(Baonghean) Chia tay Đội cắm mốc số 1, chúng tôi tìm về bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương để tham gia đoàn khảo sát mốc 428 của Đội cắm mốc số 2. Khát khao một lần được đứng lên đỉnh Trường Sơn - lần theo dấu ông cha xưa, cộng thêm hào hứng khám phá cái hay, cái lạ, khiến càng thêm quyết tâm. Có đi mới thấy những cái vất vả, khó khăn của những người đi xác định, tôn tạo mốc đường biên...
-->> Xem Bài 1: Dựng mốc trên đầu 3 con thác
Đón chúng tôi tại Đồn Biên phòng 551 nơi trú chân của đơn vị cắm mốc, Trung tá Phan Thanh Hồng, Đội trưởng Đội Cắm mốc số 2 bày tỏ niềm vui mừng khi được báo chí quan tâm đến công việc của anh em nhưng cũng lấy làm lo lắng, e sợ thay là phóng viên không đi nổi. Theo anh Hồng, mốc 428 mà đội chuẩn bị xuất phát đi khảo sát này được đánh giá là khó khăn “kinh hoàng”, dân địa phương có đi săn cũng chưa đến điểm mốc. Mốc này nằm trên đỉnh Trường Sơn, ở độ cao 1.822m so với mặt nước biển, được dựng từ những năm 1980 – 1981, sau đó được bàn giao cho biên phòng quản lý; vì không có đường đi cố định nên mỗi lần tuần tra từ đồn đến đây cũng phải mất 16 ngày; lâu lâu mới có thể đến kiểm tra mốc một lần trong khi cây cối mọc lên rất nhanh nên có thời gian anh em đồn không tìm thấy nên báo về Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh là mất mốc. Phải đến năm 1990 – 1991, tổ công tác vào tìm, xác định lại mới thấy. Trong 4 ngày từ 26-30/9/2012, Đội đã hành quân dò được nửa đường đến mốc 428 thì phải quay trở lại do trời chuyển mưa quá to, nước thượng nguồn đổ về nhiều không thể đi tiếp. Và khi chúng tôi đến đây, cũng là lúc Đội Cắm mốc số 2 vừa nghỉ ngơi một ngày, chuẩn bị sẵn sàng hành trình chinh phục.
Đội cắm mốc số 2 đang xác định vị trí của một cột mốc trên vùng biên Việt-Lào.
Giữa buổi chiều, 3 chiếc ô tô bán tải chở 18 người dân chạy ù về đổ quân về Đồn. Hỏi mới biết, đó là những dân công được đội cắm mốc thuê để khênh vác đồ đạc, lương thực chuẩn bị cho chuyến đi song phương tìm đường ngắn nhất vận chuyển tôn tạo mốc lần này. Chuyến này đi tính cả dân công, đoàn liên ngành, song phương Lào-Việt nữa cũng là 40 người, phải dự trù thật sát để tiết kiệm; thừa ra thì việc vận chuyển nặng nhọc, thiếu thì lại phải khai thác thực phẩm tại chỗ rau, măng vừa khổ anh em vừa không đảm bảo sức khỏe để đi… Ngoài trời đang đổ mưa, Đội trưởng Phan Thanh Hồng ngồi bần thần – Mai đường trơn trượt lắm đây!
7 giờ sáng, trời đã hửng nắng nhưng đường lầy lội; mưa rừng hôm trước khiến đất núi cứng rắn thế cũng nhũn ra, sụt lún níu giày dép người đi. Cả đoàn chúng tôi xuất phát rồng rắn, lần lượt chống gậy tiếp bước nhau. Hành trang đã gọn nhẹ hết mức có thể ngoài 2 bộ quần áo và chăn màn nhưng mới chỉ leo dốc chưa đầy tiếng đã thấy ba lô sau lưng vướng víu, nặng nề. Khát khô cổ nhấp vài ngụm nước, chân không muốn nhấc, chỉ tự có thể động viên mình ngày đầu như thế, sau dần chắc sẽ quen…10 giờ 30, cả đoàn lên đỉnh dốc, tạm nghỉ một chút để ăn cơm nắm nấu buổi sáng cho buổi trưa.
