(Baonghean) - Đêm mai (31/1) tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh) sẽ diễn ra Lễ vinh danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho đêm đặc biệt này đang được gấp rút hoàn thành…
Quảng trường Hồ Chí Minh, Thành phố Vinh những ngày này thật nhộn nhịp, rực rỡ những sắc màu. Ngay dưới chân tượng đài Bác Hồ, sân khấu lớn của lễ đón nhận bằng công nhận Dân ca ví, giặm là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được được trang hoàng lộng lẫy, tinh tế, hài hòa, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Không gian làng quê xứ Nghệ xưa được tái hiện đầy đủ với nhiều hình ảnh tượng trưng, mô hình cách điệu như cây đa, giếng nước, sân đình, dòng sông, biển, núi rừng, mái nhà tranh, vườn chuối, hoa sen; các đạo cụ như thuyền, xe cửi, đàn, nông cụ cũng được chuẩn bị đầy đủ để các nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn. Các màn hình lớn được bố trí 2 bên sân khấu cũng được dựng lên, sẵn sàng trình chiếu các phong cảnh - không gian diễn xướng đặc trưng của người dân lao động của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Chuẩn bị cho lễ vinh danh sẽ diễn ra vào đêm mai (31/1), mấy ngày qua, 560 nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên quần chúng đến từ các CLB dân ca hai tỉnh, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Dân ca xứ Nghệ, Nhà hát truyền thống tỉnh Hà Tĩnh, Đoàn ca múa kịch dân tộc tỉnh, Trường múa Việt Nam, Đại học Vinh và học sinh các trường trên địa bàn đã tích cực tập luyện để thể hiện cho quan khách, khán giả thấy được những gì tinh túy nhất của ví, giặm.
Có mặt tại các buổi tập này mới thấy hết niềm tự hào, tinh thần trách nhiệm của những người góp nên thành công của buổi lễ. Những giọt mồ hôi không ngừng rơi trên khuôn mặt của người đạo diễn, nghệ sỹ, diễn viên ngay giữa ngày Đông lạnh. Nghệ sĩ Ưu tú Hồng Dương, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Dân ca xứ Nghệ - người thể hiện hình tượng Bác Hồ ở trường đoạn 1 “Đêm đò đưa nhớ Bác” trong chương trình nghệ thuật “Về miền ví giặm” chia sẻ: Đã hơn 100 lần được thể hiện hình tượng Bác Hồ và lần nào anh cũng cảm thấy xúc động, bởi được thể hiện hình tượng của Bác là vinh dự, hạnh phúc và là trách nhiệm cao quý, anh dày công chăm chút, nghiên cứu để lần này tái hiện lại hình ảnh của Bác một cách chân thật nhất và gần gũi nhất, sao như lời Bác dặn "Đã yêu Tổ quốc mình, càng yêu thắm thiết những khúc dân ca...".
Lễ công bố Dân ca ví, giặm được UNESCO vinh danh “Di sản văn hoá phi vật thể” đại diện của nhân loại có 2 phần: Phần lễ và Chương trình nghệ thuật “Về miền ví giặm”. Chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu chào mừng và tôn vinh một sự kiện được nhân loại vinh danh. Với tầm quan trọng đặc biệt như vậy, ê kíp đạo diễn phải làm việc phải hết sức tích cực. Nhà biên kịch Vũ Hải – tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật, Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Tiến Dũng luôn theo sát quá trình tập luyện, nhắc nhở, uốn nắn kịp thời đối với từng tiết mục, vị trí. Nhà biên kịch Vũ Hải cho hay: Chương trình nghệ thuật lớn nhưng ngắn gọn, súc tích thể hiện đầy đủ những nét tinh túy nhất, đặc sắc nhất của Dân ca, ví giặm xứ Nghệ. Không gian diễn xướng đặc trưng với khung cảnh làng quê với những hoạt động sản xuất lao động thường nhật được tái hiện sinh động, cụ thể. Lao động nghệ thuật rất vất vả nhưng anh chị em tham gia chương trình rất phấn khởi bởi đây không chỉ là vinh dự của hai tỉnh mà của toàn thể người dân Việt Nam. Đến thời điểm này, nội dung, mỹ thuật, âm thanh… đều được hoàn tất. Chắc chắn, chương trình sẽ tạo dấu ấn tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế và đồng bào trong cả nước.
