Nhưng đó đã là quá khứ xa, khi ĐT Việt Nam dần bước lên đỉnh cao khu vực, mà trận thắng giòn giã 3-0 mới đây lại được xem là trận thắng đậm đà nhất của ĐT Việt Nam, đồng thời là trận thua… đậm đà của ĐT Malaysia. Gió đã đảo chiều và 6 trận liên tiếp toàn thắng và hòa cho thấy ĐT Malaysia không còn là “khắc tinh” của ĐT Việt Nam, thậm chí đội bóng này đã thuộc về “đẳng cấp” khác, dưới cơ ĐT Việt Nam trong nhiều năm gần đây.
Nói thật công bằng, nếu ĐT Malaysia không gặp vấn đề về lực lượng (cầu thủ dính Covid-19, chấn thương, nội bộ lủng củng, không thi đấu thường xuyên…) thì cuộc đấu giữa 2 đội sẽ gay cấn hơn, cho dù trên băng ghế chỉ đạo, ông Park Hang-seo vẫn luôn là người “bắt nạt” được HLV Tan Cheng Hoe của ĐT Malaysia. Ngay ở trận đấu này, ông Park Hang-seo cũng đã biết cách “giương đông, kích tây” liên tục khiến đoàn quân của ông Tan Cheng Hoe không biết đường mô mà lần? Đó là lúc các cầu thủ ĐT Việt Nam liên tục “rót dầu” ra phía sau hàng phòng ngự ĐT Malaysia kết hợp đá nhỏ, nhuyễn, buộc đối thủ không thể phán đoán, không theo kịp diễn tiến của tình huống.
Trong thế bám đuổi vô vọng đó, ĐT Malaysia lần lượt mất đi những quân bài quan trọng nhất, khiến lực lượng mỏng bị căng ra và sụp đổ là điều không tránh khỏi. Hãy xem tình huống ghi bàn của Quang Hải: câu hỏi là vì sao tiền vệ trung tâm Tuấn Anh có mặt ở sát cột cờ góc để chuyền ngược lên cho đồng đội ghi bàn? Đó không chỉ là tài năng của Tuấn Anh khi được chơi tự do mà có ý của thầy Park khi liên tục kéo căng hàng thủ đối phương để tìm ra khoảng trống chuyền bóng và đột nhập từ tuyến hai của ĐT Việt Nam.
Cũng trong pha bóng đó, ĐT Việt Nam thường trực 2 phương án ăn bàn gồm Văn Đức và Quang Hải và cả hai đều có cơ hội như nhau. Một thoáng thôi là đủ để Văn Đức nhận ra bóng tìm đến Quang Hải trong thế thuận lợi hơn và người hâm mộ lại được thấy cú sút ăn bàn của cầu thủ này là “kịch bản” lặp lại trong trận đấu mở màn vòng loại thứ 3 gặp ĐT Arabia Saudi cách nay không lâu.
Nhiều người hình dung ĐT Việt Nam vừa có sở trường phòng ngự-phản công, vừa phải chấp nhận phòng ngự-phản công khi trải qua vòng loại World Cup nên giờ đây khi chơi áp đặt sẽ không thuần thục? Hơn nữa, trước trận đấu, ông Tan Cheng Hoe “đe” ông Park về một sự bất ngờ nào đó mà ai cũng đoán chính là họ sẽ chơi thấp, phòng ngự và sẽ phản công kết liễu đối thủ? Thực tế cho thấy ông Park “đọc” dễ đối thủ để chủ động chơi áp đặt, tấn công đa dạng, nhiều mũi, nhiều đòn… thì mọi bài vở của đối thủ nhanh chóng vỡ vụn. Tuấn Anh chơi cực hay ở tuyến giữa và đây chính là phiên bản tốt nhất của tiền vệ tài năng lâu nay kém may mắn với ĐT Việt Nam.
Bên cạnh là Hoàng Đức thừa sức để chặn đứng mọi toan tính của đối thủ ở khu vực giữa sân, sẵn sàng chuyển trạng thái từ một pha giữ và kéo bóng thượng thặng để sau đó mở ra cả một loạt cơ hội: một đường chuyền như trong trận gặp ĐT Lào và nếu cần là một loạt động tác dẫn bóng để kết thúc cũng bằng chân trái diễn ra từ hồi SEA Games 2018 và đến nay vẫn hiệu nghiệm như bàn thắng nâng tỷ số lên 3-0 kết liễu đối thủ trong trận đấu gặp ĐT Malaysia.
Khi trung tâm được đảm bảo bằng Tuấn Anh- Hoàng Đức, hàng hậu vệ đủ thời gian để gìn giữ khung thành và chuyền bóng phát động tấn công nếu có thể; hai cánh có cơ hội dâng cao khai thác khoảng trống gần cột cờ góc để tạt bóng hoặc xâm nhập vòng cấm và đặc biệt các chân sút không bao giờ “đói” bóng như cách Công Phượng được “hưởng” trong trận đấu này. Tất nhiên, có vẻ như thời điểm này Tiến Linh chưa đạt phong độ vốn có và thi thoảng ĐT Việt Nam vẫn để lộ ra vài sơ sót, dù người gác đền Nguyên Mạnh đã thản nhiên khắc phục.
Trở về khu vực, ĐT Việt Nam đang dần thể hiện sức mạnh cần thiết để chứng minh vị thế hàng đầu. Trận đấu gặp ĐT Malaysia là một câu trả lời và hẳn là người Indo, người Thái đang buộc phải xem lại những tuyên bố hùng hồn, chủ quan mới đây khi gặp lại thầy trò ông Park?