Lên dốc đã khó, xuống dốc lại càng vất vả muôn phần; chỉ cần trượt một bước chân là rơi xuống triền núi mà chắc rằng thân thể khó có thể nào nguyên vẹn. Chân leo dốc đã đau nên xuống dốc phải càng thêm rón rén. Hạ dần độ cao, xuống hết ngọn núi thì vừa đúng 14 giờ chiều. Đội trưởng Hồng hạ lệnh toàn đoàn dựng lán bên khe suối nghỉ ngơi – ngày sau đi tiếp; bởi nếu tiếp tục hành trình thì không kịp tới chỗ có nước. Lán tạm bợ trải lá rừng, chèo chống mấy cành cây, phía trên phủ bạt. Đến đây thì không còn sóng điện thoại nữa rồi...
Ngày thứ hai đi được hơn một giờ thì hết đường dân sinh. Từ đây muốn đi nữa là phải mở đường mở lối, đoạn thung lũng điểm giữa 2 núi thì phải vừa đi vừa phát cây, đoạn dốc lên thì phải bám vào đá. Ngày thứ ba, thứ tư, cả đoàn cứ men theo Khe Thơi để tiến về cột mốc, hết nhảy chuyền từ tảng đá này sang tảng đá khác, nhiều đoạn phải bám vào vách đá để đi; có lúc hết đường lại xếp áo quần hành trang lội. Chiều thứ tư, khi gần đến điểm nghỉ, trời bất ngờ tặng cho cơn mưa rừng xối xả thế là người, tất cả áo quần và một phần lương thực ướt cả.
Mưa ngày một nặng thêm, nước ào vào lán khiến anh em đội phải chạy đi tìm nứa để chặt làm sạp cho khỏi ướt nhưng khổ nhất là nấu cơm - Dưới là nước chảy, củi tìm được cũng ướt nhèm. Tuy nhiên, anh Phạm Thế Vang, quê huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định với kinh nghiệm đi rừng của mình đã bình thản kiếm 2 gốc cây to để nối lên trên, bên dưới cứ chồng nhiều lớp củi, ở giữa đốt lốp xe, sợi dù ni lông; cháy mãi củi trên mới khô bén lửa. 21 giờ đêm mới có cơm, nhưng cơm nửa sống nửa choẹt y như nấu mà không đậy vung vậy. Nấu được từng ấy đã khó, mọi người bảo nhau ráng ăn - thứ gạo nửa sống nửa chín ấy ăn kèm cùng cá khô, thịt hộp quả thật khó nuốt vô cùng.
Bây giờ đang độ cuối mùa mưa đầu mùa khô, mưa bất chợt mà nắng cũng gắt không ngờ; ngày thứ năm, mọi người dìu đỡ nhau đi. Điểm nghỉ của đoàn mà người dẫn đường đã tính toán nằm ở bên phần đất Lào, bởi phần đất Việt không có đường đi và không có nước sinh hoạt. Công tác cảnh giác lại được đề cao hơn bao giờ hết. Trong tâm trạng phấp phỏm âu lo thì chuyện trượt ngã, vấp dập mấy cái móng chân đã là thường xuyên. Khi lên núi chỉ độ 500m, xuống lại tụt gần 700m rồi lại lên 600m. Con đường thực tế phải đi dài hơn 50km tới mốc sắp đến đích. Nhưng đêm đó cả đoàn phải nghỉ lại ở đất Lào… Đi khảo sát, giám sát, vận chuyển trong mùa mưa khổ là thế nhưng mùa khô lại càng khổ hơn. Ráo một tý mù hóa mưa, mùa khô sương mù dày đặc, người đi trước đi sát nhau mà không thấy nhau. Đói thì có thể chịu được nhưng khát có thể chết người. Đội phó Hà cho hay: Lắm lúc còn không đủ nước nấu cơm thì nói gì đến canh và tắm rửa; bát ăn xong muốn sạch thì chỉ có thể lấy lá cây chùi. Nhưng đi lâu mình cũng học được kinh nghiệm của bà con mà vận dụng chặt cây rừng giang, nứa lấy nước trong thân uống, kiếm chỗ đất có vẻ ướt cắm ống tre vào lâu lâu nhỏ từng giọt, hứng lấy, sáng ra cũng đầy bi đông. Song có nhiều lúc tìm mọi nơi rồi vẫn không có nước thì vũng lợn rừng đằm, anh em cũng phải lấy để uống, ăn.
