(Baonghean) - Tuyến phố mới hoành tráng làm sáng dậy một phía Đông Nam đô thị này rợp tán cổ thụ vỉa hè và tươi tắn hoa lá cây cảnh trong những bồn phân cách, tạo cho người phố niềm tin tưởng vào một con phố xanh đặc biệt của Thành phố Vinh. Đó là đường Lê Mao…
Hình hài phố lớn hiện đại thoạt đầu chỉ mới mấy trăm mét, thiết kế hai chiều với dải bồn phân cách rộng ở giữa của đường Lê Mao đã sớm tạo cho Vinh những địa danh mới vừa chứa đựng sự dẫn chỉ muôn vẻ về đời sống sinh hoạt của người Vinh, đó là ngã Năm và ngã Sáu (ví như cách người Vinh gọi nhau một thời: “dân ngã Năm, ngã Sáu”…).
Từ quãng khởi đầu mấy trăm mét như thế từ ngã Năm (Bưu điện tỉnh) nối sang ngã Sáu (cắt đường Trần Phú trùng Quốc lộ 1A chạy qua thành phố) và mở tiếp một đoạn thắt vào đường Ngô Đức Kế, nay đường Lê Mao đã được phóng tuyến đồng nhất xây dựng vươn dài vào Khu đô thị mới Vinh Tân với tổng chiều dài hơn 1 cây số. Đường nay mai không chỉ gợi lại một thời phố cũ thân thương, mà còn cho thấy những thời kỳ vươn tới khang trang hiện đại của Thành phố Vinh.
Khi những cây xà cừ chưa kịp khép tán trên vỉa hè quãng phố cũ, đường Lê Mao đã tự hào là phố có công trình hiện đại “thế hệ đầu” là Nhà văn hóa Lao động tỉnh phía mặt Đông với bao sự kiện văn hóa nghệ thuật, khánh tiết lớn nhỏ diễn ra ở đây. Bên mặt Tây là các công trình công sở đầu não của Thành phố, nên dù náo nhiệt, phố vẫn có vẻ trang nghiêm và được đón nhận sự trân trọng của người dân. Kế bên Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, là Nhà thi đấu thể thao của thành phố, cũng một thời hoạt động sôi nổi. Rồi khi bia hơi Vinh “bùng nổ”, thì khuôn viên hai “nhà” này thành những bãi bia nổi tiếng cho giới nghiền bia hơi chiều chiều tụ tập, và cũng chính ở đây đã thêm vào danh sách ẩm thực của Thành phố Vinh món mực “một nắng” đặc sản biển nhậu rất ăn ý với bia. Từ khi Công viên Trung tâm được xây dựng, các bãi bia giải tỏa, nhưng đã mở ra một góc mặt Đông đường không gian thoáng đãng, mời gọi. Những bồn phân cách hai làn đường tươi xanh hoa, cây cảnh không ngừng chỉnh trang, lại được các chương trình truyền hình văn nghệ chọn làm khung cảnh nền cho các ca sỹ biểu diễn đơn ca, tốp ca; các bạn trẻ chọn làm nơi chụp ảnh cưới…
Đoạn từ ngã Sáu “bắt” vào cắt đường Ngô Đức Kế, cũng một thời chưa xa là nơi tạo cho một món khoái khẩu dân dã “thương hiệu” mới: lòng nấu xáo. Thực phẩm tươi mà dân phố thời còn nhà nhà chăn nuôi lợn sạch, với chế biến dồi lòng theo cách quê nhiều rau thơm gia vị và lạc rang, thứ luộc, thứ nấu cháo khi được “canh tân” bằng một món mới là món xáo vốn du nhập từ ẩm thực phía Bắc vào, hút thực khách không kể sang hèn, nhiều người tạm rời các hàng “tiết canh lòng lợn” truyền thống về đây… Nhưng, có lẽ vừa do nhu cầu ẩm thực của người Vinh đổi khác? Hay do không còn cái hương vị “thực phẩm sạch” do thời chăn nuôi công nghiệp tăng trọng? mà các hàng xáo lòng Ngã Sáu teo tóp dần, rồi gần như mất hẳn thương hiệu. Bây giờ khi đang chờ đợi phố xá được trang hoàng diện mạo mới, vẫn còn đó các hàng cháo lươn, cơm, bún… bền bỉ hút khách bình dân.
