Đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Tham gia cuộc làm việc có Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh; đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Trên cơ sở đặt vấn đề của Đoàn đại biểu Quốc hộitỉnh Nghệ An, tại cuộc làm việc, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo thực trạng an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập trên địa bàn tỉnh.
Điều đáng quan tâm nhất là mặc dù nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh khá dồi dào, song phân bổ không đều theo không gian và thời gian. Mặt khác, có khoảng 38% lượng nước trên địa bàn tỉnh phụ thuộc từ nước bạn Lào chảy vào sông Lam.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nêu một số nguy cơ đe dọa đến an ninh nguồn nước liên quan đến tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, dẫn đến nguồn nước có xu hướng giảm, cạn kiệt. Trong khi đó hệ thống hồ chứa và công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đang có những bất cập.
Mặt khác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, sinh hoạt của người dân còn tình trạng xâm lấn, san lấp sông, suối, hồ, kênh mương, làm ảnh hưởng đến diện tích mặt nước và tình trạng ô nhiễm nguồn nước…
Liên quan đến Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; các ý kiến tham gia đều khẳng định, nước là tài nguyên vô cùng quan trọng đối với sản xuất và đời sống của con người.
Tuy nhiên thực tiễn đang đặt ra nhiều bất cập cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và giải pháp cụ thể để bảo đảm an ninh nguồn nước trên phạm vi cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng.
Nhiều ý kiến góp ý cho rằng, bố cục đề án chưa hợp lý và một số nội dung quan trọng chưa đề cập hoặc đề cập chưa đầy đủ, đúng tầm.
Như chưa đánh giá thực trạng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, thực trạng hiện nay chưa có sự thống nhất và đang còn chồng chéo, bất cập giữa các ngành Nông nghiệp, Tài nguyên - Môi trường, Công thương; quản lý, bảo vệ chưa đi đôi với khai thác, sử dụng.
Chưa có sự dự báo về nguồn nước và nhu cầu sử dụng nguồn nước cũng như chưa có dự báo về nguy cơ sa mạc hóa ở các khu vực để có giải pháp cụ thể và kịp thời.
Đề án cũng chưa đề cập quan hệ quốc tế để đảm bảo an ninh nguồn nước. Mặt khác, tài nguyên nước có nước mặt và nước ngầm, nhưng chưa đề cập nhiều đến nước ngầm.
Giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước cần bổ sung thêm một số nội dung, trong đó cần ưu tiên làm hồ chứa nước hoặc các công trình giữ nước, ngăn mặn, giữ ngọt trên các sông. An ninh nguồn nước, ưu tiên làm hồ chưa hơn làm trạm bơm…
Tại cuộc làm việc, các đại biểu Quốc hội tỉnh và thành viên tham gia đoàn làm việc cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các sở, ngành liên quan tiếp tục tham mưu cho tỉnh có giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh giải pháp công trình, dự án thì cần quan tâm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân trong sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả; khắc phục, hạn chế các nguy cơ đe dọa đến an ninh nguồn nước…