Điều tưởng như “nghịch lý” ấy nay lại “vận” vào ĐT Việt Namvà điều cần nói nhất là liệu ĐT Việt Nam có đi theo “vết xe đổ” đó nếu tiếp tục để đội bóng trượt dài những năm sau đó, như người Thái từng mắc phải trong suốt 3-4 năm qua?
Chắc chắn, cả ĐT Thái Lan lẫn ĐT Việt Nam khi đi tới vòng loại cuối cùng của World Cup đều mang trong mình tâm thế của một đội bóng muốn vươn tầm, muốn theo kịp các đội bóng hàng đầu châu lục, giành một chiếc vé quý giá, mang tính lịch sử khi lọt vào vòng chung kết World Cup. Và mặc dù đó là một nền bóng đá phát triển nhất khu vực (đào tạo trẻ, hệ thống sân bãi, giải quốc gia, cầu thủ giỏi ra nước ngoài thi đấu, gọi về tuyển nhiều cầu thủ nước ngoài gốc Thái…) thì ĐT Thái Lan vẫn 2 lần phải gánh chịu thất bại và hiện nay vẫn phải tìm vinh quang ở giải khu vực.
Trong khi đó, bóng đá Việt từ khi phát triển theo hướng chuyên nghiệp đã tiến bộ vượt bậc và nhanh chóng vươn lên hàng đầu khu vực. Nhưng cũng như Thái Lan, giấc mơ World Cup của chúng ta dù luôn cháy bỏng, dù có cơ hội như người Thái nhưng kết quả vẫn là không khác người Thái bao nhiêu, thậm chí có thể đạt thấp hơn mong muốn.
Vì thế, sau thất bại tại AFF Cup mới đây, nếu ai đó đổ lỗi cho việc tại sao ông Park Hang-seo lại dành hết tâm lực cho chiến dịch vòng loại thứ 3, để rồi khi về lại khu vực, tưởng như dễ dàng cho các cầu thủ mà hóa ra lại vô cùng khó khăn…thì người đó vừa không hiểu, vừa thiếu khát khao về một bước phát triển của bóng đá nước nhà. Tất nhiên, HLV Shin Tae-yong đưa các cầu thủ U23 Indonesia đi đá vòng loại thứ 2 giúp họ trưởng thành khi về sân chơi khu vực là một cách làm hay và đáng học tập. Nhưng nên nhớ, thời điểm đó, bóng đá Indonesia rối, nát như mớ bòng bong, không sử dụng cầu thủ trẻ thì còn ai vào đó nếu mong một bước đi chắc chắn, dài lâu?
Người Thái phải qua 2 lần thất bại khi đá vòng loại thứ 3 để biết con đường tới World Cup còn dài như thế nào và bước trượt sau đó, thay thế cả một loạt HLV ngoại hao công, tốn của để quyết giành lại vị thế số 1 khu vực như mọi người đang thấy. Rất có thể, bóng đá Việt sau thất bại tất yếu tại Vòng loại thứ 3 và AFF Cup mới đây, sẽ kịp “tỉnh giấc mơ” để biết mình phải làm lại từ đâu, thậm chí từ đầu.
Khi mới hội nhập trở lại khu vực, bóng đá Việt hầu như chỉ về nhì mỗi khi gặp người Thái, nguyên nhân cơ bản được coi là “sợ” đối thủ, nên nhiều khi thua trận từ khi chưa đá. Nhưng HLV Riedl từng thắng người Thái ở bán kết Tiger Cup 1996, HLV Calistor thắng ở AFF Cup 2008 và đến lượt HLV Park Hang-seo thắng tiếp sau 10 năm, ở AFF Cup 2018.
Vấn đề là ĐT Việt Nam không bảo vệ được thành quả, không vượt qua được “lời nguyền”? Vấn đề là, sau khi vượt qua nỗi sợ, sự át vía của người Thái bằng thực lực vốn có, bóng đá Việt một lần nữa lại thua cuộc trước đối thủ? Hai trận bán kết tại AFF Cup mới đây thậm chí còn cho thấy, khi chúng ta không run sợ, sẵn sàng chơi áp đặt, tấn công thì lại vô tình tạo cơ hội cho đối thủ phản công, đánh sập mọi toan tính vốn đã bị họ “bắt bài”!
Chắc chắn có nhiều điều sẽ được rút ra sau cả mùa giải 2021 bóng đá Việt trải qua, trong đó thất bại trước người Thái phải được xem xét kỹ lưỡng và cần kíp nhất. Có cả những việc làm cho lâu dài, lại có cả những việc làm trước mắt, nhất là việc tuyển chọn nhân tài cho đội tuyển, kế hoạch khả thi nhất cho AFF Cup 2022 vào dịp cuối năm tới. HLV Park Hang-seo chắc chắn phải thay đổi, phải làm mới mình sau những thành công và thất bại của ĐT Việt Nam, những thay đổi quan trọng của bóng đá khu vực nhìn từ ĐT Indonesia hay ĐT Singapore.
Nếu không, sự sụp đổ dây chuyền mà người Thái đã gặp phải trước đây sẽ “hỏi thăm” và “ám” vào chúng ta như một tất yếu, mà giờ đây, nhìn vào lứa U23 sẽ thi đấu ở Vòng chung kết U23 châu Á đã thấy điều gì đó gờn gợn, thua sút sơ với đàn anh rất nhiều?