(Baonghean) - Để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 về kinh tế biển, Diễn Châu đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên.
 

Là xã có nghề biển truyền thống nên Diễn Ngọc chọn kinh tế biển là ngành mũi nhọn. Các nhiệm vụ, giải pháp, chính sách để thúc đẩy kinh tế biển luôn xuyên suốt hàng năm và qua các kỳ đại hội của xã. Ông Đậu Xuân Thủy – Bí thư Đảng ủy xã Diễn Ngọc cho biết: Với mục tiêu tạo sự đột phá, phát triển toàn diện hơn nghề biển trong nhiệm kỳ mới, nên đảng bộ đã mạnh dạn đưa ra các chỉ tiêu cao và chỉ đạo xây dựng chương trình hành động tiến tới thực hiện tái cơ cấu kinh tế biển. Sau khi có chương trình hành động thì đã họp, triển khai cho 14 tổ nghề cá để ngư dân vào cuộc.

images1463835_7.jpgCá về cửa biển Lạch Vạn Diễn Ngọc - Diễn Châu.
Thực tế, tại Diễn Ngọc, trong 383 chiếc đội tàu công suất nhỏ thì có tới 320 tàu công suất dưới 90 CV khai thác vùng lộng. Chính quyền địa phương đã tích cực vận động bà con chuyển đổi phương tiện, thông qua việc thành lập 14 tổ nghề cá, xã vận động bà con liên kết với nhau cùng chung vốn để đóng tàu xa bờ. Mặt khác huy động các nguồn vốn tín dụng cho bà con vay đầu tư ngư cụ hiện đại, tích cực hỗ trợ để bà con tiếp cận được với nguồn vốn đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ. Nhờ đó trong năm 2015, bà con ở đây đã đóng mới được 12 tàu  xa bờ, trong đó có 3 tàu công suất trên 400 CV, nâng tàu công suất lớn của xã lên 75 chiếc, trong đó có 1 ngư dân được vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67. Nhờ phát triển được đội tàu xa bờ nên sản lượng khai thác năm 2015 đạt 13.800 tấn, tăng gần 1.000 tấn so với cùng kỳ. 
 
Cũng như Diễn Ngọc, kết quả lớn nhất của Nghị quyết Đảng ở Diễn Bích  trong phát triển kinh tế biển đó là giảm tàu công suất nhỏ, tăng tàu khai thác xa bờ. Chỉ trong 2 năm qua, bà con đã đóng mới được 30 tàu xa bờ, nâng số tàu công suất từ 90 CV trở lên của xã lên 95/289 tàu.
 
Ông Thạch Đình Nghĩa - Phó Bí thư Đảng ủy xã Diễn Bích chia sẻ: Cùng với phát triển khai thác, đảng bộ chúng tôi đưa ra các mục tiêu cụ thể cho phát triển nghề chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm đánh bắt. Xã tạo điều kiện về mặt bằng cho các cơ sở chế biến và thu hút các dự án, cơ sở sản xuất lớn đầu tư vào địa bàn. Trên 100 hộ dân chủ yếu tập trung tại làng nghề chế biến hải sản, ngoài sản xuất khoảng 2 triệu lít nước mắm, gần 8.000 tấn chượp  mỗi năm thì còn năng động đầu tư nhà xưởng, sản xuất đa dạng các mặt hàng khô như cá phi lê, tôm, mực phục vụ cho thị trường trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu.
 

Với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư ngành chế biến, tại 2 xã Diễn Bích và Diễn Ngọc đã có 4 nhà máy chế biến bột cá, công suất đạt 50 tấn/ngày, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Có 20 cơ sở có dây chuyền sản xuất khá hiện đại chuyên thu mua, chế biến hàng xuất khẩu với sản lượng khoảng 6.500 tấn/năm. 

Sản lượng khai thác năm 2015 tại Diễn Ngọc đạt 13.800 tấn, tăng gần 1.000 tấn so với cùng kỳ.

Năm 2015, Diễn Châu được UBND tỉnh công nhận 1 làng nghề đóng tàu. Với 9 xưởng đóng tàu, mỗi năm cho hạ thủy thành công từ 20 - 30 tàu có công suất từ 90 CV trở lên, có giá trị từ 500 đến trên 1 tỷ đồng, sửa chữa cho 400 - 500 tàu, giải quyết việc làm cho 230 lao động với mức thu nhập đạt 54 triệu đồng/người/năm. Ông Chẩm Văn Hùng - một chủ xưởng đóng tàu ở đây cho biết: Trước đây cơ sở chỉ đóng những tàu có công suất dưới 90 CV, tuy nhiên, thực hiện chủ trương phát triển tàu xa bờ của địa phương, và được Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An cấp phép, tôi đã mạnh dạn đầu tư, nâng cấp máy móc, thu hút những thợ trẻ có tay nghề cao và cả kỹ sư chuyên ngành đóng tàu về làm việc tại cơ sở. Xưởng của tôi đã đóng được những con tàu đến 400 CV. 

Cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, bà con ngư dân, Đảng bộ, chính quyền huyện Diễn Châu trong những năm qua luôn có nhiều chính sách ưu tiên cho phát triển kinh tế biển. Với việc tích cực thu hút đầu tư từ các dự án nên 8 xã vùng biển đã khép kín toàn bộ hệ thống đê biển với trên 25 km và 8 km đê cửa sông. Xây dựng khu tránh, trú bão cho tàu thuyền với quy mô 1.000 tàu thuyền neo đậu, bao gồm 117 trụ neo bê tông; nạo vét các vũng neo đậu, một số đoạn của lòng sông Bùng với tổng mức đầu tư 132 tỷ đồng. Nâng cấp cảng cá Lạch Vạn trên diện tích hơn 7.000m2 với tổng nguồn vốn 34 tỷ đồng. UBND huyện đã có cơ chế hỗ trợ 30 triệu đồng/tàu đóng mới 150 CV trở lên. Nhờ đó, hiện nay Diễn Châu có 1.440 tàu thuyền, trong đó có 150 tàu xa bờ, năm 2015 sản lượng khai thác toàn huyện đạt 31.000 tấn (tăng 2.000 tấn so với năm 2014), chế biến đạt 5 triệu lít nước mắm, thu nhập của ngư dân đã đạt tới 50 triệu đồng/năm.
 
Ông Phan Xuân Vinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 với mục tiêu đạt sản lượng khai thác 34.000 tấn/năm, UBND huyện đang tiến hành xây dựng đề án phát triển kinh tế biển, trong đó tập trung giảm dần các phương tiện khai thác vùng ven bờ. Chuyển dần từ tàu khai thác có công suất nhỏ làm nghề giã kéo hoạt động vùng lộng sang tàu có công suất 150 CV trở lên khai thác vùng khơi. Phấn đấu đến năm 2020 đóng được 45 tàu có công suất trên 400 CV. Huyện còn quy hoạch các cụm cơ khí đóng, sửa tàu thuyền, có chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực trang thiết bị và trình độ kỹ thuật, đảm bảo nhu cầu đóng, sửa tàu thuyền cho ngư dân. Xây dựng thành công thương hiệu chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm tôm nõn Diễn Châu, xây dựng thương hiệu tập thể đối với sản phẩm nước mắm Vạn Phần cho toàn vùng gồm các xã: Diễn Bích, Diễn Ngọc, Diễn Vạn và Diễn Kim.
Mai Giang