(Baonghean) - Xóm Sơn Tiến (xã Thọ Hợp, Quỳ Hợp) được hợp nhất bởi làng Dũa và làng Sợi. Hai ngôi làng nhỏ nối với nhau bằng 1 cây cầu tre. Gọi là cầu, thực chất chỉ là những thanh tre ghép lại. Ấy vậy mà hàng chục năm nay, cầu là con đường chính phục vụ nhu cầu đi lại cho bà con nơi đây.
 
images977095_a2.jpgBất chấp tính mạng để qua cầu tạm.
 
Em Trương Thị Yến Nhi, học sinh lớp 1C, Trường Tiểu học Thọ Hợp cho hay: “Mỗi ngày, em phải đi qua chiếc cầu này 4 lần. Biết là nguy hiểm nên mỗi lần qua cầu xuống xe, dắt bộ thôi. Cách đây 1 năm, mẹ em gùi nước về nhà, do hôm ấy có nhiều người đi chở nước, cầu bị gãy, may không ai ảnh hưởng đến tính mạng!”. Còn anh Trương Văn Khoa (41 tuổi) với vẻ mặt âu lo: “Cứ mỗi mùa mưa về là cầu trôi, đợi nước rút bà con tìm tre nứa làm tạm cầu tạm để qua, có con đường nào khác nữa đâu?”.
 
Những lo lắng của anh Khoa, em Yến Nhi cũng là nỗi lo của cả xóm Sơn Tiến. Không lo lắng sao được khi nguyên liệu để làm cầu chủ yếu là tre. Mặt cầu được ghép lại từ nứa mét, đan vào nhau thành tấm phên nhỏ, giữa những phên nứa là những phên tre đặt ngang, ghép thành giá đỡ. “Chân cầu” là các cọc tre cắm xuống lòng sông. Cứ khoảng 1 m, người ta lại chống thêm 1 chiếc cọc tre dài, giữ cho cầu không bị đổ ngang. Cứ thế, cây cầu tre được kéo dài 70 m, rộng 1,2 m, hàng chục năm nay nối con đường ngắn nhất (chừng 5 km) từ làng Dũa ra tới trung tâm xã Thọ Sơn. Theo người dân cho biết thì hàng năm, rất nhiều trường hợp cả người lẫn xe và hàng hóa rơi xuống sông. Mỗi khi làng Dũa có đám tang hay cưới hỏi, cứ phải 3 - 4 người lần lượt qua cầu. 
 
Hiện nay, cầu tạm ở làng Dũa có nhiều cọc đã mục nát, mặt cầu thủng lỗ chỗ, tạo thành lỗ rộng 40 cm, nhìn xuống lòng sông. Mỗi ngày, cây cầu không chỉ phục vụ hàng trăm chuyến đi lại của người dân làng Dũa, mà còn có người dân ở các làng Sợi Trên, Sợi Dưới, xóm Đò,... xã Thọ Hợp. Rồi người dân các cụm C6, C7 của nông trường, đều chọn đi “đường tắt” qua cây cầu tạm này. Những ngày cầu trôi, hư hỏng nặng, chưa kịp khắc phục, hầu hết các gia đình phải sang bên kia sông cậy nhờ các gia đình bên ấy để gửi con đảm bảo việc học tập, chờ dựng lại cầu mới. Bác Trương Sông Hương (63 tuổi, ở làng Dũa) cho biết: Vào mùa lụt tháng 10 năm ngoái, chiếc cầu bị trôi chưa dựng lại được thì có 3 phụ huynh và 3 trẻ em chèo bè vượt sông tới lớp. Không ngờ tới giữa sông, do nước chảy xiết, bè đã bị lật khiến 6 người chới với giữa sông. Nghe tiếng kêu cứu, cả dân làng Dũa chạy ra cứu, may mắn đã cứu được. Nghĩ lại bác Hương vẫn còn thấy sợ.
 
Bác Trương Xuân Thanh - Bí thư xóm Sơn Tiến, chia sẻ: Làng Dũa có trên 50 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thổ. Dân làng làm nông nên đời sống còn nghèo. Nhưng dù nghèo mấy đi nữa, việc dựng cầu tạm với bà con là rất cần. Chính vì vậy, cứ một năm 7-8 lần dân làng Dũa lại huy động toàn bộ công sức và 1 hộ 6 cây mét, 1 cây gỗ nhỏ cho 1 lần dựng mới, chưa kể những lần sửa chữa. Ai cũng ao ước có một chiếc cầu treo qua sông lâu lắm rồi.
 
Ông Nguyễn Văn Trung - Chủ tịch UBND xã Thọ Hợp cho biết: “Chúng tôi rất thấu hiểu nỗi khổ của bà con làng Dũa, để nhân dân đi lại trên chiếc cầu như vậy chính quyền cũng không yên tâm!”. Về mùa mưa bão, nước sông dâng cao rất nguy hiểm, xã vẫn phải khuyến cáo rộng rãi bà con làng Dũa và các làng không được tự ý chèo bè, vượt sông qua làng. Thiệt thòi nhất vẫn là trẻ em không thể đến trường học?! 
 
Thu Hương