Công tác phòng, chống dịch Covid-19 đợt 4 ở nước ta đang vào thời kỳ cao điểm. Với việc cùng lúc xuất hiện nhiều biến thể mới, tốc độ lây lan mạnh hơn, thời gian ủ bệnh ngắn hơn, SARS-nCoV-2 đang cho thấy tính chất nguy hiểm của nó đối với cộng đồng. Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và rất khó lường, theo các chuyên gia y tế, chỉ có vaccine phòng Covid-19 mới đưa cuộc sống trở lại bình thường, hiệu quả phòng, chống dịch mới được nâng cao.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phòng, chống dịch giai đoạn hiện nay được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn các giải pháp cấp báchphòng, chống dịch Covid-19 (29/5) là thực hiện chiến lược vaccine. Người đứng đầu Chính phủ đã “mở toang” cánh cửa để tiếp cận nguồn vaccine ngừa virus nCoV-2 khi nhấn mạnh rằng, phải sử dụng tất cả các khả năng để mua vaccine. Để có nguồn vaccine, Thủ tướng cho rằng phải dùng mọi biện pháp như: thông qua ngoại giao, doanh nghiệp, Chính phủ, người dân, các biện pháp khác... Cùng với đó là đẩy nhanh hoàn thành nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước.
Cùng với tìm cách tiếp cận vaccine phòng Covid-19, Thủ tướng cũng lưu ý việc mua công nghệ sản xuất vaccine từ nước ngoài, và giao cho các đơn vị liên quan “bằng mọi biện pháp phải có công nghệ”...
Ở một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay, số liều vaccine được chấp thuận nhập về Việt Nam thông qua đàm phán là 110 triệu liều, dự kiến sẽ được cung ứng trong năm 2021. Bộ Y tế đang tích cực đàm phán để đảm bảo mua đủ 150 triệu liều vaccine phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á ký hợp đồng mua vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca. Việt Nam cũng là 1 trong 92 quốc gia được COVAX facility hỗ trợ tới 38,9 triệu liều vaccine. Mới đây, Bộ Y tế cũng đàm phán, ký thỏa thuận với Pfrizer để mua 30 triệu liều vaccine...
Để đảm bảo an ninh vaccine, một trong những vấn đề rất quan trọng đó chính là đảm bảo nguồn tài chính. Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Quỹ vaccine.
Quỹ vaccine phòng Covid-19 có chức năng quản lý, điều phối các nguồn lực tài chính của quỹ để tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19.
Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.
Theo thống kê của Bộ Y tế đến nay đã có 19 tập đoàn, các đơn vị khối ngân hàng, các tổng công ty, công ty, doanh nghiệp hỗ trợ tài chính cho Quỹ vaccine với tổng số tiền gồm: 470 tỷ đồng; 1 triệu USD và 5 triệu liều vaccine Covid-19.
Như vậy, có thể thấy, quan điểm phòng, chống dịch ở thời điểm này đã có một số thay đổi so với trước đây. Nếu như giai đoạn đầu, khi chưa có vaccine phòng dịch thì chủ trương của Việt Nam là truy vết, khoanh vùng, giãn cách, cách ly, dập dịch, chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, khuyến cáo thực hiện các biện pháp phòng dịch... Thời điểm này, tinh thần, biện pháp phòng, chống dịch vẫn không thay đổi, tuy nhiên, Chính phủ chú trọng hơn vào việc tiếp cận nguồn vaccine phòng Covid-19 để tiêm chủng cho người dân.
Với sự vào cuộc chủ động, tích cực, hiệu quả của Đảng và Nhà nước, công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 cho thấy hướng đi đúng. Cộng hưởng với Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch, rất nhiều người dân có nguyện vọng được tự mình đóng góp tiền để mua vaccine. Nghĩa là mong muốn Chính phủ thực hiện chính sách xã hội hóa trong việc mua vaccine phòng Covid-19. Rất nhiều người dân cho rằng, mỗi người tự góp số tiền để mua đủ liều tiêm vaccine cho mình, mỗi gia đình đóng góp tiền mua vaccine cho các thành viên thì sẽ giảm được gánh nặng về tài chính cho đất nước.
Theo tính toán, mỗi liều vaccine có giá trên dưới 20 USD, tương đương khoảng 450.000 đồng. Số tiền này không phải là quá cao đối với cá nhân nhưng sẽ là rất lớn nếu là 100 triệu người, và việc người dân tham gia xã hội hóa sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế. Chính phủ chỉ nên thực hiện tiêm vaccine không thu tiền đối với những đối tượng đang làm nhiệm vụ tuyến đầu chống dịch như: lực lượng Quân đội, Công an, cán bộ y tế và những người nghèo, người yếu thế trong xã hội... Và việc ưu tiên tiêm vaccine cũng nên theo thứ tự này. Các cơ quan, đơn vị hoặc sử dụng nguồn phúc lợi xã hội hoặc kêu gọi cán bộ, công nhân viên tham gia đóng góp để tiêm vaccine phòng, chống Covid-19.
Cũng theo nhiều người, mặc dù đến nay Chính phủ đã cho thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 với sự đóng góp của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, công ty... nhưng công tác phòng, chống đại dịch sẽ còn dài, vậy nên việc Chính phủ cho phép xã hội hóa mua vaccine cho mỗi cá nhân, từng tập thể cũng là thực tế lâu dài. Hoặc giả sử, nếu không xã hội hóa mua vaccine với mức 100% thì có thể thực hiện các mức như: 30-50 hoặc 70%.