Sáng 7/12, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp”. Tham gia hội thảo có các sở, ngành liên quan và nông dân là chủ các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, các công ty, doanh nghiệp liên kết sản xuất.
TOÀN TỈNH CÓ 23.186 HA CANH TÁC NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO
Để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ, những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ. Đồng thời, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành nhiều văn bản quy định các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp.
Theo báo cáo tại hội thảo của ngành Nông nghiệp, năm 2020 Nghệ An có tổng diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng CNC trên 23.186 ha, chiếm 7,65% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; Tổng đàn bò được nuôi ứng dụng công nghệ cao trên 69.640 con; Tổng đàn lợn được nuôi ứng dụng công nghệ cao là 158.405 con; Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao có 70 trang trại. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 25 doanh nghiệp và 29 hợp tác xã áp dụng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Thời gian qua, đã triển khai 134 mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có 116 mô hình về trồng trọt, 12 mô hình chăn nuôi, 6 mô hình về nuôi trồng thủy sản. Nguồn kinh phí đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tính đến năm 2020 là 41.512 tỷ đồng.
Đồng hành cùng nông dân trong ứng dụng CNC vào sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách hỗ trợ về ứng dụng CNC; Vận động nông dân dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất; chuyển đổi ý thức từ sản xuất nhỏ lẻ, cá nhân sang liên doanh, liên kết hợp tác trong sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị từ nuôi trồng, thu hoạch bảo quản và chế biến, kinh doanh; thực hiện có hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; thu hút các nguồn lực để tổ chức mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, tập huấn chuyển giao KHKT cho hội viên nông dân; tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nông dân được tiếp cận với các vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất nông nghiệp…
TĂNG CƯỜNG LIÊN KẾT, NÂNG SỨC CẠNH TRANH CHO NÔNG SẢN
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tại Nghệ An như: Sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh mới tập trung chủ yếu vào việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật ở từng khâu của quá trình sản xuất, mà chưa có nhiều sản phẩm ứng dụng CNC theo chuỗi giá trị sản phẩm, nên hiệu quả mang lại chưa cao, thiếu tính bền vững; việc xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC còn hạn chế; Sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn sạch, an toàn (GAP) được chú trọng, nhưng việc duy trì gặp nhiều khó khăn; Các khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn nhiều hạn chế, nhiều sản phẩm năng suất còn thấp, giá thành cao, chất lượng không ổn định, dẫn tới khả năng cạnh tranh kém; Số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nói chung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng còn ít; Nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế so với tổng mức đầu tư trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thủ tục hưởng ưu đãi từ các chính sách còn rườm rà.
Hội thảo cũng tập trung thảo luận, bàn các giải pháp để thực hiện có hiệu quả việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo các mục tiêu đề ra trong quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Nghệ An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư; rà soát, xây dựng danh mục các dự án, lĩnh vực cây, con chủ lực để thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư ứng dụng CNC liên kết với nông dân để tổ chức sản xuất nguyên liệu gắn với xây dựng các nhà máy chế biến.
Đặc biệt, phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phát triển sản phẩm hàng hóa có lợi thế của tỉnh. Nhất là các doanh nghiệp có năng lực tiếp cận công nghệ cao vào sản xuất. Song song với đó, cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; Tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho nông dân. Làm tốt công tác nhân rộng mô hình có hiệu quả vào sản xuất đại trà, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Mặt khác, hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông sản có lợi thế của tỉnh, bao gồm cả các sản phẩm OCOP./.