(Baonghean) - Chuyến điền dã kỳ thú đưa tôi miệt mài qua những miền đất dọc sông, thao thiết nghe tiếng hát dâng đời của những cư dân lao động tay cấy, tay cày. Qua những Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương... xe vượt lên mấy con dốc dài, chạm đất Anh Sơn, để rồi vấn vít với những điệu hát lời ca của con người dưới đỉnh Kim Nhan hùng vĩ này…
Ông Nguyễn Tất Thống (Xóm 5, xã Thạch Sơn) quả quyết, chất giọng của người Anh Sơn hát dân ca ví, giặm không thua kém gì những nơi được xem là “đất cổ” của ví, giặm. “Nói có sách...”, ông đằng hắng, nghiêm nghị ngồi xuống cây đàn bầu “gia bảo”, tấu lên khúc nhạc dạo đầu bài “Phụ tử tình thâm”, đoạn ngâm nga:
Phụ tử tình thâm
Công thầy rồi nghĩa mẹ
Đừng có tiếng tăm chi nặng lời
Đừng cả tiếng dài hơi
Nói mẹ cha sao nên
Nói mẹ thầy sao phải...
Chất giọng dày, trầm, ngón đàn điêu luyện day dứt đã khiến cho khúc hát đi vào lòng người đầy cảm xúc. Những nốt luyến, nhấn, những nhịp nghỉ, dồn hơi được người nghệ sỹ không chuyên ấy thể hiện một cách tự nhiên như những gì thốt ra tự tâm khảm, không hề có chút gượng ép nào. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, ông Thống cả cười, rằng “giọng đất Anh Sơn hát nghe nghiện ra rứa đó!”
Ông Nguyễn Tất Thống là chủ nhiệm CLB Dân ca xã Thạch Sơn, cái chức vụ ấy được bà con nhân dân xã nhà tin yêu “khoác” vào ông đã mấy năm nay, xuất phát từ sự thấu hiểu tình yêu của người đàn ông rắn rỏi ấy với điệu ví, giặm quê hương. Ông bảo, nói là yêu ví, giặm, nhưng kỳ thực, ông chưa bao giờ thử cắt nghĩa xem tình yêu ấy nó “tròn méo”, thế nào, chỉ biết rằng, thứ tình cảm ấy đã thấm đẫm trong ông từ thuở lên 10. “Đó là những năm 1967, 1968, cả xã nô nức phong trào vừa hát dân ca, vừa lao động sản xuất giỏi. Cha mẹ tui ngày ra đồng, đêm về bắc chõng tre ngoài sân, ới một tiếng là bà con xóm giềng xung quanh tụ lại đông vui, rồi chia “phe” hát dân ca. Cứ “phe” này đối, “phe” kia đáp, mãi đến khi trăng lên đỉnh sào mới vãn cuộc, luyến tiếc hẹn đêm mai...”- ông Thống trầm ngâm nhớ lại. Bấy giờ, cậu bé Nguyễn Tất Thống được giao nhiệm vụ “tiếp vận” nước nôi, mê nghe hát đến độ, nhiều hôm bần thần đánh rơi cả cốc chén, được mẹ cho vài trận đòn no. Tình yêu dân ca cứ lớn dần qua những mùa trăng thanh khiết, những buồn vui ấu thời, và như một lẽ tất yếu, chàng trai Nguyễn Tất Thống vào bộ đội, vừa đảm nhiệm vị trí huấn luyện, chiến đấu, vừa lãnh “vai” văn nghệ trong đơn vị.
Ấy cũng là thời điểm ông có những sáng tác đầu tay, những sáng tác mà ông tự nhận là còn bập bõm, chân phương, mới đảm bảo được nhu cầu chuyển tải thông tin, tuyên truyền chứ chưa giàu tính nghệ thuật ngôn từ. Sau này, khi xuất ngũ trở về địa phương, ăm ắp chân tình giữa lòng quê bình dị, ông mới thật sự nhận ra chất liệu dồi dào cho sáng tác dân ca chính là cuộc sống thường nhật lam lũ mà chất phác của người lao động quê nhà. Những tổ khúc về ngày mùa, về dòng Lam tắm mát thuở thiếu thời, về niềm tin vào vận hội ngày xuân... được bà con xã Thạch Sơn hồ hởi đón nhận, bởi lời ca, tiếng hát như đang cất lên tiếng lòng của họ.
