(Baonghean) - Về xã Tam Quang, hỏi về nhà chị Nghi, bản Bãi Xa (Tương Dương) thì ai cũng biết. Ngôi nhà sàn kiểu kiến trúc cổ của người Thái xưa, với những chiếc cột, đường xà, đường hạ to đồ sộ, chiếc cầu thang nghiêng. Chị Nghi xuống cầu thang đon đả chào hỏi, rót nước mời khách, rồi kể chúng tôi nghe câu chuyện làm giàu của hai vợ chồng chị trên đỉnh khe Mát...
 
Năm 1991, anh chị cưới nhau xong, cũng là năm đứa con trai đầu lòng ra đời. Nhà đông anh em, ruộng, vườn có, nhưng diện tích hẹp, kỹ thuật sản xuất kém, gia đình phải lo ngày 3 bữa cơm đã thấy mệt. Có những hôm, chị phải bế cả đứa con nhỏ đến hàng xóm xin muối, xin xôi để mong sao đủ sữa cho đứa con mới sinh.
 
Trong hoàn cảnh đó, chị bàn với chồng cùng nhau vào rừng phát nương, làm rẫy. Chồng chị (anh Vi Văn Thuyết) đồng tình. Thế rồi, vợ chồng gùi gạo, xách dao lên đỉnh khe Mát dựng chòi, phát rừng, gieo hạt. Mùa rẫy đầu tiên, vợ chồng chị gieo hơn 1 tạ giống. Lúa lên tốt, xanh mướt, trải rộng trên đỉnh đồi, nhìn rẫy mà ấm lòng. Thế nhưng, đến ngày lúa trổ bông thì gặp hạn, cả nương rẫy mới màu xanh hôm nào nay đã biến thành một màu trắng. Hơn 1 tạ giống của vợ chồng chị “đi đứt”. Nhìn rẫy lúa, lòng chị thắt lại.
 
images1014603_1mne.jpgChị Lô Thị Nghi đang chăm sóc đàn gà, lợn.
 
Nhận thấy việc trồng lúa không hiệu quả, phụ thuộc vào thời tiết nhiều thì đời sống bấp bênh. Thế rồi, chị bàn với chồng chuyển sang chăn nuôi. Nhận thấy đỉnh khe Mát có nhiều yếu tố thuận lợi cho việc chăn nuôi, có nhiều loại thức ăn phù hợp nhiều vật nuôi như trâu, bò, dê, lợn… Vợ chồng chị đã quyết định vay tiền ngân hàng để mua vật nuôi. Mỗi loại một ít, ban đầu chị mua 2 con trâu, 2 con bò và 2 con dê nuôi thử. Chỉ hơn 1 năm sau, tất cả đều phát triển nhanh chong. Chỉ mấy năm sau, có thời điểm, đàn bò, trâu và dê nhà chị Nghi lên đến hàng chục con.
 
Khi kinh tế bắt đầu đi lên, cũng là lúc anh Thuyết được bà con dân bản tín nhiệm bầu vào ban quản lý bản. Công việc buộc anh Thuyết thường phải ở ngoài bản. Chị Nghi đành phải bám chòi để trông đàn gia súc của gia đình. Người phụ nữ giữa bốn bên rừng núi, thời gian đầu, chị phải thổi bếp lên ngồi thâu đêm vì sợ. Có những hôm trời mưa gió, đàn trâu về trong đêm, một mình chị đội mưa giữa rừng lùa vào chòi.
 
Năm 2009, gia đình chị còn mua thêm giống lợn đen và gà đen từ trên cửa khẩu Nậm Cắn về để nuôi, mang lại hiệu quả. Ngoài việc chăn nuôi ra, gia đình chị còn trồng thêm một số loài cây cho hiệu quả kinh tế cao như keo, xoan… Đến nay, gia đình chị Nghị có 10 con trâu, 6 con bò, 6 con dê, 10 con lợn giống, gần 200 con gà, hơn 3 ha keo đã đến kỳ khai thác, hơn 1 ha xoan… Mỗi năm, lãi từ việc chăn nuôi các loại, gia đình chị thu được hơn 50 triệu đồng.
 
Dù bận bịu lo phát triển kinh tế, chị Nghi vẫn tham gia đầy đủ, tích cực các hoạt động của Chị hội Phụ nữ bản tổ chức, cũng như nhiều hoạt động của Hội Phụ nữ xã. Năm 2012, chị được nhận bằng khen của Trung ương Hội về thành tích 6 năm liền đạt danh hiệu cá nhân xuất sắc.
 
Chị Kha Thị Hiền, Phó Chủ tịch xã Tam Quang ghi nhận: Chị Lô Thị Nghi là người có nghị lực trong cuộc sống, một gương làm ăn giỏi của xã Tam Quang, được nhiều người khen ngợi. Năm 2014, chị là 1 trong 2 đại biểu của xã đi dự Hội nghị đại biểu những người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh nhà.
 
Hồ Phương