(Baonghean.vn) Những chiến sỹ biên phòng hôm nay không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ canh giữ biên cương và đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, mà đối với đồng bào vùng biên, họ còn là "bà đỡ" trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Có thể nói rằng, những bản làng nào in đậm dấu chân và thấm giọt mồ hôi của các chiến sỹ quân hàm xanh, nơi ấy cuộc sống đang từng ngày khởi sắc.
Chúng tôi từng ngược dòng sông Giăng lên với đồng bào dân tộc Đan Lai sinh sống trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Từ bao đời nay, người dân các bản Khe Búng, Cò Phạt (xã Môn Sơn, Con Cuông) chỉ quen sống dựa vào các sản vật của núi rừng nên cuộc sống luôn đói nghèo, khổ cực.
Hiện tại, cuộc sống của họ chưa thể nói là đã thoát khỏi đói nghèo nhưng rõ ràng bản làng đang ngày càng tươi sáng, nhận thức của người dân đang dần được nâng lên. Các chiến sỹ trạm kiểm soát Khe Búng thuộc Đồn Biên phòng Môn Sơn kể về những gian nan, vất vả từ hơn 2 năm trước, khi các anh vào đây làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xây dựng cơ sở, giúp bà con phát triển kinh tế- xã hội.
Niềm vui của bà con bản Khe Búng, xã Môn Sơn (Con Cuông) trong ngày khánh thành Trạm Y tế quân dân y kết hợp
Những khó khăn nơi rừng thiêng, nước độc không đáng ngại bằng các việc vận động bà con Đan Lai từ bỏ hủ tục lạc hậu, làm quen với việc canh tác, sản xuất. Không có cách nào khác là cầm tay chỉ việc và xây dựng các mô hình đem lại hiệu quả lớn để bà con làm theo. Vậy mà giờ đây bà con đã biết chăn nuôi lợn thịt, nuôi trâu bò để cày kéo và khai hoang ruộng, đưa nước về để trồng cây lúa.
Điều đáng nói hơn là đồng bào Đan Lai đã có bước tiến lớn về nhận thức và cách nghĩ, cách làm. Ngoài ra, cán bộ và chiến sỹ bộ đội biên phòng còn phối hợp với Báo Sài Gòn giải phóng xây dựng Trạm xá quân dân y kết hợp bản Búng trị giá 1 tỷ đồng từ chương trình "Nghĩa tình Trường Sơn". Từ đây, bà con có thể yên tâm mỗi khi đau ốm và những hủ tục lạc hậu trong khám chữa bệnh sẽ bị đẩy lùi.
Bên cạnh trạm y tế là công trình Trường Tiểu học bản Búng trị giá 2,5 tỷ đồng vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng do Tổng công ty Tài chính dầu khí tài trợ. Ngoài ra, còn có nhiều tổ chức, doanh nghiệp dành tặng cho bà con những suất quà có giá trị.
Thời gian gần đây, cuộc sống của bà con dân tộc Đan Lai ở bản Khe Bu, xã Châu Khê (Con Cuông) đã có những đổi thay đáng ghi nhận. Khoảng 3 năm lại nay, khi Đồn Biên phòng Châu Khê được thành lập và đứng chân trên địa bàn, người dân Khe Bu nhận được sự quan tâm đặc biệt trong việc xây dựng, phát triển kinh tế gia đình, từng bước nâng cao mức sống. Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Châu Khê đã đứng ra vay vốn giúp các gia đình ở bản Khe Bu phát triển chăn nuôi lợn.
Ban đầu các anh hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, làm chuồng trại và cách phòng chống dịch bệnh. Sau hơn 1 năm, các gia đình được vay vốn chăn nuôi đã bắt đầu có lãi. Các anh còn hỗ trợ một số loại giống cây trồng, giúp Chi hội Phụ nữ bản phát triển thêm 5 ha diện tích hoa màu. Ban chỉ huy đồn còn tích cực phối hợp với các tổ chức, đoàn thể vận động xây dựng nhà "Đại đoàn kết" cho những thương binh và cựu chiến binh nghèo trong bản. Nhờ đó, bộ mặt bản làng ngày càng khởi sắc. Trưởng bản Lê Văn Cảnh chia sẻ: "Từ khi Đồn biên phòng đóng chân ở bản, bà con nơi đây được nhờ các anh nhiều lắm. Nhờ các anh mà bản Khe Bu đang dần "sáng" lên...".
Đồng bào các dân tộc Thái, Mông và Khơ mú ở các bản làng vùng biên thuộc xã Nậm Cắn và Tà Cạ (Kỳ Sơn) mỗi khi nhắc đến cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đều bày tỏ niềm tin yêu và sự biết ơn. Bởi các anh đã có những việc làm thiết thực để giúp bà con ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.
Thời gian qua, cán bộ, chiến sỹ của đồn đã thực hiện xây dựng thùng tiết kiệm để hỗ trợ những gia đình thiếu đói. Các anh đã tự nguyện bớt các khoản chi tiêu hàng tháng, thậm chí là nhịn bữa sáng của ngày thứ Bảy và Chủ nhật để giúp đỡ đồng bào. Hiện tại, các anh đang thử nghiệm mô hình trồng hoa ly ở bản Trường Sơn và bản Tiền Tiêu (xã Nậm Cắn). Nếu mô hình này đem lại hiệu quả sẽ được nhân rộng và có thể là một hướng thoát nghèo cho đồng bào nơi vùng cao biên giới.