(Baonghean) - Dày đặc và và vô cùng ngổn ngang là những gì mà một bộ phận truyền thông và mạng xã hội đã đưa tin về vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở Bình Phước những ngày vừa qua. 
 
Nỗi đau thì có lẽ khỏi phải bàn nữa, cũng không một ngôn ngữ nào đủ khả năng miêu tả về điều ấy. Tuy nhiên cách mà người ta đưa tin, làm tin lại là một chuyện khác. Ngày nào cũng như ngày nào, cứ mở mắt lên mạng là gặp ngay “Vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước…”. Nào là “Người giúp việc nói gì?” nào là “Dấu vân tay tố cáo ai?”. Rồi thì “Hé lộ tình tiết mới từ những công nhân bị đuổi việc” cho đến “Cuộc gọi bí ẩn trong đêm khuya…”.  Thậm chí còn có cả sự thống kê “những con số 7 đáng sợ trong vụ án” và quan tâm cả “Chữ L lộn ngược của cánh cổng nhà nạn nhân” cộng “Hạn tuổi bốn chín” hay “Giấc mơ kỳ lạ phác họa chân dung kẻ thủ ác…” nữa… Tài thật! “Nhanh nhạy” thật! Hàng chục, hàng trăm cách đưa tin xô người đọc ngã vào ma trận của những nhận định, phán đoán mà không ít trong số ấy rất mang màu sắc… lạ lùng.
 
Không hề khoan nhượng trước bất kỳ một cơ hội thông tin nào, họ “pót” (đưa lên mạng) tất cả những gì liên quan . Càng mới, càng “độc” càng hút người đọc càng được ưu tiên. Với độ nóng của sự việc thì dường như báo giấy bị đặt ra ngoài cuộc chơi. Một số thông tin trong bài viết còn giẫm lên nhau tíu tít. Khi thì lẫn lộn cháu với con, khi thì tuổi em nhiều hơn tuổi chị lại còn đoán mò “có tay trong hỗ trợ” nữa, chưa hết họ còn khèo cả “yếu tố nước ngoài” vào vì trong số lao động bị đuổi việc có cả người đến từ bên kia biên giới… Phải nói là một sự hỗn loạn về tình tiết được tạo nên bằng… trí tưởng tượng! 
images1191770_72ceb913.jpgẢnh minh họa: Internet
Khi thủ phạm chưa lộ diện họ thi nhau trình diễn kiến thức trinh thám, không ít người đòi “phá án” bằng… bàn phím! Khi bắt được hung thủ rồi thì họ lại cùng nhau trổ tài phản biện cơ quan điều tra, rồi trổ luôn tài luật sư thậm chí còn muốn làm cả tòa án… Chỉ có điều, khác với vụ án Lê Văn Luyện, lần này chưa thấy người ta chế bài hát, tức là chưa ai trổ tài… âm nhạc! (Lưu ý, hội họa thì có rồi nhé). Sôi nổi nhất có lẽ là trang của các “thầy” phong thủy! Tranh thủ lúc người ta chết, mấy người này hè nhau trổ tài… coi bói! Cũng may mà ban chuyên án đã tổ chức họp báo sớm chứ không biết đâu một số “nhà ngoại cảm” hay “dị nhân” gì đó lại tổ chức gọi hồn cũng nên. Cá nhân tôi hoàn toàn không đồng tình khi một số trang khai thác và đưa các thông tin về thân nhân của thủ phạm. Cần phải nhớ họ không phải là hung thủ, họ cũng là con người, họ cũng có nỗi đau. Không làm cho họ dịu nỗi đau thì cũng đừng xát muối lên nỗi đau ấy.
 
Trước hết phải thừa nhận một điều rằng mạng xã hội và một số diễn đàn bình luận đã trở thành nơi quá lý tưởng để người ta giãi bày và trút xả sự uất hận. Vụ án giết 6 người ở Bình Phước rõ ràng đã vượt quá xa khả năng hình dung cũng như sức chịu đựng của cảm xúc, bản năng xã hội của con người.  Cần có một nơi để người ta chia sẻ, người ta tâm sự, người ta tìm hiểu và người ta giải nén sự căm tức, đúng rồi. Việc cập nhật thông tin, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của người đọc là điều cần thiết, lại đúng nữa. 
 
Nhưng, đưa như thế nào, đưa đến mức nào, đưa vào lúc nào lại là không phải chuyện thích thế nào cũng được. Sứ mệnh của truyền thông chân chính là mang đến những thông tin chính xác, tích cực, có đạo đức, có nhân văn, có bản lĩnh, có trách nhiệm, có định hướng giáo dục chứ không phải tranh thủ dụ người đọc bằng những tình tiết ly kỳ của tội ác. Choán hết, áp đảo hết những thông tin quan trọng khác không phải là cách để chúng ta triệt tiêu cái ác, ít nhất cũng trong vụ việc đáng tiếc này. Thiết nghĩ, nếu không có khả năng kiềm chế, rất có thể dẫn đến việc suy diễn vấn đề theo cảm tính rồi vô hình trung gián tiếp tạo sức ép của dư luận lên các cơ quan hữu trách. 
 
Vụ án đau lòng đã xảy ra, đấy là điều không một ai trong chúng ta mong muốn. Người chết cũng đã về với thế giới bên kia, người ở lại cần thời gian và sự sẻ chia để nỗi đau vơi dần. Chúng ta vẫn phải sống, phía trước vẫn là ước mơ về một xã hội không có nỗi đau, không có kẻ thủ ác. Nhưng, để có được điều đó, thì có lẽ trước hết bên lề nỗi đau phải là sự yêu thương.
 
Nguyễn Khắc An