Đều đặn sau mỗi mùa thi, Cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" lại chọn ra 1 người vô địch để trao học bổng trị giá 35.000 USD sang Úc du học. 18 năm qua, 18 học sinh xuất sắc khắp mọi miền đất nước đã vinh dự nhận được học bổng này và đã trở thành sinh viên của các trường đại học lớn ở đất nước xứ chuột túi cách quê nhà mấy giờ bay. Các bạn đã chứng tỏ được bản lĩnh, trí tuệ của mình qua tinh thần chăm chỉ học hành, nghiên cứu và đã trở thành những tri thức trẻ, hoạt động trên nhiều lĩnh vực sau khi tốt nghiệp đại học, có người trở thành thạc sĩ, tiến sĩ, thành giảng viên ở các trường đại học …
Chỉ có điều là trong 18 quán quân ấy, chỉ có 2 bạn sau khi du học về nước, hầu hết những bạn còn lại sau khi tốt nghiệp đại học đã ở lại Úc để lập nghiệp. Điều này đã khiến không ít người hoang mang, dư luận cũng không ít lần đã tranh cãi trước việc quán quân Olympia sau khi du học xong nên ở lại hay quay về mang kiến thức học được, góp sức xây dựng quê hương. Thậm chí còn quy kết, xem đó là “không yêu nước” “không có trách nhiệm với quê hương”..!
Chuyện du học sinh Việt Nam ra nước ngoài và không trở về không phải bây giờ mới được đặt ra. Và cũng không phải chỉ trường hợp các nhà vô địch leo núi trong Cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" đi du học không trở về mới trở thành đề tài bàn tán. Có chăng là vì các bạn đi du học bằng học bổng từ vị trí vô địch một cuộc chơi trí thức là sự khẳng định vị trí của những “hạt gạo trên sàng”. Sự ra đi của các bạn, vì thế được xem là tình trạng “chảy máu chất xám”.
Đó cũng là lý do tại sao mấy ngày nay, nhà vô địch Olympia thứ 19 Trần Thế Trung - học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu lại nhận nhiều “ý kiến” của các anh hùng bàn phím trên mạng xã hội, họ xâu chuỗi các sự kiện, tiếp tục hoài nghi khả năng “một đi không trở lại” khi nhà leo núi thứ 19 của xứ Nghệ đi du học.
Vậy, liệu có phải cứ nhất thiết phải trở về quê hương làm việc sau khi du học thì các bạn mới thực sự là người có trách nhiệm như nhiều người nghĩ!
Phải thừa nhận rằng, được học tập nên người, được làm việc tại quê nhà, sống gần gia đình, người thân, mang trí thức của mình học tập được góp sức xây dụng quê hương, đất nước là điều ai cũng hằng mong muốn. Nhưng khát vọng vươn tới đỉnh cao, vươn tới những chân trời mới để được thỏa mãn ước mơ, hoài bão cũng là điều đáng trân trọng của tuổi trẻ. Vì vậy, thiết nghĩ cần phải công bằng với các bạn trẻ khi họ chọn cách ở lại những đất nước phát triển, nơi có trình độ khoa học, kỹ thuật cũng như môi trường giáo dục tốt hơn, có nhiều cơ hội hơn để học hỏi và trau dồi tri thức, kinh nghiệm cho quá trình lập thân, lập nghiệp của mình sau này.
Yêu nước và trách nhiệm với quê hương mỗi người có một cách thể hiện khác nhau. Ở lại quê hương là tốt với nhiều người, nhưng không có nghĩa là tốt với tất cả mọi người. Nhất là với những sinh viên giỏi, những sinh viên được học tập những ngành, lĩnh vực mới. Về nước, nếu không có điều kiện, môi trường làm việc tốt, không có cơ hội để tài năng phát triển, liệu điều đó có thực sự là sự lựa chọn tốt nhất!
Bởi đâu phải ai đi du học trở về nước cũng có điều kiện thi thố tài năng, có đất để dụng võ. Ngay cả 2 nhà vô địch Olympia về nước làm việc là Lê Viết Hà (Quảng Ngãi) và Lương Phương Thảo (Vĩnh Long), cũng mỗi người một vẻ. Lê Viết Hà có một chỗ dựa vững chắc từ gia đình để có thể bắt đầu sự nghiệp của mình (bố là Chủ tịch tỉnh và hiện là Bí thư Tỉnh ủy). Còn Lương Phương Thảo thì chỉ đơn giản là vì “nghe lời bố mẹ, muốn con gái làm việc gần nhà”. Mà Phương Thảo cũng chẳng về quê, bạn chọn một công ty quảng cáo ở TP. Hồ Chí Minh làm nơi lập nghiệp.
Thực tế cho thấy, đã có nhiều người đi du học, sau khi thành đạt cả kiến thức, kinh nghiệm cũng như tiềm lực tài chính, họ sẽ trở về đóng góp cho sự phát triển của đất nước bằng nhiều cách khác nhau. Vì vậy, không nên đánh đồng chuyện du học sinh trở về hay ở lại nước ngoài với chuyện yêu nước hay không. Bởi một khi lòng đã hướng về Tổ quốc, thì dù ở đâu, những nhân tài này cũng có thể đóng góp công sức, trí tuệ của mình.