SU-100 là loại pháo tự hành diệt tăng ra đời trong giai đoạn cuối chiến tranh thế giới thứ hai, nó thực chất là bản nâng cấp của SU-85 thế hệ trước khi chúng cùng sử dụng khung gầm của xe tăng hạng trung T-34-85.

Vũ khí của SU-100 chỉ gồm duy nhất pháo nòng xoắn D-10S cỡ 100 mm (tương tự loại lắp trên xe tăng T-54/55), có thể xuyên giáp dày 125 mm để thẳng góc với mặt đất ở cự ly 2 km, xuyên thủng vỏ giáp nghiêng 85 mm của xe tăng Panther (Đức) ở cách 1,5 km.

Việt Nam nhận được từ Liên Xô một số lượng không xác định SU-100 vào giai đoạn giữa những năm 1960.

Tuy nhiên thành tích chiến đấu của SU-100 là cực kỳ ít ỏi, nhược điểm của nó là do không có tháp pháo nên muốn bắn các mục tiêu bên sườn sẽ yêu cầu phải xoay cả thân xe.

154709-1.jpgPháo chống tăng tự hành SU-100 của Việt Nam trong thành phần trực chiến của Hải quân đánh bộ.

Ngày nay pháo tự hành SU-100 vẫn còn trong biên chế Binh chủng tăng thiết giáp nhưng phần lớn là ở trạng thái niêm cất, bảo quản sẵn sàng chiến đấu.

Một số khác thì thuộc thành phần trực chiến của Hải quân đánh bộ, làm nhiệm vụ phòng thủ bờ biển.

Pháo D-10S mặc dù không đạt hiệu quả cao với xe tăng hiện đại nhưng vẫn có thể xuyên thủng giáp xe tăng hạng nhẹ, xe chiến đấu bộ binh, xe thiết giáp chở quân và các loại phương tiện khác.

Với phần tử bắn lấy sẵn, SU-100 sẽ khắc phục được nhược điểm không có tháp pháo, hơn nữa khi phòng thủ bờ biển thì đối tượng tác chiến của nó đều có vỏ giáp rất mỏng manh, không thể chịu nổi sức công phá của đạn 100 mm cho nên dự đoán còn rất lâu nữa SU-100 mới chính thức nhận sổ hưu.

Pháo tự hành diệt tăng SU-100 trong một cuộc diễn tập hiệp đồng binh chủng.

Tuy nhiên rất ít người biết rằng trong thập niên 1980, khi tình hình biên giới phía Bắc vẫn còn rất căng thẳng thì pháo tự hành SU-100 cũng là một trong những phương tiện được đưa lên tuyến đầu để làm nhiệm vụ phòng thủ.

Bức ảnh trên ghi lại pháo tự hành SU-100 của Lữ đoàn tăng thiết giáp 203 - Quân đoàn 2 trong một cuộc diễn tập hiệp đồng binh chủng giai đoạn thập niên 1980.

Tương tự như vai trò hiện tại trong Hải quân đánh bộ, đối với tác chiến phòng thủ địa hình rừng núi thì phương tiện này rất thích hợp cho lối đánh phục kích sẵn với phần tử bắn được lấy trước.

Đối tượng tác chiến của SU-100 tại biên giới phía Bắc thời điểm đó chủ yếu là xe tăng hạng nhẹ Type 62, nó cũng có vỏ giáp rất yếu và khẩu pháo D-10S hoàn toàn đủ sức xuyên thủng.