Chiều 13/3, trong khuôn khổ chương trình thăm và làm việc tại huyện Kỳ Sơn, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác làm việc với lãnh đạo huyện Kỳ Sơn.
bna_quang_canh_buoi_lam_viec_anh_dao_tuan3817614_1332019.jpgQuang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Đào Tuấn
Báo cáo của huyện Kỳ Sơn tại cuộc làm việc cho biết: Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 của huyện đạt 6,9%, thu ngân sách trên địa bàn đạt 20.382,7 tỷ đồng, bình quân thu nhập 21 triệu đồng/người/năm.

Ngoài cơ cấu các mùa vụ nông nghiệp truyền thống, huyện Kỳ Sơn tập trung chỉ đạo đưa vào trồng đại trà các giống lúa lai chất lượng cao như: Japonica, lúa nếp N97, lúa thuần Thiên ưu 8 và lúa nếp BT 52 đạt năng suất 58 tạ/ha. Các cây, con đặc sản chủ lực là: khoai sọ, bí xanh, dưa Mông, gừng, bo bo, lợn đen, gà đen… Chăn nuôi gia súc tiếp tục phát triển. Tổng đàn bò hơn 38.600 con (trung bình mỗi hộ có 3-4 con trâu, bò); mô hình bò vỗ béo hàng hóa tại các xã Nậm Cắn, Huồi Tụ, Mường Lống, Na Ngoi cho thu nhập cao.

Kỳ Sơn là một trong số các huyện nghèo, khó khăn nhất của cả nước; diện tích tự nhiên 209.484 ha, chiếm 12,69% diện tích tự nhiên của toàn tỉnh; đường biên giới dài 203,409 km.

Kỳ Sơn có tầm quan trọng chiến lược về quốc phòng - an ninh và là cửa ngõ phía Tây của tỉnh. Trên địa bàn huyện có cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, nhiều đường tiểu ngạch qua biên giới và 52 km đường QL7A chạy qua, là lợi thế trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với các huyện miền xuôi cũng như nước bạn Lào. Toàn huyện có 21 xã, thị trấn (20 xã được hưởng Chương trình 135 và Nghị quyết 30a của Chính phủ), trong đó có 11 xã biên giới; dân số78.860 người, trong đó: Dân tộc Khơ mú chiếm 36,4%; dân tộc Mông chiếm 33,4%; dân tộc Thái chiếm 26,1%; dân tộc Kinh và Hoa chiếm 4,1%. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện hiện nay chiếm 50,9%.

 

Đồng chí Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Đào Tuấn
Những đề xuất "cấp bách" của Kỳ Sơn
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo huyện Kỳ Sơn đề nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ khắc phục các điểm sạt lở và các khu vực nguy cơ sạt lở cao tại các xã Mỹ Lý, Mường Ải, Mường Típ và thị trấn Mường Xén; quan tâm bố trí kinh phí sửa chữa đường tuần tra biên giới Việt - Lào bị sạt lở nhiều điểm sau các đợt mưa bão vừa qua; có giải pháp đẩy nhanh công tác khảo sát, thi công đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền (chủ đầu tư là Sở Giao thông Vận tải) khi  dự án này tiến độ chậm, kéo dài thời gian đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân các xã Mường Típ, Mường Ải.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn kiến nghị lãnh đạo tỉnh một số cơ chế chính sách hỗ trợ địa phương. Ảnh: Đào Tuấn
Bên cạnh đó, huyện Kỳ Sơn cũng đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh cho chủ trương, bố trí kinh phí chuyển Trường Tiểu học và Trường Mầm non thị trấn Mường Xén sang vị trí mới tại Trường Dạy nghề, Trường THCS thị trấn đảm bảo an toàn cho các em học sinh và thầy cô giáo khi mùa mưa lũ đến, vì vị trí hiện tại của 2 trường (Tiểu học và Mầm non thị trấn Mường Xén) vị trí rất thấp, hầu như năm nào cũng bị ngập lụt.
Đồng chí Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, hướng đi đúng đắn nhất để Kỳ Sơn bứt phá là phát triển, nhân rộng vùng trồng dược liệu. Ảnh: Đào Tuấn
Phát triển cây, con đặc sản; đảm bảo hạ tầng giao thông 
Phát biểu tại cuộc làm việc, các đại biểu ghi nhận những nỗ lực của huyện Kỳ Sơn trong điều kiện đây là địa phương khó khăn nhất Nghệ An. Huyện đã xây dựng được một số mô hình kinh tế mới, góp phần thay đổi tư duy sản xuất cho người dân.
Theo Giám đốc Sở KH&CN Trần Quốc Thành, với tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù, địa bàn huyện Kỳ Sơn rất phù hợp để phát triển các loại cây, con đặc sản, nhất là dược liệu. Thực tế, hiện nay tại các xã Na Ngoi, Mường Lống với sự quan tâm của ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh, doanh nghiệp và địa phương, mô hình các loại cây dược liệu tiếp tục được mở rộng, sắp tới sẽ nhân rộng ra để các hộ dân tham gia.
Liên quan đến vấn đề phát triển hạ tầng giao thông, đại diện Sở GTVT cho biết, Sở sẽ phối hợp với địa phương để xây dựng các cây cầu bắc qua sông Nậm Nơn để mở rộng thị trấn Mường Xén về phía Bắc. Đồng chí Hoàng Phú Hiền - Giám đốc Sở GTVT cũng đề nghị UBND tỉnh có cơ chế, hỗ trợ kinh phí để thông tuyến một số tuyến giao thông bị sạt lở, ách tắc tại Kỳ Sơn. Đối với tuyến giao thông Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền, Giám đốc Sở GTVT cho biết, hiện nay Trung ương mới giao được 40 tỷ đồng nên Sở chỉ mới triển khai được một gói thầu, tới đây sẽ tiến hành rải nhựa 7 km. Sở GTVT cũng cố gắng tìm các nguồn khác để đầu tư khắc phục.
Giám đốc Sở GTVT Hoàng Phú Hiền phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đào Tuấn
Các đại biểu cũng thống nhất sẽ nghiên cứu để có cơ chế hỗ trợ huyện Kỳ Sơn chuyển địa điểm Trường Mầm non và Tiểu học Kỳ Sơn sang vị trí mới do thường xuyên bị ngập lụt (chuyển tới Trung tâm dạy nghề sau khi trung tâm này sáp nhập với Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện). Đại biểu cũng đề xuất một số phương án nhằm khắc phục điểm sạt lở tại khối 4, thị trấn Mường Xén, trong đó lưu ý huyện Kỳ Sơn nghiên cứu đưa vào Chương trình 30a để có nguồn vốn kịp thời giải quyết.
Ngoài ra, các vấn đề phát triển kinh tế gắn với bảo vệ phát triển rừng, quy hoạch, giao khoán rừng, xem xét, đánh giá lại quỹ đất sản xuất để đảm bảo đời sống cho nhân dân cũng được các đại biểu đề xuất với huyện Kỳ Sơn.
 
