(NAO) - Đây là lần đầu tiên, một chợ rơm xuất hiện trên mảnh đất thị tứ chợ Cồn, xã Xuân Dương (huyện Thanh Chương, Nghệ An). Một khu chợ chỉ có ...rơm ! Mỗi sáng có hàng trăm người tứ xứ đổ về đây để bán và mua rơm.

Một khoảng đất trống rộng khoảng vài trăm mét vuông (200m2) nằm cạnh thị tứ chợ Cồn chỉ có những người mua và bán rơm. Mới 4 giờ sáng cả trăm chiếc xe đạp chở đầy những bó rơm đã có mặt, họ bắt đầu những câu chuyện một ngày mới đầy ắp những tiếng vang, cười ríu rít.... Chợ rơm này quy tụ tất cả những con người nông dân, chân lấm tay bùn. Mà "đặc sản" không thứ gì khác đó là: Rơm.

 

762278_small_43197.jpgChị Lan đều đặn mỗi buổi sáng tại chợ rơm.
Khi nói đến rơm, ai cũng nực cười: nông dân thì thiếu gì rơm! Nhưng, khoan hãy vội cười vì có cái lý của nó !

 

Theo tính toán rất kỹ càng của cụ ông Phạm Tuấn, (xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương) cho hay: "Thời buổi này có thể nói rơm đắt như tôm tươi. Mọi khi (hồi trước) rơm được xem là thứ quăng đi, nhưng bây giờ rơm có thể nói nó trở thành hàng hoá buôn bán trên thị trường. Rơm được người dân đổ xô đi mua khắp nơi nên cũng rất hiếm... Chú thấy đó, ví như đợt rét vừa qua tôi đã phải chi ra gần cả triệu đồng để mua rơm cứu đói cho con trâu.... Nhà tôi cũng làm ruộng, nhưng năm qua bị lũ lụt không có lấy một cọng rơm nên cũng đành phải đi mua rơm. Và đợt này mùa giáp hạt tôi cũng phải bỏ ra 200.000 đồng để mua thêm".

 

Chợ rơm này 100% là phụ nữ, họ đến từ các xã khác nhau của huyện Thanh Chương. Cũng theo một số người đi mua rơm cho biết, sở dĩ phải đi mua rơm là năm 2007 một số xã của huyện Thanh Chương bị lũ lụt tàn phá lớn nhất trong lịch sử không có lấy một cọng rơm. Kéo theo đó là đợt rét đậm, rét hại vừa qua cũng làm cho gia súc kiệt quệ thêm về thức ăn. Cũng vì thế, cây rơm nó được đẩy giá lên rất cao.....

 

Chị Nguyễn Thị Lan, xã Thanh Tường (Thanh Chương) cho biết: "Gia đình tôi có 3 đứa con đang ăn học, mỗi sáng đạp xe gần 5 cây số đến bán rơm kiếm tiền cho con được đến trường... cũng nhờ vào những xe rơm này mà các con của tôi đứa nào cũng học hành đến nơi đến chốn".

 

Một góc chợ rơm.

Theo chị Lan, việc bán rơm vào thời điểm này (mùa giáp hạt) rất có giá, với lại cũng chưa bao giờ họ lại quý cây rơm như hiện nay. Một xe rơm với 3 bó nhỏ (nếu cân lên sẽ được khoảng 10kg) có giá từ 25.000 - 35.000 đồng và nhiều hôm cũng không có mà bán. Người bán rơm phải chở về đến tận nhà người mua mới được thanh toán tiền. Có những người đạp xe đạp hàng chục km mong có được vài ba chục ngàn (20.000 -30.000đ) dành dụm lo học hành cho con. Như chị Nguyễn Thị Thu Oanh dáng gầy gò, mảnh mai như lá lúa, ở xã Thanh Thịnh ngày nào cũng bươn bả trên chiếc xe đạp cà tàng trên 25km bán rơm, để nuôi đứa con chuẩn bị thi vào đại học. Chị tâm sự: "Không phải lúc nào cũng mưa thuận gió hoà đâu, năm ngoái (2007) gia đình tôi làm 8 sào ruộng nên dành dụm xây được 5 đống rơm. Năm nay thấy rơm có giá nên tôi ngày nào cũng đi bán may ra đủ tiền cho con thi đại học. Rơm năm nay đắt chú ạ....", chị hồ hởi khoe.

 

Được biết, chợ rơm tại thị tứ chợ Cồn là chợm rơm duy nhất tại Nghệ An hiện nay. Chợ này vẫn thường xuyên có kẻ bán người mua, cũng tại phiên chợ rơm này không ít gia đình qua được cuộc sống khó khăn từng ngày, họ đã biết chắt chiu giá trị lao động của mình trong từng cọng rơm, và càng trân trọng hơn khi từ những cọng rơm đó nhiều gia đình đã giúp con cái có cái chữ, nên người ...!

 

Ở vùng quê này, rơm đang trở thành "đặc sản", rơm đang là cứu cánh cho nhiều gia đình khốn khó !

 

Đây là một niềm vui, niềm vui tràn nước mắt !?


Lộc Đàn An