Tối 30/7 vừa qua, tại một cuộc mít tinh ở Tampa (Florida), Tổng thống Trump nói rằng, “có lẽ Trung Quốc đang cản đường chúng ta” trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên, đồng thời nêu lên một số vấn đề liên quan đến những căng thẳng đang ngày càng gia tăng giữa Mỹ và đối tác thương mại lớn nhất thế giới của mình.
Mặc dù sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là điều không mới, song điều này vẫn vô cùng quan trọng trong bối cảnh chính quyền Trump luôn thiết tha với tham vọng biến Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên thành một quốc gia không còn vũ khí hạt nhân.
Tầm ảnh hưởng to lớn của Trung Quốc
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên và thường được coi là người “anh trai” của nước này. Triều Tiên gần như tiếp nhận mọi nguồn lương thực và năng lượng từ Trung Quốc; các nhà lãnh đạo Triều Tiên coi lãnh đạo Trung Quốc như một “bậc thầy” đầy kinh nghiệm, đặc biệt là trong bối cảnh những cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ vẫn đang tiếp diễn.
Ông Kim Jong-un đã tới Bắc Kinh 3 lần kể từ tháng 3/2018, bao gồm một chuyến thăm ngay sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore diễn ra đúng một tuần.
Trung Quốc có ảnh hưởng lớn trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên và muốn đảm bảo rằng, thông qua Kim Jong-un, họ sẽ giành được 1 ghế trong bàn đàm phán.
Trung Quốc không muốn chứng kiến chế độ Kim sụp đổ, càng không muốn một bán đảo Triều Tiên thống nhất sẽ đi kèm với sức ảnh hưởng rộng lớn của phương Tây.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn công khai phản đối các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên, vì chúng được coi là hành vi khiêu khích có thể làm leo thang sự can thiệp của phương Tây trong khu vực.
Hơn nữa, Trung Quốc không muốn chứng kiến bất kỳ xung đột quân sự nào nổ ra, có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng người tị nạn.
Trung Quốc quan tâm đến sự ổn định và kiểm soát khu vực. Điều này cho phép họ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động quân sự ở Biển Đông, loại bỏ sự ảnh hưởng của phương Tây ở khu vực và ở cả chính đất nước của họ, trong khi vẫn tiếp tục tận dụng lợi thế về thương mại của Mỹ.
Ngoài ra, Trung Quốc còn đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ với chi phí hàng năm rơi vào khoảng 225-600 tỷ USD; họ tiếp tục ép buộc các công ty Mỹ phải nhượng lại các tài sản công nghệ và trí tuệ thì mới có thể được tiếp cận vào các thị trường Trung Quốc.
Tình trạng “kinh doanh như bình thường” đó vẫn diễn ra khá suôn sẻ với Trung Quốc, và họ không muốn bất cứ điều gì – bao gồm cả các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa – phá vỡ hiện trạng vốn có này.
Trung Quốc cũng là một đối thủ mạng tinh vi. Họ đã xâm nhập vào các văn phòng và các hoạt động của chính phủ Mỹ trong hơn một thập kỷ qua; vụ việc được cho là nghiêm trọng nhất chính là cuộc tấn công mạng nhắm vào Văn phòng Quản lý nhân sự Mỹ năm 2014, đánh cắp thông tin cá nhân và tin mật an ninh của 22 triệu nhân viên chính phủ.
Căng thẳng Trung- Mỹ không bao giờ nguội
Ngoài những vấn đề được đề cập ở trên, điều không thể bỏ qua nhất chính là mối quan hệ kinh tế hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tổng thống Trump đã liên tục phàn nàn về thâm hụt thương mại của Mỹ. Ngày 1/8, chính quyền Trump tuyên bố họ có thể sẽ áp mức thuế 25% cho 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu hai nước không đạt được tiến bộ trong việc điều chỉnh thiếu sót thương mại lớn của họ.
Mặc dù Mỹ đã đạt được những lợi ích từ Triều Tiên mà vốn chỉ một năm trước đây thôi vẫn được coi là điều không thể xảy ra – 3 con tin Mỹ được phóng thích, 55 hài cốt binh lính Mỹ tử trận trong Chiến tranh Triều Tiên được trao trả về nước, Triều Tiên ngừng các cuộc thử nghiệm tên lửa, hai bên liên tục có các cuộc đối thoại song phương – song vẫn có quá ít những tiến bộ thực tế và có thể chứng minh về việc giải trừ chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Báo cáo tình báo cho biết chế độ Kim vẫn đang thúc đẩy chương trình vũ khí của mình, bao gồm việc sản xuất nhiên liệu hạt nhân và lắp ráp tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Tổng thống Trump đã nhận được một lá thư của Kim Jong-un hôm 1/8, được cho là một sự trao đổi qua lại liên tục, trong bối cảnh hai nước đang tiến gần tới phi hạt nhân hóa.
Tổng thống Trump đáp lại trên trang mạng cá nhân rằng: “Cảm ơn lãnh đạo Kim Jong-un vì đã giữ lời và bắt đầu quá trình hồi hương hài cốt những binh sĩ Mỹ mất tích trong chiến tranh. Tôi không bất ngờ khi ngài làm điều này. Ngoài ra, cảm ơn bức thư tốt đẹp từ ngài – tôi hy vọng chúng ta sớm gặp lại!”.
Dù Tổng thống Trump tiếp tục lạc quan về thái độ sẵn sàng phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, song đây có lẽ sẽ là cuộc đàm phán khó khăn và đa dạng nhất trong sự nghiệp của ông – và quan trọng không kém, đó là muốn các cuộc đàm thành công thì không thể chia sẻ những lợi ích và lịch trình cuối cùng của ông với Trung Quốc.