Điều này xảy ra đúng nghĩa đen, nhưng gáo nước lạnh từ màn té nước đón tiếp họ nhà trai trong phong tục cưới người Thái ở Nghệ An thì hoàn toàn là chuyện vui.
Vào mùa cưới, bà con dân bản ngoài việc hòa chung với niềm hạnh phúc của các tân lang, tân nương còn tìm thấy sự hào hứng, may mắn khi tham gia té nước chúc phúc cho đôi trẻ.
Thường thì đoàn đón dâu đã phải đến nhà gái từ hôm trước. Có thể là buổi sáng hoặc chiều. Giờ đi đón dâu do một cao niên của nhà trai chọn lựa. Họ sẽ ở lại nhà gái cho đến khi đón dâu. Giờ đón dâu cũng được nhà trai quyết định, nhưng phải là trước lúc trời sáng.
Thường thì, nước lạnh đã được nhà gái chuẩn bị sẵn từ trước, chỉ chờ họ nhà trai xuất hiện là một nhóm người lập tức hắt nước. Cư dân bản địa gọi là “phạt” trong đám cưới.
Có người cho rằng đây là màn chúc phúc như tục lệ té nước của người Lào. Trong quan niệm của người Lào cũng như một số cộng đồng Thái ở miền Tây Nghệ An có nguồn gốc từ xứ sở Triệu Voi, nước đem đến hạnh phúc, sự viên mãn, đủ đầy và hứa hẹn một cuộc sống tốt tươi.
Tuy vậy, nhìn nhận theo cách vui vẻ nhất, té nước trong đám cưới giống như một hình thức “phạt” mà chú rể và nhà trai phải trải qua. Màn té nước đích thực là một “cửa ải” mà nhà gái giăng ra để thử thách nhà trai. Nhưng mục đích chính của tục này vẫn là để đám cưới và cuộc sống mới sau đó của cô dâu, chú rể trở nên tốt tươi, đủ đầy.
Dịp cưới cũng là lần duy nhất trong đời một người đàn ông người Thái bị “dội nước lạnh”, nhưng anh ta cảm thấy hạnh phúc. Ngược lại nếu chàng rể không được quan viên nhà gái “nhúng” nước thì gần như niềm vui ngày hôn lễ không trọn vẹn.
Đám cưới cũng là cơ hội để người ta thoải mái hắt nước vào nhau mà chẳng cần phải suy nghĩ, đắn đo.
Dĩ nhiên, chú rể bao giờ cũng là “nạn nhân” mà họ gái săn lùng nhất. Có người thủ sẵn một chậu nước chỉ để dành riêng cho chàng rể.
Nếu chú rể có té nhào, hay ướt từ đầu đến chân thì những người tiếp đón của họ gái sẽ cảm thấy mình đã làm được những điều tốt đẹp nhất.