Người dân xã Thạch Sơn nói riêng và huyện Anh Sơn nói chung, chưa bao giờ “nguội quên” với dân ca, vẫn còn mãi tin yêu dành cho điệu ví, giặm. Dẫu không còn những phường củi, phường nón năm xưa, nhưng tiếng hát vẫn rộn vang trên cánh đồng mùa gặt, trong những ngày đầu xuân, năm mới. “Mà không chỉ hát cho ngày vui, bọn tui còn hát tiễn đưa dịp buồn, lễ hiếu... Ví, giặm tài tình lắm, lúc mô cũng cất lên được, thấy thỏa lòng, thỏa dạ lắm!”- ông Nguyễn Tất Thống chia sẻ. Và ông nhiệt tình chỉ dẫn, chưa nói rộng ra toàn huyện, chỉ tính riêng xã Thạch Sơn, nhiều người không chỉ hát dân ca hay mà còn sáng tác, đặt lời mới cho các làn điệu cổ rất tốt.
Anh Bùi Đức Vinh - cán bộ văn hóa xã Thạch Sơn, tủm tỉm cười khi được hỏi về “tài lẻ” của mình. “Tui dừ nỏ nhớ nổi viết được mấy bài dân ca rồi, nói chung là cứ dịp lễ lạt, hội hè chi của xã cũng viết để phục vụ cho quần chúng nhân dân. Sáng tác nghiệp dư thôi, may mắn là tôi có nền tảng nhạc lý được học từ trong quân ngũ nên cũng đủ “vốn” để viết”- anh Vinh nhỏ nhẹ nói. Điều đáng quý ở những nhạc sỹ, ca sỹ không chuyên ở Anh Sơn như anh Vinh, ông Thống, là không chỉ trau chuốt cho năng khiếu của mình, họ còn say mê truyền dạy dân ca ví, giặm đến thế hệ trẻ trên địa bàn, những mong nối dòng dân ca ngọt ngào chảy mãi. Câu lạc bộ dân ca xã Thạch Sơn có 22 thành viên chủ chốt, trong đó chiếm 1/3 là các bạn trẻ đang học tập tại các trường THCS, THPT. Mỗi dịp nghỉ cuối tuần, một khoảnh sân nhỏ bé nào đó trong làng lại trở thành nơi hội tụ của các thành viên CLB. Ở đó, họ luyện cho nhau những nốt cao, truyền lại cách nén hơi, nhả chữ sao cho “ra” chất dân ca ví, giặm nhất.
Tình cờ, tôi được chứng kiến một buổi tập luyện mê say như thế. Những ca sỹ nghiệp dư vẫn còn nguyên vẻ mộc mạc của những người nông dân chân lấm, tay bùn, tươi vui cất lên những thanh âm dày dặn, khỏe khoắn của các điệu giặm về lao động, sản xuất. Lẫn trong tiếng hát, tiếng cười, nổi bật hai bạn gái nhỏ xinh say sưa “bắt” theo nhịp đàn bầu, nhịp trống. “Chị em nhà Na - Ánh đấy, thành viên chủ chốt của CLB, cũng là thành viên trẻ tuổi giành được nhiều giải cao nhất tại các liên hoan, hội diễn” - anh Bùi Đức Vinh giới thiệu.
