Pháo Gatling 25mm được gắn lên cánh trái của chiến đấu cơ F-35A, cho phép phi công có thể "tấn công không đối đất hoặc không đối không", nguồn tin dẫn thông báo từ Lockheed Martin, đơn vị thiết kế F-35 cho biết.
Theo những thông tin ban đầu được công bố, GAU-22/A có tốc độ bắn lên đến 55 phát/giây, đạn rời nòng có vận tốc hơn 1 km/s. GAU-22/A được giấu phía trong phi cơ, đảm bảo F-35 giữ được khả năng tàng hình cho đến khi nó được kích hoạt.
Dù bắn với tốc độ kinh hoàng nhưng GAU-22/A trên F-35 đang là một chủ đề gây tranh cãi. Một số người lên tiếng chỉ trích do nó chỉ nạp được 181 viên đạn 20 mm, ít hơn so với súng GAU-8/A Avenger của chiến đấu cơ A-10 Thunderbolt với băng đạn 1.174 viên 30 mm.
Hiện nay, tính hiệu quả của GAU-22/A vẫn đang là chủ đề bàn cãi nhưng Mỹ đã phải bỏ ra số tiền lên tới 1 triệu USD cho mỗi khẩu pháo này.
Ngay từ năm 2012, Tập đoàn công nghiệp quốc phòng General Dynamics của Mỹ đã nhận được một hợp đồng trị giá gần 24 triệu USD để cung cấp 24 hệ thống pháo cực nhanh GAU-22/A cho chương trình phát triển tiêm kích F-35.
Việc sản xuất pháo GAU-22/A chỉ được bắt đầu trong năm 2012 (sau khi ký kết hợp đồng với chương trình phát triển F-35) tại một nhà máy của General Dynamics ở Saco, bang Maine.
Nhà máy này phải cần tới 400 nhân viên để vận hành dây truyền sản xuất. Chương trình quản lý và kỹ thuật sẽ được thực hiện ở Trung tâm Công nghệ Công ty General Dynamics. Ngoài ra, việc sản xuất pháo GAU-22/A còn được thực hiện bởi 450 nhân viên tại một nhà máy khác ở Marion, bang Ohio.
Vấn đề khẩu GAU-22/A có thể thua kém vũ khí tương tự trên máy bay thế hệ cũ A-10 được các chuyên gia Mỹ lý giải do nhiệm vụ của mỗi máy bay khác nhau nên đã có sự khác biệt.
Cụ thể, do A-10 được thiết kế đảm nhận nhiệm vụ chuyên tấn công mặt đất nên cơ số đạn pháo của chiến đấu cơ này sẽ rất lớn. Trong khi đó, F-35A đảm nhận nhiệm vụ là tiêm kích đa năng và đây chính là nguyên nhân khiến cơ số đạn của F-35A khá khiêm tốn, nguồn tin cho biết.
Một số hình ảnh F-35A tấn công mặt đất bằng khẩu 25mm