(Baonghean.vn)- Trong mấy ngày nay, clip phỏng vấn với câu hỏi “hãy cho biết mối quan hệ giữa Quang Trung và Nguyễn Huệ” trong chương trình “Chuyển động 24 giờ” sau khi VTV1 phát sóng đã gây “bão” dư luận... 

Mà nó “bão” là phải, nhẽ ra phải “siêu bão” cơ, làm sao có thể là cơn gió thoảng qua khi 37 trên 40 học sinh trung học “đầu hàng vô điều kiện” với câu hỏi lịch sử khá dí dỏm nhưng kiến thức cực kỳ phổ thông này.

Ngoài những cái lắc đầu nguây nguẩy vì “khó quá” thì nhiều em còn táo bạo thể hiện trí tưởng tượng phong phú của mình khi phát biểu rằng “Họ là anh em ruột”, “Họ là bạn chiến đấu”, “Họ là cha con”, thậm chí còn có cả bạn còn  siêu tưởng rằng “ông Quang Trung chính là Nguyễn Du”! Định “cãi” nhưng không “cãi” được vì bạn này là học sinh của trường… Nguyễn Du cơ mà! Tôi may mắn (nói là may mắn không biết có chính xác không nữa) được xem chương trình này. Trùm lên tất cả là một cảm giác vừa ngỡ ngàng vì các cháu, vừa thương cho các cháu và vừa lo cho các cháu.

images1190842_quangtrung.jpgHình ảnh Quang Trung- Nguyễn Huệ trên một số sách, báo

Tôi không tin và có lẽ không thể xẩy ra tình huống các cháu này có vấn đề về trí tuệ. Tôi  cảm giác, nếu phóng viên hỏi các cháu một câu về ca sĩ xứ Hàn thì phần trả lời gần như chắc chắn là vanh vách, ít nhất cũng không bao giờ là thảm họa như câu hỏi về Quang Trung - Nguyễn Huệ nhà ta. Tôi cũng nghĩ rằng, với độ tuổi này, lại là học sinh Thủ đô hẳn hoi chắc chắn các cháu không thể không biết lướt web, không thể không biết tra google, thậm chí là có thể các cháu rất giỏi tiếng Anh…

Tuy nhiên thật tiếc, thật buồn, thật đau nhưng cũng thật cần thiết khi đấy lại là một vấn đề về lịch sử. Câu hỏi này chỉ như hành động vén lên bức mành yếu ớt đang cố che đậy một thực trạng đáng báo động về kiến thức lịch sử trong lớp trẻ, chủ nhân tương lai của nước nhà.  Câu chuyện học sinh khước từ môn thi Lịch sử đã có lần được người ta “lý luận” rằng: “Không thi môn Sử không có nghĩa là không yêu lịch sử”. Một sự lý giải đầy trấn an? Dư luận lúc ấy đành “ngậm bồ hòn” để chờ đợi những đổi thay. Nhưng, rồi ngày qua ngày, tháng qua tháng, thời gian cứ trôi mà tình trạng “60 cán bộ coi một thí  sinh môn Sử” vẫn hiện nguyên hình trong kỳ thi “hai trong một” năm 2015 vừa qua.

Victor Hugo từng nói: “Lịch sử là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ”. Thật buồn, thật thảng thốt khi “tiếng vọng” ấy, “ánh phản chiếu” ấy lại được lớp trẻ nhận thức mơ hồ như thế kia. Đấy là điều không thể không lo ngại. Nhưng, đáng lo ngại hơn là thực trạng quá ngược chiều với lạc quan ấy vẫn bị người ta đối xử như là bình thường.

Giáo viên lịch sử vẫn lên lớp với những trang giáo án được thiết kế từ không biết mấy mươi năm về trước. Sách dạy lịch sử vẫn ung dung in bài về đất nước Cu Ba theo số liệu cách đây 13 năm. Danh sách học sinh giỏi môn Lịch sử vẫn là nơi thống kê những em thuộc lòng sự kiện và nhớ làu làu ngày tháng năm của sự kiện ấy! Nhàm chán và cũ kỹ, đơn điệu và rập khuôn là những gì mà giáo trình môn Lịch sử đang “nỗ lực”. 

Thú thực, khi xem cái clip phỏng vấn các cháu học sinh kia, tôi vẫn thấy áy náy khi nhà đài cận ảnh hình ảnh. Có lẽ những cháu này, cả cô giáo các cháu nữa, khi xem lại chương trình sẽ không tránh khỏi cảm xúc… ngượng. Thiết nghĩ, lỗi nào đâu hoàn toàn thuộc về các cháu. Lỗi một phần, mà lại là phần lớn thuộc về chúng ta đấy chứ.

Bao giờ thì mới có một sự đổi thay thực sự? Bao giờ thì học sinh tự tìm hiểu kiến thức lịch sử bằng chính sự yêu thích của mình trong một tinh thần hứng thú? Năm nào chúng ta cũng kêu gọi đổi mới, sách giáo khoa thì năm cũng tái bản mà kiến thức, mà cách truyền thụ kiến thức vẫn “kiên định vững vàng” như đã mấy mươi năm. Đừng trách các cháu, đừng cười các cháu, nếu có thể xin hãy tự trách, tự cười “người lớn” đi đã.

Nguyễn Khắc An