Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo các vùng sản xuất được huyện Đô Lương thực hiện rất hiệu quả. Huyện đã quy hoạch; đẩy mạnh khuyến khích tích tụ ruộng đất, tập trung xây dựng cánh đồng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển quy mô lớn, hàng hóa, đồng thời triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp liên kết, phát triển sản xuất...
Nhờ đó, trên địa bàn huyện hình thành mới một số diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ cao, tạo được năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao. Huyện xây dựng thành công 5 mô hình trồng cây trong nhà lưới và nhiều mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó: Mô hình trồng thâm canh chanh không hạt kết hợp với sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và bao tiêu sản phẩm; mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng; xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; mô hình liên kết sản xuất, gắn với bao tiêu sản phẩm; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y...
Huyện đã xây dựng thương hiệu và tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chanh không hạt xứ Lường, Thanh Long ruột đỏ Đặng Gia, dầu gội đầu thảo dược (Come-on) và tinh dầu sả tại xã Lam Sơn đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ...
Để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo các vùng sản xuất, thời gian tới, huyện Đô Lương tập trung nhân rộng các mô hình đã triển khai sản xuất có hiệu quả và xây dựng các mô hình mới. Xây dựng sản phẩm mũi nhọn để tạo ra các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa; mở rộng diện tích chanh không hạt tại các vùng đất cao cưỡng (Giang Sơn, Hồng Sơn, Bài Sơn, Xuân Sơn, Thuận Sơn...). Xây dựng các mô hình nhà lưới, nhà màng sản xuất bí, dưa ở các xã: Trung Sơn, Lạc Sơn, Nam Sơn, Đại Sơn...
Huyện tập trung xây dựng thương hiệu, gắn với chế biến sản phẩm và tham gia chuỗi sản phẩm OCOP để mở rộng thị trường tiêu thụ và ưu tiên xây dựng các mô hình liên doanh, liên kết bao tiêu sản phẩm...