Đình Trung Cần được khởi công xây dựng từ mùa Xuân năm 1781 và khánh thành vào mùa Hạ năm 1782, nay thuộc xóm 8 xã Nam Trung, Nam Đàn. Kết cấu của đình gồm 2 toà: bái đình và hậu cung được dựng trên khu vườn có diện tích 1.750 m2 hoàn toàn bằng gỗ lim.
Đình Trung Cần được đánh giá là một trong những ngôi đình có giá trị nghệ thuật điêu khắc phong phú từ đề tài trang trí, đến nội thất, bờ nóc, bờ giải. Về nội thất, trên bộ phận giá chiêng, đường rường ngang được tạo hình thành mặt hổ phù đủ mắt, mũi, miệng, tay ngài.
Hình chim phượng được chạm khắc trong tư thế dang rộng đôi cánh mềm mại bay lên phía trước. Hình tượng rồng mẹ, rồng con quấn quýt lấy nhau. Trên 24 xà nách có 24 bức phù điêu, trong đó có 14 bức được các nghệ nhân thể hiện điển tích Trung Hoa như Vua Thuấn đi cấy, Vua Nghiêu truyền ngôi, Chiêu hiền đãi sỹ, Vinh quy bái tổ... hay các cảnh sinh hoạt vui chơi giải trí như đánh cờ, uống rượu, bắn cung, làm nhà, đi thuyền trên sông... Có 10 bức chạm tứ linh, tứ quý, tam hữu. Về trang trí nhà, bờ nóc của bốn mái đình được lợp bằng ngói âm dương mũi hài, riêng bờ nóc hai đầu là hình tượng hai con rồng. Bốn bờ giải, bốn đầu đao của mái đình được bố trí bốn đầu rồng cách điệu.
Đình Trung Cần là nơi thờ Thành hoàng làng, thời Tiến sỹ Tống Tất Thắng, đây cũng là địa điểm sinh hoạt văn hoá của nhân dân. Ngày trước, đình là nơi hội họp, làm việc, thu sưu thuế của hương chức và đón tiếp các chức sắc cấp trên về thị sát làng xã của tổng Nam Kim.
Cách cổng đình 60m về phía Nam là phần mộ Tướng công Tống Tất Thắng - ông là người thông minh, dũng cảm, đỗ tiến sỹ năm 18 tuổi, làm Lại bộ Thượng Thư, lập nhiều chiến công trong đánh giặc xâm lược, bảo vệ biên cương đất nước thời hậu Lê.
Đình Trung Cần và mộ Tống Tất Thắng đã được Bộ VHTT (nay là Bộ VH - TT - DL) cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hoá quốc gia năm 1996. Thăm đình Trung Cần, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một trong số ít công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu còn lại của huyện Nam Đàn.
Đồng thời cũng làdịp để du khách đến với một vùng đất hiếu học và có truyền thống khoa bảng vào bậc nhất của huyện. Theo các tài liệu lịch sử, trong số 25 vị đỗ đại khoa Hán học của cả huyện thời phong kiến thì Nam Trung có 8 người, và trong số 122 vị trung khoa Hán học thì Nam Trung có 21 người.