Định vị tiềm năng lợi thế để phát triển; chú trọng dân sinh
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của huyện Kỳ Sơn trong công tác phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, bảo vệ rừng; chia sẻ với những khó khăn của huyện Kỳ Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện cần đánh giá lại một cách tổng thể và khoa học về những chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra để lấy làm cơ sở đó nỗ lực tìm giải pháp tiếp tục thực hiện.
Định vị lại tiềm năng, lợi thế của huyện để tìm giải pháp phát triển kinh tế. Đó là xác định những cây, con đặc sản của địa phương để có hướng đi phù hợp. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Kỳ Sơn cần nhìn nhận một cách khoa học về việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn. Tập trung quy hoạch tổng thể và chi tiết để xác định vùng trồng từng loại cây dược liệu khác nhau. Phối hợp chặt chẽ với Sở KH&CN để triển khai các chương trình phát triển dược liệu, nâng từ mô hình thành đại trà, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý biểu dương huyện Kỳ Sơn về những nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Ảnh: Đào Tuấn
Về quốc phòng - an ninh nên có cơ chế phối hợp chặt chẽ của lực lượng vũ trang trên địa bàn. Tiếp tục phát huy quy chế phối hợp bản - bản giữa huyện Kỳ Sơn và các huyện của nước bạn Lào.
Huyện tiếp tục rà soát lại các loại rừng để cơ quan chức năng tiến hành điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch, qua đó tạo quỹ đất sản xuất cho nhân dân. Bên cạnh đó, nâng cao sinh kế cho nhân dân bằng việc tận dụng phát triển mô hình kinh tế dưới tán rừng. 
Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn Đảng bộ, chính quyền, MTTQ huyện Kỳ Sơn tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị, chuẩn bị nhân lực cho Đại hội Đảng bộ các cấp sắp tới.
Bản biên giới Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An) nằm cách Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn khoảng 10 km. Ảnh : Sách Nguyễn
Các đề xuất của huyện Kỳ Sơn về vấn đề di dân khẩn cấp ra khỏi vùng ngập lụt, sạt lở tại các xã: Mường Típ, Mường Ải, Mỹ Lý và thị trấn Mường Xén, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý khẳng định đây là vấn đề cấp bách, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh nên thống nhất với huyện là xây dựng khu định cư tạm thời, đề phòng khi xảy ra sự cố sẽ di dời dân ngay.

Về sửa chữa đường tuần tra biên giới Việt -  Lào bị sạt lở, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện làm báo cáo chi tiết, trên cơ sở đó UBND tỉnh sẽ đề xuất với Quân khu 4 và  xin ý kiến của Bộ Quốc phòng.

Đồng tình và cho chủ trương chuyển Trường Tiểu học thị trấn Mường Xén, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện phải có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong đó ghi rõ đây là nội dung cấp bách, đồng thời đề xuất các phương án về kinh phí thực hiện di dời...

Nhiều nội dung khác cũng được Chủ tịch UBND tỉnh giải đáp, trả lời.