bna__mai_hoa_55931010_12102021.jpgSáng 12/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Ảnh: Mai Hoa

Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005. Đến thời điểm này, luật đã qua 2 lần sửa đổi, bổ sung, nhưng nay tiếp tục đặt ra những bất cập, khó khăn, vướng mắc, cho nên dự thảo đề xuất lần này sửa đổi, bổ sung 93 điều và bãi bỏ 3 điều.

Từ thực tiễn áp dụng Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và trên cơ sở nghiên cứu Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, nhiều đại biểu tham gia hội nghị đã góp ý nhiều ý kiến sâu sắc và bổ sung thêm một số nội dung cụ thể.

Ông Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc, đại biểu Quốc hội chuyên trách đặt ra một số vấn đề gợi mở để các đại biểu dự hội thảo thảo luận. Ảnh: Mai Hoa

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đề cập là cần quy định cụ thể thời gian cấp Bằng Sở hữu công nghiệp (sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý), Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả…, đảm bảo rút ngắn thời gian theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính, vừa đảm bảo quyền lợi của tổ chức, cá nhân, tránh thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ của các cơ quan chức năng quá dài; đồng thời cần tách bạch thời gian xử lý hồ sơ ra khỏi thời hạn Bằng sáng chế được cấp.

Bởi trong thực tế có sáng chế sau 7 năm, tính từ ngày nộp hồ sơ mới được cấp Bằng sáng chế, trong khi đó, Bằng sáng chế chỉ có thời hạn 20 năm, nghĩa là sáng chế đó chỉ có thời hạn thực 13 năm. 

Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị cần làm rõ một số khái niệm về quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu nổi tiếng, điển hình, xuất chúng… Ảnh: Mai Hoa

Một số ý kiến cũng nêu một số bất cập trong dự thảo liên quan đến trình độ sáng tạo và điều kiện bảo hộ cần phải được nghiên cứu và quy định chặt chẽ hơn.

Có ý kiến cũng phản ánh trong thực tiễn, có nhiều trường hợp xung đột quyền sở hữu trí tuệ hoặc văn bằng được cấp chưa đúng quy định mà lỗi do từ phía cơ quan có chức năng cấp bằng, nhưng khi xử lý trách nhiệm chưa có quy định, vì vậy, cần bổ sung thêm quy định này vào dự thảo luật.

Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Mai Hoa

Có ý kiến đề xuất dự thảo luật cần bổ sung thêm điều quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về sở hữu trí tuệ để phục vụ người dân, phục vụ quá trình hội nhập; quy định rõ hơn các hành vi trái pháp luật, xâm hại quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Nhiều ý kiến cũng đề xuất dự thảo luật cần làm rõ hơn các khái niệm, thuật ngữ về quyền sở hữu trí tuệ; nhãn hiệu nổi tiếng, điển hình, xuất chúng…; đồng thời bổ sung thêm khái niệm “nhãn hiệu âm thanh”.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu tại hội nghị, Đoàn đại biểu Quốc hộitỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ và gửi báo cáo đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời sẽ tham gia trực tiếp tại các phiên lấy ý kiến tại kỳ họp của Quốc hội.

Đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến tham gia của các đại biểu báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung vào dự thảo luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ảnh: Mai Hoa