Phan Nguyễn Lê Na và Phan Thị Ngọc Ánh, hai chị em con chú, con bác, năm nay cùng đương tuổi trăng rằm. Khuôn mặt sáng, ánh mắt cười thẹn thùng khi được hỏi đến, nhưng vẫn chân thành và dứt khoát niềm tin yêu dành cho khúc hát quê hương. Lê Na và Ngọc Ánh vừa giành được giải A cho tiết mục song ca tại Hội thi Dân ca ví, giặm cụm tổ chức tại huyện Thanh Chương, còn trước đó, bảng thành tích kéo dài với nào là Giải Nhất Liên hoan Dân ca ví, giặm tỉnh Nghệ An năm 2012, Giải B năm 2013... 15 tuổi nhưng đã có thâm niên hát ví, giặm 6,7 năm nay, hai chị em chia sẻ: “Chúng em may mắn được sinh ra trong gia đình, trong miền quê yêu dân ca. Ông nội em hát dân ca hay lắm, từ nhỏ đã dạy cho chị em em tập hát những bài như Thập ân phụ mẫu... Sau đó, chúng em gia nhập vào CLB, được bác Thống, chú Vinh dạy bảo thêm nhiều”. Mê đàn hát, chưa từ chối bất kỳ hội diễn nào, nhưng thành tích học tập của Lê Na và Ngọc Ánh thật đáng nể. Nhiều năm liền, hai em đạt học sinh giỏi cấp huyện, kết quả học hàng năm đều khá, tốt. Và ước mơ của chị em Na - Ánh, là sau này sẽ thi vào trường văn hóa nghệ thuật để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê với dân ca ví, giặm. “Nhiều người hỏi chúng em là còn trẻ, sao không hát nhạc trẻ mà cứ hát thứ nhạc “cổ lỗ sĩ” ấy. Em không thích hỏi thế đâu, vì dân ca không phải “cổ lỗ sĩ”, mà nó vẫn mang tính thời sự, đặc biệt, ngôn từ trong các bài dân ca giàu tính văn học. Chưa nghe thì thôi, nghe rồi chỉ có mê thôi ạ!”- Ngọc Ánh hóm hỉnh nói.
Và em cất tiếng hát... Vóc dáng nhỏ bé, gầy gò ngồi trên chiếc chiếu hoa rộng được trải giữa sân, đắm đuối với điệu ví, giặm giận, thương. Tôi nhìn em, nhìn những người nông dân tất tả lên chiếu hát chiều nay, đôi chân vẫn vương lấm bùn non ngày cấy mà rưng rưng niềm xúc động trước tình yêu bình dị mà cao cả họ dành cho khúc hát quê hương. Thì nào có kể gì “đất cổ”, “đất mới” của dân ca, hễ là người con của mảnh đất này, uống nước dòng Lam, ăn hạt gạo mây mẩy trắng thơm của bãi bờ xứ Nghệ, là chất dân ca đã quyện hòa vào hơi thở, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu bồi đắp cho cuộc sống thêm hương. Lại nhớ cái thống kê đầy tự hào của ông Nguyễn Sỹ Tưởng- Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Anh Sơn, rằng huyện hiện có 7 câu lạc bộ dân ca, hoạt động sôi nổi và đã đạt nhiều giải thưởng các cấp. Chưa kể đến lộ trình xây dựng đồng loạt CLB dân ca để “phủ sóng” quy mô toàn huyện, thì trong lòng nhân dân, dân ca ví, giặm luôn có sức sống mãnh liệt, trường tồn. “Dân ca đã trở thành mạch nguồn văn hóa, tạo nền tảng và động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội huyện nhà. Sau sự kiện ngày 31/1 lễ vinh danh Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tới đây, chúng tôi đang có kế hoạch tổ chức một đêm vinh danh dân ca quy mô cấp huyện. Bấy giờ, các câu lạc bộ sẽ tập trung về trung tâm thị trấn hát cho nhân dân nghe đến thỏa mới thôi”- ông Nguyễn Sỹ Tưởng bộc bạch.
Chiều đã vãn nắng tự bao giờ. Khoảnh sân nhỏ ở Thạch Sơn cũng đã lặng đi tiếng đàn, tiếng hát. Tôi quyến luyến cất lời tạm biệt bà con, xuôi về phố cho kịp chuyến xe cuối ngày. Lúc ngoái lại, thấy mờ xa sau những nhấp nhô mái ngói thân thương, nhánh lên sắc vàng rực rỡ trên đỉnh Kim Nhan. Truyền thuyết kể rằng, người may mắn thấy được quầng sáng huyền diệu uốn lượn hình rồng ấy sẽ cảm thấy lòng như thoát tục và được chúc phúc đến muôn đời... Những câu chuyện về mạch nguồn truyền thống, về tình yêu đời đời dành cho điệu ví, giặm thân thương, mà điều đó, còn thiêng liêng và tuyệt vời, chẳng thua mọi truyền thuyết!
Phương Chi - Thu Hương