Malaysia với lệnh kiểm soát gắt gao

Nguồn tin từ hãng thông tấn Bernama cũng cho hay, lệnh kiểm soát tại Malaysia - quốc gia có dân số hơn 31 triệu người, sẽ bắt đầu từ hôm nay (18/3) và kéo dài cho đến hết tháng 3, gồm một “sự hạn chế toàn diện đối với việc di chuyển và các cuộc tụ tập nơi công cộng”, bao hàm lệnh cấm mọi hoạt động tôn giáo, thể thao, xã hội và văn hóa.

image_3513714_1732020.jpgMột người dân bước ra khỏi Đền thờ Hồi giáo Seri Petaling tại Kuala Lumpur, Malaysia hôm 16/3. Ảnh: AP

Tất cả các nhà thờ và cơ sở kinh doanh sẽ phải đóng cửa, ngoại trừ siêu thị, chợ bán đồ tươi sống, cửa hàng lương thực và cửa hàng tiện lợi chuyên bày bán các nhu yếu phẩm hàng ngày. Hầu hết các trụ sở cơ quan chính phủ, ngoại trừ những đơn vị cung cấp các dịch vụ thiết yếu như nước sạch và điện, cũng sẽ phải đóng cửa tạm nghỉ. Trường phổ thông, đại học và các viện giáo dục khác sẽ phải tạm khóa cho tới hết tháng này. Thủ tướng Muhyiddin phát biểu: “Tôi kêu gọi mọi người luôn tuân thủ lệnh kiểm soát đi lại này. Đó là trách nhiệm chung mà các công dân như chúng ta phải thực thi nếu lo lắng cho gia đình, xã hội và đất nước”.

Philippines tự mình phong tỏa

Trong khi đó, tại Philippines, một nửa quốc gia này, tức khoảng 50 triệu người hiện đang trải qua một “quá trình cách ly cộng đồng tăng cường” trong nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của chủng virus mới.

Luzon, hòn đảo lớn nhất, đồng thời đông dân nhất của Philippines, nơi có Thủ đô Manila tọa lạc, đã thực sự bị phong tỏa. Mọi hoạt động giao thông công cộng đều bị ngừng lại, và cư dân nơi đây cho biết, họ chỉ có thể rời nhà để mua các vật phẩm cần thiết.

Cảnh sát đo thân nhiệt hành khách trên xe buýt ở điểm kiểm tra tại Manila, Philippines hôm 16/3. Ảnh: AP

Các văn phòng, trụ sở đều đã tạm dừng hoạt động, và chỉ còn siêu thị, cửa hàng tiện lợi, bệnh viện, phòng khám, cửa hàng dược, cùng ngân hàng, cũng như dịch vụ giao đồ ăn và trạm bơm nước là vẫn được phép mở cửa như thường lệ. Từ nửa đêm ngày 17/3 theo giờ địa phương, người dân có 72 giờ đồng hồ để rời hòn đảo Luzon nếu muốn, còn sau đó, mọi chuyến bay tới đảo này đều sẽ bị hạn chế. Cụ thể, ngoài hàng hóa, chỉ có công dân Philippines cùng vợ chồng, con cái, những người có hộ khẩu thường trú và những người có visa ngoại giao là sẽ tiếp tục được phép đến Luzon.

Để thực thi các biện pháp mới này, lực lượng cảnh sát hùng hậu lên đến 70.000 người sẽ được triển khai trên đảo Luzon, và bất cứ cá nhân nào vi phạm quy định cách ly đều sẽ phải đối diện với khả năng bị bắt giữ. Theo CNN, các đoạn băng ghi hình cho thấy hàng dài người đang nối đuôi nhau tại các điểm kiểm soát hải quan, các cơ quan chức năng kiểm tra thân nhiệt từ sáng 16/3 sau khi Manila bị liệt vào phạm vi cần cách ly cộng đồng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Philippines đã ghi nhận 140 ca nhiễm Covid-19 và 12 ca tử vong.

