Logicstic được hiểu là quá trình lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch hàng hóa từ đầu vào đến đầu ra thông qua cảng, bao gồm vận tải hàng hóa xuất và nhập, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, quản lý tồn kho... Thế nhưng ở Nghệ An nhiều năm qua dịch vụ này còn những bất cập, chưa hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển. Bởi vậy, tháo gỡ “nút thắt” này là chủ trương được tỉnh Nghệ An chú trọng thực hiện.
Giao thông kết nối tốt nhưng logicstic manh mún
Một cuộc họp quan trọng mới diễn ra giữa lãnh đạo tỉnh Nghệ An với các ngành và các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng cùng các doanh nghiệp logicstic lớn trong cả nước.
Nhiều ý kiến của doanh nghiệp cho rằng dịch vụ logicstic ở Nghệ An nói chung, dịch vụ vận tải chưa phát triển, gây bất lợi cho doanh nghiệp. Lấy ví dụ nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI có nhu cầu xuất khẩu hàng thường xuyên, đưa trực tiếp từ Nghệ An ra nước ngoài, tuy nhiên hãng tàu container ở cảng Cửa Lò không thường xuyên (tuần 3 chuyến) nên hầu hết các doanh nghiệp đều chọn cảng Hải Phòng để xuất hàng, nhất là các doanh nghiệp dệt may, chè. Còn các doanh nghiệp sản xuất hàng trọng lượng nặng như đá trắng, xi măng, clinker... mới chọn cảng Cửa Lò.
Thiệt hại của doanh nghiệp khi xuất hàng từ Nghệ An ra cảng Hải Phòng đó là chi phí cao hơn nhiều so với từ các tỉnh phía Bắc đi ra cảng Hải Phòng. Cụ thể: Từ Nghệ An đi Hải Phòng 403 USD/container 20 feet, trong khi đó từ Bắc Ninh đi Hải phòng chỉ có 179 USD, thấp hơn 224 USD, từ Hà Nội đi Hải Phòng 201 USD, thấp hơn Nghệ An đi Hải Phòng 202 USD/container (20 feet).
Ông Nguyễn Quốc Khánh, đại diện hãng tàu Vietsun chi nhánh tại Nghệ An cho biết: Hiện nay hãng đang vận chuyển hàng qua cảng Cửa Lò đi các cảng là 400 -500 container một tháng, trong khi hàng đi Hải Phòng là 700 - 800 container tháng, nhiều gần gấp đôi hàng ra cảng Cửa Lò. Trong đó hàng đi cảng Hải Phòng chủ yếu là hàng nhẹ, cần đi ngay. Cảng Cửa Lò cũng đã hạ giá thành so với cảng khác từ 200.000 - 800.000 đồng/container nhưng do tần suất chỉ tuần 3 chuyến nên nhiều doanh nghiệp chọn cảng Hải Phòng để xuất hàng.
Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp chọn cảng Hải Phòng, chấp nhận chi phí cao hơn qua cảng Cửa Lò là do dịch vụ logicstic tốt, như: bao gói, xử lý hàng hóa và cả các dịch vụ kho vận khác.
Vấn đề đặt ra nếu Cảng Cửa Lò làm tốt về dịch vụ logicstic, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí vận chuyển, giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nghệ An hiện có 200 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu nhưng quy mô các doanh nghiệp vừa, nhỏ, hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ. Lượng hàng hóa cũng chưa dồi dào và chưa thống kê được cụ thể để hấp dẫn các doanh nghiệp kinh doanh ngành logicstic “nhảy vào”.
Mặc dù Nghệ An có cụm cảng Quốc tế Cửa Lò gồm cảng Cửa Lò, cảng nước sâu Cửa Lò, cảng chuyên dùng The Vissai, cảng xăng dầu DKC, cảng Đông Hồi, nhưng tổng sản lượng hàng qua cảng mỗi năm đạt 6,3 triệu tấn. Nghệ An cũng có hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không, đường thủy đồng bộ được đánh giá kết nối tốt và hiện các đại lý như hãng tàu Việt Nhật, Công ty CP Container, Viconship, Nacoship... và các đơn vị khác đang cố gắng đầu tư phương tiện, đổi mới quản lý nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong Khu công nghiệp đòi hỏi tính chuyên nghiệp trong chuỗi sản xuất phân phối kinh doanh rất cao.
Nếu logicstic ở Nghệ An không phát triển thì không làm bà đỡ cho doanh nghiệp được. Nghệ An đang quyết tâm thay đổi cung cách phục vụ, lo nỗi lo cho doanh nghiệp. Tuy nhiên mấu chốt vấn đề doanh nghiệp làm logicstic cần biết là doanh nghiệp, lượng hàng xuất nhập như thế nào. Và tỉnh cần tối đa các ưu đãi dành cho doanh nghiệp, để thu hút được nhiều nhà đầu tư sản xuất hàng hóa."
Đại tá Bùi Sỹ Tuấn - Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, một thương cảng lớn thứ 22 trên thế giới, chuyên xuất khẩu 50% lượng hàng container của cả nước nhận xét:
Cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ tỉnh
Những năm gần đây, hạ tầng khu công nghiệp ở Nghệ An được chú trọng, thu hút nhiều doanh nghiệp thứ cấp vào đầu tư. Theo đó, các doanh nghiệp mong muốn các dịch vụ logicstic cần phải thuận lợi hơn, hấp dẫn hơn.
Ông Nguyễn Chí Toàn - Giám đốc Marketing cao cấp của VSIP khu vực miền Bắc và miền Trung cho biết, qua khảo sát cho thấy nhiều doanh nghiệp không xuất hàng qua cảng Cửa Lò, chi phí logicstic ở Nghệ An cao, vì vậy Nghệ An cũng thất thoát nhiều các phần thuế, lợi nhuận khác từ logicstic.
Từ bất cập đó, ông Nguyễn Chí Toàn gợi mở: Nghệ An cần có chính sách, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng đi và cả nhập khẩu. Các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cũng như các doanh nghiệp mong Nghệ An hỗ trợ thông tin về lượng hàng hóa vào, ra tỉnh, bao nhiêu chuyến đi, chuyến về để kết hợp với các doanh nghiệp logicstic khi họ vào đầu tư, giúp họ có đủ hàng đi, hàng về thuận lợi.
Logicstic là ngành hết sức quan trọng đảm bảo thông suốt cho doanh nghiệp hoạt động, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất. Sự vào cuộc, quan tâm của tỉnh Nghệ An đối với logicstic vào thời điểm này hết sức quan trọng, theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa cho biết, tỉnh sẽ thành lập tổ công tác, nắm bắt cụ thể hơn nhu cầu của doanh nghiệp từ đó có chính sách tháo gỡ mắt xích quan trọng này. Lãnh đạo tỉnh cũng cam kết Nghệ An tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp logicstic và doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng hoạt động, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Nghệ An hiện có 21.000 ha khu công nghiệp, có cụm cảng biển quốc tế và hiện có 9 doanh nghiệp Logicstic hoạt động nhỏ lẻ, có 2 hãng tàu vận tải Container.