Khi đường chưa được thực hiện phóng tuyến kéo dài theo quy hoạch giai đoạn 2 như bây giờ, trước những nhà dân chưa giải tỏa bám theo mặt phố Ngô Đức Kế chắn ngang hình thành nên cái chợ xép khá đông vui, bán rau quả sản vật từ ruộng vườn xã Vinh Tân cũ. Nhà cửa được giải tỏa rồi, đường được mở thì mấy bà, mấy chị hàng chợ còn bám trụ lại, bán mua nép vào các góc phố hai bên, không ngờ lại tạo ra được một nét phố giao thời cũ - mới thú vị. Cứ nghĩ, nếu nhà kiến thiết đô thị có chút lãng mạn, quy hoạch ở đây vài “vỉa” hàng chợ nho nhỏ, bán độc rau xanh và cá mú đồng quê, hẳn sẽ giúp Vinh có được một “trực quan” trong tương lai về câu chuyện làng lên phố. Ấy là vì, cả một quãng dài đường Lê Mao vươn vào khu đô thị mới hình hài hiện đại bây giờ, là mênh mông ruộng rau muống, lác đác lúa một vụ vốn là một nguồn sinh sống chính của “thị dân lội ruộng” Vinh Tân. Bốn phía Thành phố khi Vinh chưa lên đô thị loại 1, thì sự lắt lẻo của những ngõ trúc quanh co và thế đất chưa mưa đã ngập úng của miệt Vinh Tân như được bao kín những câu chuyện làng, chuyện xóm cách biệt với hướng mở của sầm uất phố thị.
Đường Lê Mao bây giờ được coi là huyết mạch gánh cả ý đồ mở mang thu hút đầu tư phát triển cả một vùng Đông Nam thành phố. Trên các ao thửa rau muống, ruộng lầy trước đây, đã hình thành các khu đô thị mới với những cao ốc, biệt thự với thăng hoa các ý tưởng kiến trúc. Mặt phố quãng mới dần hình thành nên dịch vụ phong phú, từ bàn nước chè đơn giản đến Siêu thị Bia Sài Gòn mới khai trương. Tốc độ xây dựng thời điểm này có phần chững lại, nhưng cứ dăm bữa nửa tháng quay qua quay lại với phố, lại thấy sáng lên một vài mái biệt thự mới, làm rõ thêm nét hiện đại khu đô thị đang còn ngổn ngang kiến thiết hạ tầng. Nhịp sống ở quãng phố mới có vẻ chậm nhưng quy củ, hứa hẹn sẽ điều chỉnh hướng tới một nếp sống đô thị văn minh bậc nhất của Thành phố trong tương lai. Nhưng, điều đáng nói, là khi việc xây dựng, chỉnh trang đường Lê Mao hoàn thành theo mô-tip khởi đầu, đây thực sự là một tuyến đường xanh quyến rũ của nội đô Vinh.
Bây giờ, nếu từ trên máy bay nhìn xuống, thấy đôi cầu Bến Thủy thông thương vào phía Nam, công trường cầu vượt Cửa Nam theo Quốc lộ 46 về phía Tây, tuyến đại lộ chạy ra sân bay Vinh, cửa ngõ Quốc lộ 1A chạy ra phía Bắc quãng Quán Bàu, Quán Bánh và đường Vinh – Cửa Lò xuôi xuống phía Đông… như những đôi cánh cho Thành phố bay lên; và, đường Lê Mao chính là xương sống nội đô tiếp sức cho những đôi cánh ấy vậy!
Lê Mao (còn gọi là Lê Viết Mao), sinh năm 1930 tại khu phố Đệ Thập - làng Yên Dũng Hạ (nay là phường Bến Thủy, TP. Vinh). Mồ côi cha khi mới 12 tuổi, Lê Mao phải bỏ học, sau đó trở thành công nhân Nhà máy Diêm Bến Thủy vào năm 14 tuổi. Ông sớm tham gia hoạt động cách mạng, từ năm 1925 đã trở thành hội viên Hội Phục Việt, phụ trách tiểu tổ của hội ở làng Yên Dũng Hạ và nhà máy… Năm 1930, ông tham gia Đảng Cộng sản Việt Nam, được chỉ định làm Bí thư chi bộ Nhà máy Diêm Bến Thuỷ, sau đó được bầu làm Bí thư Tỉnh bộ Vinh - Bến Thuỷ. Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Lê Mao là một trong số những người lãnh đạo biểu tình. Tháng 10/1930, ông tham dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất tại Hồng Kông và được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương. Tháng 3/1931, ông dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ hai tại Sài Gòn, trở thành Ủy viên chính thức Ban Chấp hành. Tiếp đó, ông được Trung ương phân công làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, chỉ đạo trực tiếp phong trào đấu tranh của công nông Nghệ - Tĩnh nhân Ngày Quốc tế Lao động năm 1931. Ngày 2/5/1931, trên đường công tác, Lê Mao bị quân lính (Pháp và tay sai) vây bắt và ông đã hy sinh trước mũi súng quân thù tại cầu cảng Bến Thủy. Khi đó ông mới 28 tuổi. Tên của Lê Mao được đặt cho một phường, một số trường học và một tuyến đường chính nội đô Vinh. |
Đình Sâm