Ở nhiều nơi khác trong khu vực Đông Nam Á, các quốc gia cũng đang chuẩn bị để ngăn chặn lây nhiễm trên diện rộng. Phó Thủ tướng Thái Lan Wissanu Krea-ngam tuyên bố rằng, nội các của nước này sẽ nhóm họp để quyết định về việc thực thi các biện pháp hạn chế tập trung đông người nơi công cộng, đóng cửa trường học, các điểm thi đấu thể thao và võ đài Muay Thái. Được biết, những biện pháp này cũng bao gồm hủy bỏ lễ hội té nước mừng năm mới Songkran được tổ chức thường niên, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm đến tham gia vào các trận đấu té nước đông người, và cùng với đó là rất nhiều người dân Thái trở về quê nhà đón Tết.

Đo thân nhiệt du khách viếng thăm chùa Wat Pho tại Bangkok, Thái Lan hôm 13/3. Ảnh: Getty

Số ca nhiễm virus Corona tại quốc gia này đã “nhảy cóc” trong vài ngày trở lại đây sau nhiều tháng tăng chậm. Bộ Y tế Công cộng của Thái Lan đã thông báo 33 ca nhiễm mới hôm 16/3, con số trong 1 ngày nhiều nhất từ trước tới nay ở nước này, nâng tổng số ca nhiễm lên 143. Hầu hết các ca nhiễm mới đều nằm trong số những người tới tham dự các sự kiện võ thuật cổ truyền Muay Thái.

Nỗi lo về đợt bùng phát thứ hai

Theo Đại học Johns Hopkins, nơi theo dõi các ca bệnh mà WHO công bố cùng các nguồn tin bổ sung khác, chủng mới virus Corona đã lây nhiễm cho hơn 181.500 người và khiến 7.100 người trên toàn thế giới tử vong. Sự tiếp tục “tăng tốc” các ca nhiễm diễn ra trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới hối hả chạy đua để áp dụng các biện pháp khẩn cấp, hòng nỗ lực kiềm chế virus và thực thi các biện pháp kéo dãn khoảng cách trong xã hội, bao gồm phong tỏa toàn quốc, áp hạn chế đi lại và hải quan, đóng cửa trường học và lệnh cho nhà hàng, quán cà phê, quán bar dừng hoặc hạn chế phục vụ khách.

Thực tế là nỗi lo sợ đang tăng dần tại châu Á về khả năng xuất hiện đợt sóng lây nhiễm thứ hai, từ các ca bệnh “nhập khẩu” vào. Các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc đang chứng kiến số ca nhiễm ổn định trở lại những tuần gần đây, phần lớn là nhờ kết hợp giữa sự kiềm chế quyết liệt và các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội.

Phun khử trùng tại Công viên Hải Dương ở Jakarta, Indonesia hôm 14/3. Ảnh: AP

Hàng chục triệu người ở Trung Quốc đại lục và những nơi khác ở châu Á phải chịu điều chỉnh bởi nhiều quy định hạn chế khác nhau, khiến nhiều người không thể rời nhà, không thể đi làm hay đi học. Nhưng sự gia tăng các ca nhiễm liên quan đến việc đi lại với các nước bên ngoài đã dẫn tới những quan ngại rằng, tất cả những hy sinh kể trên có thể trở thành vô ích. Chính phủ các nước trong khu vực hiện đang tăng cường các biện pháp hạn chế đi lại và cách ly. Tất cả chỉ nhằm một mục đích, đó là ngăn không để dịch bùng phát quy mô lớn, không để những nỗ lực bấy lâu nay chợt trở thành “xôi hỏng bỏng không”!

Từ ngày 16/3, toàn bộ du khách nước ngoài tới Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc sẽ phải tới các cơ sở cách ly trong 14 ngày, tự chi trả chi phí. Giới chức Bắc Kinh trước đó từng yêu cầu tất cả hành khách từ nước ngoài đến đây phải tự cách ly, hoặc ở nhà, hoặc ở cơ sở cách ly tập trung trong 2 tuần lễ. Hong Kong đã hối thúc công dân tránh mọi chuyến đi không cần thiết tới Ireland, Anh và Mỹ. Ở Singapore, giới chức đã công bố thời gian tự cách ly 14 ngày bắt buộc với các du khách mới đến từ một số nước Đông Á, Thụy Sỹ và Anh.