Vượt suối cả ngày trời để vào khảo sát điểm mốc.
Mốc 428 hiện ra trên đỉnh Trường Sơn; xung quanh cây cối rậm rạp. Từ đây nhìn núi rừng trùng điệp, đất trời mênh mông càng cảm khái công lao những bậc tiền nhân mở nước và giữ nước. Bên này là huyện Viêng Thong, tỉnh Bôlykhămxay, bên này là đất Việt - một điểm nhỏ trên bản đồ mà "vạn dặm quê hương" là đây. Tại đây, trong 3 ngày liền đoàn khảo sát đã tiến hành đo đạc, vẽ bản đồ cũng như tiến hành các bước theo đúng quy trình… Con đường khảo sát, tôn tạo Mốc 428 với suy nghĩ của chúng tôi là con đường của máu và yêu thương. Đó là lúc trượt dốc phải bám vào những thân mây đầy gai; là vô vàn sên vắt, 10 cm trên thân thể có khi có 10 con vắt bám vào hút máu - lúc đầu còn có sức để gạt xuống, sau rồi mệt quá, vắt cắn vào no rớt xuống thì thôi; có những loại như vắt xanh cắn vào phải hai, ba ngày sau mới có thể cầm máu; Là những cú ngã trên rêu đá, đá sắc cắt vào da vào thịt. Nhưng vượt lên tất cả đỉnh núi cheo leo, hiểm trở, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sinh hoạt thiếu thốn đó, lực lượng cắm mốc vẫn nỗ lực thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, đó là xác định chủ quyền biên giới, không một ai thoái chí, sờn lòng. Trong khó khăn đã thấy tình đồng đội, tình anh em Việt-Lào càng thêm gắn bó, mật thiết - các thành viên trong đội, đoàn chung nhau nồi cơm chưa chín, quây quần bên đống lửa, tìm lá rừng nhai đắp vào vết thương cho nhau; anh Mai Văn Hoan, cán bộ kỹ thuật lấy sợi mây rừng kéo anh Xen-Đao (Huyện Đội Viêng Thong, người thấp 1m45) vượt qua khe sâu…
Xong chuyến khảo sát Mốc 428 này, nghỉ vài ngày, Đội Cắm mốc số 2 lại chia nhỏ lực lượng ra để đảm bảo vừa đơn phương vừa kết hợp đa phương, một nhóm chuyên đi giám sát xây dựng, nhóm khảo sát. Khảo sát đã là vậy nhưng để tôn tạo, xây dựng Mốc 428 lại là chuyện khó nhọc gấp bội lần, theo tính toán, nhanh cũng phải mất 3 tháng trời. Nhóm khảo sát sẽ đi tiếp Mốc 429 còn khó khăn hơn nữa vì có vị trí cao, độ dốc lớn lại không có đường mòn…
(còn nữa)
Đội cắm mốc số 2 được tách ra từ Đội cắm mốc số 1 vào năm 2010; việc thành lập một đội mới là nhằm để đẩy nhanh tiến độ tôn tạo, tăng dày các mốc trên đường biên giới Việt - Lào (phấn đấu đến năm 2014 sẽ hoàn thành toàn tuyến). Từ đó đến nay, hoạt động cắm mốc của đội diễn ra trên đoạn biên giới phía Nam Quốc lộ 7, từ mốc 424 đến mốc 462, tiếp giáp Nghệ An với tỉnh Bô ly khăm xay của nước bạn. Theo đánh giá của Cục Đo đạc Bản đồ, Bộ Tài nguyên Môi trường thì đoạn này chỉ dài 155 km/419 km đường biên Nghệ An và các tỉnh của Lào nhưng địa hình ở đây cực kỳ phức tạp và khó khăn nhất trong toàn tuyến 10 tỉnh có đường biên giáp Lào. Để đến được các mốc biên giới này, thông thường Đội cắm mốc số 2 phải hành trình vượt suối, băng rừng, qua những đỉnh núi cao từ 1.800 - 2.000m; cả đi lẫn về cũng mất trên 10 ngày... |