(Baonghean.vn) - Người Thái khăng ở Nghệ An không chỉ được biết đến là cộng đồng còn lưu giữ được nghề dệt thổ cẩm độc đáo mà trong phong tục cưới hỏi cũng có nhiều nét kỳ lạ.

Một ngày đầu đông, men theo quốc lộ 16 từ thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) chúng tôi vào bản Kèo Lực 1 (xã Phà Đánh). Đây là nơi cư trú của 40 hộ người Thái khăng và cũng là nơi còn giữ được nghề truyền thống nuôi tằm dệt thổ cẩm nổi tiếng của huyện vùng biên Kỳ Sơn.

Vào nhà ông Vi Văn Bân khi ông đang tất bật chuẩn bị ủ mấy vò rượu cần thơm nức. Tưởng ông chuẩn bị rượu cần cho cái Tết nhưng ông cho hay, gia đình sắp có đám cưới cho con gái. Nhìn quanh chẳng thấy cô dâu đâu, chúng tôi ngạc nhiên hỏi thì ông chỉ cô gái đứng bên đang ẵm đứa trẻ chừng 1 tuổi bảo: “Nó đang ẵm con đấy. Năm ngoái cưới nhỏ rồi bây giờ mới cưới lớn”.

images2083293_img_4343.jpgÔng Vi Văn Bân chuẩn bị ủ rượu cần làm đám cưới cho con gái. Ảnh: Đào Thọ

Ông Bân cho hay, con gái ông là Vi Thị Giang lấy chàng trai Lương Văn May ở bản Piêng Hòm cùng xã. Vì điều kiện chú rể khó khăn nên năm ngoái chỉ làm được một con lợn nên xin gia đình nhà gái cho cưới nhỏ coi như là ra mắt họ hàng làng bản. Đăng ký kết hôn xong chú rể cũng về đây ở rể đã được một năm và hai người đã có với nhau một đứa con.

Cô dâu Vi Thị Giang đã có con gần 1 tuổi. Ảnh: Đào Thọ

Theo phong tục, năm nay chàng rể đã chuẩn bị được đầy đủ lễ vật nên tìm ông mối đến thưa chuyện để làm lễ ăn hỏi và lễ cưới lớn.

Lễ ăn hỏi của người Thái khăng cũng rất đơn giản, chỉ cần ông mối mang trầu, thuốc đến thưa chuyện với họ nhà gái là được. Tuy nhiên, theo ông mối Lương Văn Phin, người Thái khăng đến ăn hỏi phải đan một chiếc gùi nhỏ bằng ba ngón tay rồi để các lễ vật như trầu, chay rừng, thuốc lá vào trong đó. Đây chính là phong tục từ xa xưa truyền lại.

Những lễ vật trong đám hỏi của người Thái khăng. Ảnh: Đào Thọ

Sau khi gia đình nhà gái chấp nhận lễ ăn hỏi của nhà trai mới định ngày cưới lớn hay còn gọi là lễ cưới chính thức. “Nếu chàng rể chưa có điều kiện làm cưới lớn thì gia đình nhà gái sẵn sàng cho khất, thời gian bao lâu không quan trọng nhưng nhất định phải làm. Lúc đó hai người mới thực sự được công nhận là vợ chồng” - ông Vi Văn Bân cho hay.

Ông mối Lương Văn Phin trao lễ vật đám hỏi cho gia đình nhà gái. Ảnh: Đào Thọ

Sau đám hỏi, người Thái khăng tiến hành làm đám cưới lớn. Đây chính là lúc cô dâu chú rể được chính thức công nhận là vợ chồng. Tùy theo gia cảnh nhà trai để nhà gái ra điều kiện thách cưới. Theo các già làng người Thái khăng, ngày trước chủ yếu bên gái thách cưới bằng bạc nén và trâu bò, lợn nhưng bây giờ chỉ cần ít tiền mặt và mâm cỗ đủ cho hai họ ngồi.

Trong đám cưới lớn, người ta sẽ giết trâu, bò, lợn, gà để làm tiệc thiết đãi quan khách hai họ và bà con dân bản. Tất nhiên tùy theo điều kiện kinh tế của chú rể và nhà trai để soạn sửa mâm cỗ, bày tiệc. Có thể chỉ cần giết một con lợn, vài con gà, dăm hũ rượu cần là đã hoàn thành đám cưới lớn. Trong trường hợp điều kiện "thách cưới" của nhà gái đưa ra quá cao, bên nhà trai có thể "thương thảo" để xin giảm bớt. Hiện nay, phong tục thách cưới này vẫn được duy trì nhưng chủ yếu chỉ mang ý nghĩa về tinh thần, không nặng về vật chất như trước đây. 

Sau đám cưới lớn, chú rể chính thức đưa vợ về nhà mà không cần phải ở rể nữa.

Những tục lệ ấy là một nét văn hóa trong đời sống của người Thái khăng Nghệ An đã được bảo tồn từ bao đời nay. Chúng đã góp phần làm phong phú thêm bản sắc của cộng đồng này trên miền Tây xứ Nghệ.

Đào Thọ

TIN LIÊN QUAN