(Baonghean) Là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua, việc thực hiện Đề án “Xây dựng thiết chế văn hoá thông tin, thể thao đạt chuẩn và phát triển đời sống văn hoá cơ sở” ở Tân Kỳ đã đạt được những thành tích nhất định.
Các làng, bản ở Tân Kỳ đã có thêm nhiều sân vận động, nhiều nhà văn hoá, các hủ tục lạc hậu dần được loại bỏ, những nét đẹp truyền thống được gìn giữ và phát huy. Đã có những mô hình, điển hình cưới theo nếp sống văn hoá mới ở xã Nghĩa Phúc, Nghĩa Đồng, Nghĩa Hợp; mô hình việc tang ở Kỳ Sơn, Nghĩa Thái, Tân Phú; mô hình làng, bản, khối phố văn hoá hoàn chỉnh ở xóm Thuận Yên (Nghĩa Hoàn), xóm 6B (Nghĩa Đồng), xóm Vĩnh Đồng (Tân Xuân), xóm Hưng Nguyên (Tân An)…
Nhà Văn hoá xóm Tân Lương (Tân Phú-Tân Kỳ) đang được xây dựng bằng 100% kinh phí do người dân tự nguyện đóng góp.
Để có được kết quả đó, Tân Kỳ xác định việc xây dựng các thiết chế văn hoá ở cơ sở không chỉ là việc xây dựng cơ sở vật chất (nhà văn hóa thôn, sân chơi thể thao, các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt văn hóa) mà còn chú trọng đến công tác vận động, tuyên truyền đến tận từng thôn, bản để người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện chương trình này. Trong đó, tập trung vào việc nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật và các quy định về văn hoá của người dân ở nông thôn; xây dựng, củng cố, phát triển hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở, tạo điều kiện để người dân nông thôn nâng cao mức hưởng thụ tham gia hoạt động và sáng tạo văn hoá.
Với nỗ lực đó, đến nay, 249/266 thôn, bản ở Tân Kỳ đã có nhà văn hoá khang trang, 100% thôn, bản có hệ thống loa phóng thanh, 250/266 thôn, bản có sân chơi thể thao; 22/22 xã, thị và 187/266 thôn bản có đội văn nghệ. Phong trào văn hoá văn nghệ ở cơ sở phát triển mạnh nên trong những năm gần đây, các đội văn nghệ của Tân Kỳ đã đạt 2 giải Nhất, 5 giải Nhì và 3 giải Ba tại Liên hoan tiếng hát Làng Sen tỉnh Nghệ An; 2 giải ba tại Liên hoan dân ca ví, dặm xứ Nghệ; 2 giải Nhì, 2 giải Ba tại Liên hoan văn nghệ các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An.
Có những địa phương như xóm Nước Xanh – Giai Xuân, là xóm có dân tộc Thổ, đời sống còn khó khăn, nhưng người dân vẫn tự nguyện đóng góp xây dựng nhà văn hoá cộng đồng và thành lập đội văn nghệ để bảo tồn văn hoá cồng chiêng, các làn điệu dân ca dân tộc Thổ. Có những xã như Tân Phú có 11/12 làng văn hoá, Nghĩa Đồng 14/15 làng văn hoá. Ở khối 8, thị trấn, trước đây có nhiều tệ nạn nhưng nay trở thành điển hình về xây dựng văn hoá cộng đồng…
Ông Nguyễn Văn Phượng – Trưởng phòng VH - TT huyện Tân Kỳ nhận xét: “Có được kết quả đó là nhờ các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm chỉ đạo, xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng thiết chế văn hoá - thể thao đồng bộ theo đề án của tỉnh và huyện. Quan trọng nhất là đội ngũ làm công tác VH-TT từ huyện đến cơ sở năng động, nhiệt tình với nghề và được đào tạo cơ bản về chuyên môn. Để duy trì các làng nghề dệt thổ cẩm ở xóm Thái Minh (Tiên Kỳ), xóm Thắm (Nghĩa Hoà)…, huyện phối hợp với xã mở các lớp tập huấn, hỗ trợ vốn, kết hợp với Hội Phụ nữ hướng dẫn cho chị em và đảm bảo thị trường tiêu thụ sản phẩm. Còn việc xây dựng nhà văn hoá ở các thôn, bản phần lớn được huy động từ sức dân, có nhiều thôn, bản người dân tự nguyện đóng góp 100% vốn để xây dựng nhà văn hoá.
Tuy nhiên, quá trình triển khai xây dựng thiết chế văn hoá gắn với chương trình nông thôn mới ở Tân Kỳ vẫn còn không ít khó khăn đòi hỏi các cấp từ huyện đến cơ sở nỗ lực hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đó là đời sống người dân nhiều xã còn nghèo, sự phát triển kinh tế, trình độ dân trí không đồng đều, nhất là vùng sâu vùng xa (như ở xã Phú Sơn, mới chỉ có 1/14 làng văn hoá), nguồn lực đầu tư từ xã hội hoá còn hạn chế. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể, các làng nghề truyền thống, các bản nhà sàn còn gặp khó khăn …
Tân Kỳ nỗ lực xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao
Đức Chuyên