(Baonghean) - Cái ngày được Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Vũ - chủ đầu tư dự án Thủy điện Sông Quàng tuyển chọn đi học lớp vận hành máy, 30 thanh niên trẻ huyện Quế Phong rất vui vì tương lai sáng lạn đang mở ra trước mắt. Nhưng, sau gần 2 năm ăn học, chờ đợi đỏ mắt đến mấy năm ròng mà công việc chẳng thấy đâu. Đã vậy, hỏi xin nhận lại chứng chỉ nghề cũng chẳng được...

Lang Thanh Tùng, sinh năm 1986, nhà tại bản Kỉn Cắng, xã Quang Phong (huyện Quế Phong) là 1 trong 30 thanh niên huyện Quế Phong được Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Vũ chọn để đưa đi đào tạo. Tùng được học Khoa Vận hành máy thủy điện, Trường Cao đẳng Nghề Phú Châu (Hà Nội), lớp học mở năm 2007 và tốt nghiệp vào năm 2009. Nói về kinh phí ăn học, theo Lang Thanh Tùng, em cùng các bạn được Công ty tài trợ toàn bộ phần học phí, và hỗ trợ thêm 200.000 đồng tiền ăn/tháng. "Tuy nhiên, tiền ăn một bữa của bọn em hết 15.000 đồng, chưa kể nhà trọ và các chi phí khác, nên mỗi tháng gia đình cũng phải gửi thêm trên 2.000.000 đồng mới đủ để sinh hoạt" - Tùng nói.

Khi khóa học kết thúc, Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Vũ hẹn các em 2 tháng sau đến bố trí việc làm. Đúng hẹn, Tùng và 29 thanh niên khác đến gặp đại diện của Công ty thì được trả lời: Nhà máy chưa xong, chưa có việc gì làm nên cứ về nhà chờ, khi nào có việc công ty sẽ báo. Và, cứ như vậy liên tục mấy năm trời ròng rã không thấy công ty gọi đi làm. Quá mệt mỏi vì chờ đợi, khi Nhà máy Thủy điện Hủa Na và một số nhà máy thủy điện khác trên địa bàn bắt đầu đi vào hoạt động, Tùng tiếp tục liên hệ với công ty để xin lại hồ sơ, chứng chỉ học nghề với hy vọng tìm được việc làm đúng ngành mình đã học, nhưng người đại diện của công ty từ chối. Lý do được đưa ra là, Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Vũ đã bỏ kinh phí tổ chức đào tạo thì công ty có quyền giữ chứng chỉ nghề; nếu trả lại sẽ mất người, khi Nhà máy Thủy điện Sông Quàng đi vào hoạt động thì lấy đâu ra công nhân vận hành máy? 

Cùng học với Lang Thanh Tùng có Lô Văn Hiền, là con trai của ông Lô Văn Thành, nguyên Phó Chủ tịch HĐND huyện Quế Phong. Ông Thành cho biết, đã trực tiếp trao đổi với lãnh đạo Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Vũ nhưng họ không đồng ý trả chứng chỉ vì đã mất kinh phí đào tạo. Theo ông Thành, Dự án Thủy điện Sông Quàng hầu như không mất bao nhiêu kinh phí đền bù, vậy nhưng mãi không thực hiện đã cho thấy Công ty không có đủ năng lực tài chính, mà đã như vậy thì không nên giữ chứng chỉ nghề của các em. Không có việc làm, Lô Văn Hiền phải đi đào đãi vàng tận Quang Phong, Cắm Muộn.

Ông Nguyễn Minh Hoạt - Trưởng ban Dân vận huyện Quế Phong có con trai là Nguyễn Minh Dũng cũng theo học lớp vận hành máy. Hiện Nguyễn Minh Dũng đã học lấy bằng lái xe ô tô và xin vào Viện Kiểm sát huyện để lái xe. Theo ông Hoạt thì, việc tổ chức tuyển dụng 30 con em Quế Phong đi học có sự phối hợp của Công ty và các phòng LĐ-TB&XH, Nội vụ của huyện. Công ty có công đào tạo và họ thật sự có ý định sử dụng lao động cho Nhà máy Thủy điện Sông Quàng. Tuy nhiên công ty gặp khó khăn, chưa thực hiện được dự án nên đã ảnh hưởng đến tương lai của 30 lao động đã đào tạo. Tuy nhiên, Công ty nên có cam kết với rõ ràng với các cháu về việc sử dụng lao động và cho các cháu tham gia BHXH; hoặc phối hợp với các phòng chức năng của huyện tìm giải pháp hợp lý. Nếu không, có thể cho gia đình hoàn tiền học theo đúng quy định để các cháu được nhận lại chứng chỉ nghề".

Theo hồ sơ do Phòng Công thương huyện Quế Phong cung cấp, Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Vũ được cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 2711100000017 ngày 23/4/2007 cho Dự án Thủy điện Sông Quàng. Dự án được thực hiện trên diện tích khoảng 47,08 ha tại địa bàn các xã Châu Thôn, Tri Lễ, Nậm Nhoóng huyện Quế Phong với công suất 10,5 MW, tổng mức đầu tư là 215,32 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án trong 21 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

794899_small_96426.jpg

Công trường Dự án Thủy điện Sông Quàng tại khu vực bản Ná Pục, xã Châu Thôn (Quế Phong).



Nhà ở trên công trường cửa đóng then cài; máy đào, máy xúc lâu ngày không hoạt động.

Hiện nay, Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Vũ đang đề nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, trong đó tổng mức đầu tư được nâng lên là 398,728 tỷ đồng (vốn tự có là 31,7%). Tiến độ thực hiện đề nghị điều chỉnh: Tổng tiến độ thi công 68 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư; khởi công thi công công trình chính quý II/2008, hoàn thành dự án và kinh doanh điện năng từ quý IV/2013. Tìm hiểu thêm được biết, đây là lần thứ 4 chủ đầu tư Dự án Thủy điện Sông Quàng đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư.

Chúng tôi đã tìm đến khu vực công trường thực hiện Dự án Thủy điện Sông Quàng tại bản Ná Pục, xã Châu Thôn. Tại đây, ngoài một dãy nhà cấp 4 cửa đóng im lìm thì có thêm 3 cỗ máy xúc, máy đào mà nhìn lướt qua cũng xác định được là đã quá lâu rồi không hoạt động. Nhà điều hành dự án đóng ở thị tứ Châu Thôn cũng tình trạng tương tự, cửa đóng theo cài và không một bóng người lai vãng...

Thực tế, trong giai đoạn hiện nay có rất nhiều dự án đầu tư chung tình trạng đình trệ, hoặc triển khai nhỏ giọt, cầm chừng. Dự án Thủy điện Sông Quàng không phải là ngoại lệ. Vậy nhưng, dự án thủy điện "treo" dẫn đến "treo" luôn tương lai của 30 thanh niên trẻ là điều rất bất hợp lý. Chính quyền huyện Quế Phong cần phối hợp với nhà đầu tư sớm giải quyết vấn đề này.


Nhật Lân