3 năm sau, cũng chính làn bom của giặc Mỹ đã lấy đi mạng sống của bố ông, khi cụ đang trên đường chở nứa xuống Quỳnh Lưu bán. Ông Điu đi học xa, cả gia đình ở Thái Hòa, bà nội trở thành người trụ cột nuôi 3 đứa cháu và người chị gái. “Vậy mà mẹ tôi vẫn gắng gượng nuôi chị học nghề và 3 đứa con anh Thông vào đại học, đứa con cả của anh Thông còn được đi học ở Rummani. Chỉ day dứt một điều là khi khuất núi, cụ vẫn không thể yên lòng vì xác đứa con trai trưởng còn phiêu bạt nơi đâu” - ông Điu tâm sự

Như một sự may mắn, ngày 11/3/2011, trong khi đang đào móng để xây nhà, ông Nguyễn Văn Trường (khối Tây Hồ, phường Quang Tiến, Thị xã Thái Hòa) đào được một bộ hài cốt gần như vẫn còn nguyên vẹn bị vùi lấp dưới độ sâu hơn 2 mét. Nằm cùng với bộ hài cốt, gia đình ông còn tìm được một chiếc đồng hồ hiệu Pôn zốt, một quyến sổ lịch và một chiếc bút máy Hồng Hà, còn nguyên dòng chữ được khắc: "Trần Văn Thông Nghệ An". Nhắc lại chuyện này, ông Trường vẫn còn chưa hết vui mừng: Trận bom năm đó, tôi cũng có mặt, rồi cùng làm việc trong xưởng 250B với ông Điu một thời gian, nên khi vừa nhìn thấy dòng chữ trên cái bút, tôi mừng không nói nên lời bởi tôi biết chắc đó là anh trai của ông Điu!

III

Chúng tôi gặp được bác Nguyễn Văn Khả, hiện đang sống ở Khối Đồng Tâm 1, phường Hòa Hiếu, Thị xã Thái Hòa. Dù năm nay đã gần 80 tuổi, bác vẫn rất minh mẫn. Hôm tìm thấy hài cốt ông Thông, ông Khả sang thắp hương, nhìn thấy chiếc bút Hồng Hà màu đỏ, ông xúc động, không nói nên lời: “Đúng là chiếc bút này, tôi là người cuối cùng được bác Thông cho mượn để ký vào biên lai lấy tiền mua tranh về lợp nhà cho tòa soạn. Khi đó, nhìn chiếc bút máy khắc chữ rất đẹp, tôi hỏi anh Thông: Anh Thông có cái bút ai khắc mà đẹp ri? Anh Thông cười cười: Tau phải khắc để mất còn tìm thấy... Ký xong, chưa kịp ngồi lại uống chén nước trà cùng anh tôi vội vàng ra về, đi chưa được nửa cây số đã nghe tiếng bom nổ...

Trở về câu chuyện của ông Điu, dù đã lo hậu sự chu đáo cho anh trai được “mồ yên mả đẹp” thì điều bây giờ ông canh cánh nhất đó là anh Thông chưa được công nhận liệt sỹ, dù người cùng công tác, cùng trực chiến, cùng mất một ngày với ông Thông là nhà báo Đặng Loan thì đã được công nhận liệt sỹ từ năm 1970. Tại gia đình ông Điu, hiện đang còn lưu giữ nhiều giấy khen của Ban Chấp hành Chi ủy Đảng Lao động Việt Nam, của Ban Chấp hành huyện Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam Nghĩa Đàn, Công đoàn Ban miền Tây, Ủy ban miền Tây tặng ông Thông và gia đình, Huân chương Kháng chiến hạng Ba...

Tấm gương quả cảm của nhà báo Đặng Loan, nhà báo Trần Văn Thông sẽ còn sống mãi trong lòng bạn đọc và nhiều thế hệ làm báo tỉnh nhà!


Thanh Lương – Mỹ Hà