Trong suốt mấy ngày chuẩn bị, tập luyện, bên cạnh sự có mặt của những người có trách nhiệm, còn có rất nhiều người dân 2 tỉnh đến theo dõi. Với họ, dân ca ví, giặm được vinh danh, là niềm vui rất đỗi lớn lao. Bà Nguyễn Thị Minh, 65 tuổi, phường Trường Thi, Thành phố Vinh đã mấy đêm nay ra Quảng trường Hồ Chí Minh xem việc luyện tập cho hay: Bà rất tự hào khi những làn điệu dân ca quê hương gắn bó với đời sống ruộng đồng của nhân dân lao động đã trở thành di sản văn hóa. Dân ca ví giặm như đã ngấm vào huyết quản, càng nghe càng thấy yêu, thấy quý, thấy tự hào…
Chuẩn bị cho buổi lễ này, UBND 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã thành lập các tiểu ban, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từ bộ phận, cá nhân; thường xuyên kiểm tra đôn đốc, rà soát để chấn chỉnh... Các công tác khác như bố trí ăn nghỉ của các đoàn khách, bảo vệ an ninh trật tự đến việc hậu cần, y tế, tổ chức giao lưu với các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, âm nhạc dân gian, các nghệ sỹ, nghệ nhân dân gian về dân ca ví, giặm cũng được chuẩn bị chu đáo.
Xác định trách nhiệm để sự kiện lễ vinh danh dân ca ví giặm diễn ra thành công tốt đẹp, cùng với công tác tuyên truyền, Thành phố Vinh đã tập trung cao cho công tác chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường. Trên 3000 đoàn viên thanh niên cùng nhân dân các phường đã ra quân làm vệ sinh môi trường, trang trí cây xanh, chỉnh trang đường phố. Trong đêm 31/1, Thành phố Vinh bố trí trên 300 người sẵn sàng bảo đảm an ninh trật tự, bảo quản phương tiện cho người tham gia lễ hội. Công tác đảm bảo an ninh, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho buổi lễ cũng đã được Công an tỉnh Nghệ An chuẩn bị chu đáo. Công an tỉnh Nghệ An huy động gần 700 chiến sỹ làm công tác trực tiếp bảo vệ cũng như tăng cường tuần tra kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự trên các tuyến đường giao thông; bảo vệ an ninh từ vòng ngoài, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho buổi lễ.
Chào mừng sự kiện trọng đại này, đã có rất nhiều sự kiện khác mang tính tiền đề, hướng tới đã được tổ chức khắp trong cả tỉnh: Gần nhất là chương trình “Về miền ví, giặm” do Hội cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu phối hợp với Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức hay giao lưu dân ca với trường học được tổ chức ở Trường THPT Lê Lợi, huyện Tân Kỳ; các địa phương trong tỉnh cũng tích cực đưa dân ca ví, giặm lồng vào chương trình văn hóa văn nghệ ở các hội nghị tổng kết cuối năm. Ông Cao Văn Thưởng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Diễn Hoa phấn khởi cho biết: Đêm 31/1, đại diện câu lạc bộ cũng sẽ vào tham dự đêm vinh danh, trên 30 thành viên khác sẽ ở nhà chăm chú theo dõi lễ vinh danh qua truyền hình. Vui nhất là mấy ngày qua, anh em trong câu lạc bộ ai cũng được nhận điện thoại chúc mừng, chia vui.
Ví, giặm được vinh danh, đây không chỉ niềm vinh hạnh của người dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh mà còn là niềm tự hào chung của dân tộc, của nhân loại. Từ đây, tiếng hát của người dân lao động xứ Nghệ vốn cất lên từ ruộng đồng được bay cao, bay xa; được cả nhân loại biết đến, tôn vinh và chung tay gìn giữ...
Thanh Sơn