(Baonghean) Vừa qua, Trạm Khuyến nông -Khuyến ngư (KNKN) và Ban phát triển nông thôn miền núi huyện Quỳ Châu đã triển khai dự án ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào trồng thử nghiệm 7ha giống gấc cao sản tại 5 hộ dân ở bản Đôm 1 (xã Châu Phong) và 2 hộ  ở khối 4 (Thị trấn Tân Lạc). Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ cây giống, phân bón, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và thâm canh cây gấc. Qua khảo sát giống gấc hiện phát triển tốt, tỷ lệ cây sống cao và bắt đầu ra hoa, đậu quả.

Theo ông Lê Hải Lý, cán bộ Trung tâm KNKN huyện, 1 sào gấc trồng 50 gốc, năm đầu đã có thể thu 2 triệu đồng, trừ chi phí còn được 1,5- 1,7 triệu đồng. Ngoài ra, gấc là loại cây trồng không kén đất và chỉ cần một khoảng đất nhỏ đã có thể trồng được 1 gốc, một gốc có tuổi thọ 15 – 20 năm, nguồn vốn đầu tư ban đầu không đáng kể. Năm thứ nhất đầu tư cho 1ha gấc mất khoảng 44 triệu đồng, bao gồm chi phí vật tư làm giàn, cọc gỗ, dây bọc nhựa và công lao động…  Năng suất quả gấc trồng xen canh trong vườn bình quân đạt 20 tấn/ha, trồng ngoài đồng đạt 24 tấn/ha, giá hiện hành 3000đ/kg tại vườn, tổng doanh thu là 60 triệu đồng, trừ chi phí bà con có lãi 16 triệu đồng/ha.

781106_small_80978.jpg

Mô hình trồng gấc cao sản của gia đình bà Phạm Thị Mai ở khối 4, Thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu).

Cũng theo ông Lý, cùng với chi phí như năm thứ nhất, năm thứ 2 gấc sẽ cho thu nhập cao hơn. Nếu mỗi hộ chỉ trồng 1 đến 2 giàn gấc, 100 hộ đã trồng được hàng chục ha gấc, tạo ra vùng gấc hàng hóa như mục tiêu mà dự án hướng tới. Giá trị sử dụng của cây gấc không nhỏ, có thể làm bánh gấc, xôi gấc, đến dùng gấc chữa bệnh... Thị trường tiêu thụ gấc cũng khả quan.

Việc trồng thử nghiệm thành công mô hình trồng gấc cao sản ở Quỳ Châu đã mở ra một hướng đi mới, giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số khai thác đất hoang hóa phục vụ mục đích phát triển kinh tế hộ. Tổng diện tích trồng gấc năm 2012 ở huyện Quỳ Châu, sẽ lên tới 30 ha trong toàn huyện. 


Trần Ngọc Lan