(Baonghean) - Ngày 12/12/2014, Bộ văn hóa thể thao và du lịch có quyết định số 4106/QĐ-BVHTT&DL xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia - Đền thờ Nguyên tổ Họ Hồ Việt Nam, Trạng nguyên Hồ Hưng Dật - thần thành hoàng; thờ các Vua Hồ và các bậc tiên liệt họ Hồ Việt Nam. Đây là sự ghi nhận của nhà nước và xã hội đối với những người có công với dân, với nước; với một công trình có giá trị lớn về đời sống văn hóa tâm linh, lịch sử và nghệ thuật kiến trúc.

images1124128_le_te_t__ho_ho__qu_nh_luu___nh_s__minh.jpgLễ tế tổ họ Hồ (Quỳnh Lưu). Ảnh: Sỹ Minh
 
Năm Quý Mùi 1403, Vua Hồ Hán Thương vâng lệnh Thái Thượng Hoàng Hồ Quý Ly xây dựng đền tại thôn Bào Đột (xưa) nay là xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu thờ Nguyên tổ họ Hồ Việt Nam – Trạng nguyên Hồ Hưng Dật. Ngài là người Bách Việt ở Chiết Giang thời Ngũ đại, còn gọi là Ngũ Quý Hậu Hán Ân Đế, là nho thần về nước ta thời hậu Ngô làm quan Thái thú Châu Diễn (nay là các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nghĩa Đàn). Đến thời nước ta gặp loạn mười hai sứ quân, ngài lui về làm trại chủ Hương Bào Đột. Cuộc đời ngài là tấm gương sáng về đức cao vọng trọng khi ở chốn quan trường, cũng như lúc lui về làm thường dân. Ngài luôn tỏ rõ tâm niệm và di huấn lại cho cháu con là “Vạn đại vi dân”, nghĩa là muôn đời vì dân, muôn đời làm dân. Vì vậy, khi ngài qua đời, nhân dân trong vùng tôn thờ ngài là Thần Thành Hoàng và rước các vua Hồ về cùng phối tế tại đền, nên quen gọi là đền vua Hồ. 
 
Đền tọa lạc trên vùng đất của dãy núi Y Sảo, thế long ngai vững chắc, bên phải là Hòn Rồng, bên trái là Hòn Rết và núi Ngọc. Trải qua thời gian và thăng trầm thế sự, đền vua Hồ dần trở thành phế tích. Với tâm nguyện và ý thức thành kính tri ân tiên tổ, con cháu họ Hồ Việt Nam đã chung sức, chung lòng quyết tâm phục dựng lại linh từ của dòng họ. Sau gần 4 năm xây dựng, đền vua Hồ, từ đường của họ Hồ Việt Nam cơ bản được phục dựng theo quy hoạch. 
 
Trong không gian quy hoạch hơn 150 ha được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 2697/QĐUB ngày 10/6/2009, đến nay, các hạng mục chính của đền đã được phục dựng. Các công trình phụ trợ như đường đi, hệ thống điện chiếu sáng, cấp nước, thoát nước, sân vườn, cây cảnh khá hoàn chỉnh, tạo vẻ hoành tráng, uy nghiêm, lưu giữ được nét cổ kính của ngôi đền xưa. Đền là công trình kiến trúc bằng gỗ lim, được phục dựng với quy mô lớn, đồ sộ, trang trí công phu với nhiều mảng khắc, chạm tinh tế, đẹp mắt, kết hợp hài hòa giá trị sử dụng với giá trị thẩm mỹ thể hiện được phong cách kiến trúc cổ truyền của dân tộc.  Các tài liệu và hiện vật được lưu trữ, thờ phụng tại đền giúp chúng ta hiểu biết thêm về bề dày lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, thờ phụng, phong tục, tập quán, truyền thống trọng đạo của nhân dân đối với người có công với dân với nước.
 
Các hoạt động tế tổ ngày 10 và ngày 11 tháng Giêng Âm lịch, Lễ hội đền vua Hồ vào tiết Thanh Minh (từ ngày 12 -15 tháng ba Âm lịch) diễn ra tại đền đang được phục dựng trở thành nét đẹp dân gian, phản ánh tình cảm, sự biết ơn, ngưỡng vọng của con cháu, của nhân dân đối với các bậc tiền nhân, người có công; phản ánh phong tục đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh và bản sắc văn hóa của dân tộc. Thông qua đó, thắt chặt tinh thần đoàn kết cộng đồng, giáo dục truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” khơi dậy niềm tự hào tình yêu dòng họ, quê hương, đất nước; ý thức bảo vệ và phát huy giá trị vĩnh hằng của di tích lịch sử văn hóa.
 
Hồ Tất Thắng 
(Trưởng Ban liên lạc họ Hồ Nghệ An)