(Baonghean) - Thực hiện tốt Luật Doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thực hiện chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, nên sau khi hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ở tỉnh ta được tiến hành rất nhanh gọn. Điều này phản ánh được môi trường đầu tư, phát triển khá năng động, linh hoạt, nhưng song hành với đó là nguy cơ tiềm ẩn rủi ro cao, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản...
Quá nhiều doanh nghiệp !
Anh bạn tôi là một doanh nhân rất thành công trong lĩnh vực đầu tư xây dựng ở TP Hồ Chí Minh, hiện đang thực hiện nhiều dự án tại các tỉnh miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên. Và bởi ý định ra Nghệ An làm dự án, nên sau một thời gian tìm hiểu, tiếp cận với tình hình thực tế đã thốt lên: "Ở đây sao có quá nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng thế? Hỏi ra mới hay, không ít doanh nghiệp chuyên làm "hồ sơ" chứ không có năng lực thật sự, bởi trong tay không có máy móc thiết bị gì. Tình trạng này sẽ gây "nhiễu" và không tránh khởi sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, đặc biệt là làm khó cho các doanh nghiệp làm thật". Nhận xét đó một phần phản ánh sự thật đáng báo động về tình hình phát triển doanh nghiệp ở tỉnh ta.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 9.000 doanh nghiệp, trong đó có 2.900 công ty cổ phần; hơn 2.142 công ty TNHH 2 thành viên trở lên; 1.304 công ty TNHH 1 thành viên; hơn 2.700 doanh nghiệp tư nhân. Nếu đưa lên "bàn cân" cụ thể sẽ thấy rất rõ tình trạng đáng lo ngại của các doanh nghiệp tỉnh ta.
Hiện nay, quy mô của doanh nghiệp phần lớn là nhỏ và vừa. Hiện có đến 21% doanh nghiệp thuộc dạng siêu nhỏ, 59% doanh nghiệp nhỏ và 16% doanh nghiệp vừa. Những con số này cho thấy, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta mới chỉ phát triển nhanh về số lượng, thiếu những doanh nghiệp có chất lượng, hay nói cụ thể là thiếu những doanh nghiệp lớn.
Do là doanh nghiệp nhỏ, nên phần lớn công nghệ sản xuất lạc hậu và sản phẩm làm ra chưa đạt chất lượng cao, sức cạnh tranh trên thị trường kém. Đặc biệt các loại hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì đội ngũ cán bộ quản lý và trình độ của người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu. Và khả năng tiếp cận nguồn tín dụng kém, đặc biệt là thiếu sự liên kết, hợp tác trong làm ăn và phát triển doanh nghiệp. Rút cuộc, không ít doanh nghiệp đã không đứng vững trên thị trường.
Tuy nhiên, mục tiêu phát triển doanh nghiệp của tỉnh ta là mỗi năm phát triển thêm 1.000 doanh nghiệp, để đến năm 2015 sẽ có 15.000 doanh nghiệp hoạt động. Vì vậy, đã đến lúc tỉnh cần có những biện pháp kịp thời, hữu hiệu để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh của doanh nghiệp, vừa xây dựng được các mô hình doanh nghiệp mạnh đứng vững trên thương trường.
Sự sàng lọc...
Khác hẳn với tư tưởng, quan điểm của không ít doanh nghiệp, thì một giám đốc doanh nghiệp hạng I có uy tín trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế, giám sát, xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh lại bày tỏ thái độ rất lạc quan về lĩnh vực đầu tư xây dựng. Tình hình khó khăn trong thời gian qua thực sự là cơ hội tốt để sàng lọc doanh nghiệp. Những doanh nghiệp làm thật, doanh nghiệp mạnh tuy bị ảnh hưởng nhưng vẫn phát triển và khẳng định thương hiệu, uy tín của mình.
Giám đốc này cho biết thêm: "Với doanh nghiệp thuộc hạng I như chúng tôi, trước đây đi đấu thầu, làm công trình phải cạnh tranh với rất nhiều doanh nghiệp "trên giấy" nên phát sinh nhiều chuyện tiêu cực, nay tình trạng này đã bớt đi nhiều". Vừa qua, cơ quan chức năng đã đưa ra con số: Trên địa bàn tỉnh có 785 doanh nghiệp đã giải thể, 590 doanh nghiệp chưa giải thể nhưng đã đóng mã số thuế, có 28 doanh nghiệp thông báo ngừng hoạt động.Thông tin này làm không ít người lo ngại về tình hình phát triển doanh nghiệp ở tỉnh ta, nhưng các cơ quan chức năng nhận định trong thời gian tới sẽ còn có nhiều doanh nghiệp "rụng" nữa.
Ngày 20/1/2012 (tức ngày 27 Tết AL), một hiện tượng đáng buồn xẩy ra trước một công trường xây dựng nhà cao tầng (tại phường Quang Trung), đó là hàng chục công nhân lao động đội mưa đứng hàng tiếng đồng hồ để chờ nhận lương nhưng không được. Tìm hiểu được biết, công trình này do một nhà thầu chính đảm nhận rồi " bán" lại cho những nhà thầu phụ khác, và một khi không giải ngân được nên nhà thầu chính bỏ trốn, rồi thầu phụ cũng chạy và rút cuộc người lao động không được trả lương. Đây không phải là trường hợp duy nhất, mà xẩy ra khá nhiều nơi.
Sự cạnh tranh gay gắt trên thương trường là cuộc chơi sòng phẳng và là cơ hội tốt để các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, nhưng đồng thời đã làm cho không ít doanh nghiệp thua lỗ, phá sản, công nhân lao động mất việc làm. Hệ lụy là rất lớn và giải quyết vấn đề này đòi hỏi cần có thời gian, sự hợp lực tích cực của các cơ quan chức năng như: công an, ngân hàng... Trong thời gian tới, sự cạnh tranh lại càng quyết liệt hơn. Vì vậy, bên cạnh chính sách thông thoáng để hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh bản thân chính các doanh nghiệp cũng cần đổi mới hoạt động, tìm ra hướng đi mới phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế và nỗ lực rất lớn để ổn định sản xuất, tái cấu trúc...