(Baonghean) - Suy cho cùng, vỏ bọc hào nhoáng nào cũng không thể giấu giếm được sự thật chưa hoàn hảo.
Vừa rồi mình có chuyến du lịch ngắn ngày đến một trong những điểm du lịch nổi tiếng của cả nước. Ở đây quanh năm thu hút đông đảo khách trong nước và quốc tế nhờ những nét đặc trưng được quảng bá hết sức hấp dẫn.
Buổi tối đầu tiên, đoàn mình dạo chơi chợ đêm và thưởng thức ẩm thực địa phương - được hướng dẫn viên du lịch quảng cáo là “không thể bỏ qua”. Vừa đặt chân vào khu chợ sầm uất, cả đoàn đã ồ lên thích thú trước những thức đồ tươi sống được bày biện phong phú, hấp dẫn.
Mùi thức ăn được chế biến tại chỗ, tiếng bát đũa leng keng, tiếng xuýt xoa của những thực khách đang say sưa tận hưởng món ngon nóng hổi khiến bụng ai nấy đói cồn cào. Cả đoàn xúm lại lựa chọn kỹ lưỡng các thức đồ sống trước khi yên vị trong quán, nhấm nháp vài chén rượu địa phương để “khai thông” vị giác.
Thế mà hỡi ôi, khi thức ăn được dọn ra thì cả bàn nhìn nhau ngơ ngác: rõ ràng thứ mực mà bọn mình chọn là mực sim, lớn vừa đủ để khi hấp hoặc nướng nguyên con sẽ săn lại vừa một gắp đũa. Ấy thế mà đĩa mực dọn ra trước mắt lại là loại mực lớn đã được cắt thành khoanh. Thất vọng nhân đôi khi món cá được mang lên - đầu đũa vừa lách vào đã thấy thịt cá bở, vụn, rất khó để gắp được một gắp gọn gàng.
Theo kinh nghiệm của một “tay” sành ăn trong đoàn thì đây là dấu hiệu cho thấy cá không tươi nên thịt cá không săn chắc, mùi vị không ngọt đậm đà. Hoá đơn thanh toán bữa ăn cũng khiến cả đoàn tá hoả vì đắt gấp đôi các điểm du lịch thông thường.
Kết thúc chuyến đi với nhiều ấn tượng khó quên - ấn tượng về cảnh quan tươi đẹp và những nét văn hoá bản địa đặc sắc nhưng cũng có cả những ấn tượng không mấy tích cực về chất lượng dịch vụ. Thực ra dịch vụ của điểm du lịch đó không quá tệ, nhưng so với những kỳ vọng của mình trước khi trực tiếp trải nghiệm thì lại “một trời một vực”.
Một mặt, điều đó cho thấy bài toán truyền thông, quảng bá đã được chú trọng và giải quyết một cách thành công, bởi tạo được cho du khách tâm lý háo hức, muốn đi, muốn trải nghiệm. Thế nhưng, làm sao để sự tò mò, hiếu kỳ đó được thoả mãn một cách trọn vẹn và tích cực - mới là bài toán khó cho các địa phương làm du lịch.
Trong trường hợp của mình thì sự thất vọng đến từ cảm giác bị “xỏ mũi”: thử tưởng tượng mà xem, bạn vốn dĩ hoàn toàn có thể vui vẻ ăn một bát phở bình thường, trong một quán ăn bình thường và với cái giá bình thường.
Nhưng cũng bát phở bình thường ấy - thậm chí có thể đã bị ăn bớt mất một vài thành phần như gia vị dấm ớt hoặc quẩy - được quảng cáo rầm rộ và phục vụ trong một cửa hàng gắn biển “Gia truyền…”, với mức giá trên trời. Không phải vị giác của bạn đột ngột thay đổi hay bạn là người khó tính, nhỏ mọn - ai cũng thế thôi, một khi kỳ vọng quá vào điều gì thì độ chênh với hiện thực sẽ khiến người ta dễ “sốc”, dễ hụt hẫng.
Sự chân thật và thô mộc có thể không phải là tiêu chí hàng đầu của một tấm poster, một đoạn phim quảng cáo hay một bài báo tuyên truyền, quảng bá cho một thương hiệu, sản phẩm nào đó. Đối với những khách hàng giàu tính hiếu kỳ, những hình ảnh bắt mắt và những lời giới thiệu có cánh tất nhiên luôn đem đến hiệu ứng ban đầu tích cực. Nhưng nối tiếp sau đó là gì?
Sự hài lòng, thoả mãn trọn vẹn của du khách khi được sống thật, trải nghiệm thật những kỳ vọng, mộng tưởng trước đó hay sự thất vọng, hụt hẫng, thậm chí là phẫn nộ và lời hẹn “một đi không trở lại”? Suy cho cùng, vỏ bọc hào nhoáng nào cũng không thể giấu giếm được sự thật chưa hoàn hảo.
Hải Triều